Paris Hilton luôn được coi là người tạo ra trào lưu, trong đó tham vọng mới nhất của cô gắn liền với metaverse và NFT.
Paris Hilton thường trực tiếp tham gia bữa tiệc riêng thường niên của giới giải trí, nhưng khung cảnh năm nay thay đổi khi nó diễn ra trong Paris World, thế giới thực tế ảo được cô xây dựng trên nền tảng Roblox. Gần 400.000 người dùng Roblox đã tham gia lễ hội ảo được cô tổ chức giữa tháng 4, gấp 40 lần so với lượng người tới sự kiện ngoài đời thực.
Cô cũng từng làm DJ và chơi nhạc sống trong thế giới ảo. Với Paris World, người dùng có thể mua quần áo ảo, đặt chỗ tham gia các sự kiện hoặc trả tiền để vào khu VIP của một câu lạc bộ.
“Tôi luôn đam mê công nghệ và tương lai. Biệt danh mới của tôi là nữ hoàng metaverse”, Hilton cho hay.
Paris Hilton từ lâu đã là người tạo ra xu thế. Cô là một trong những KOL – người tạo ảnh hưởng – đầu tiên nhờ chương trình truyền hình thực tế The Simple Life ra mắt năm 2003. Hilton cũng liên tục tìm cách xây dựng hình ảnh một nữ doanh nhân và nhà sáng tạo thành công, thay vì chỉ là một ngôi sao giải trí.
Trong xu hướng mới nhất, cô đã đầu tư vào hàng loạt công ty công nghệ, trong đó có startup xây dựng nhân vật kỹ thuật số Genies và ứng dụng hoạt hình immi, cho phép người sở hữu NFT đưa nhân vật trong thế giới ảo của họ ra ngoài đời thật. Hilton cũng mua một bức tranh trong bộ sưu tập NFT Bored Ape Yacht Club, đồng thời tạo ra những tác phẩm NFT của chính mình.
Bức Iconic Crypto Queen, tác phẩm hợp tác giữa Paris Hilton và họa sĩ NFT Blake Kathryn, được bán với giá 1,111 triệu USD, con số gợi nhớ đến công ty 11:11 Media do cô sáng lập.
Tương lai của metaverse và NFT vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số chuyên gia cho rằng chúng ẩn chứa nhiều tiềm năng cho những ngôi sao và thương hiệu muốn chào đón các sản phẩm, sự kiện ảo.
“Đây là cách để họ tương tác với người hâm mộ và khán giả. Họ có thể tổ chức các buổi biểu diễn ảo, cũng như bán quà lưu niệm ảo để người hâm mộ thể hiện tình yêu thần tượng cả trong thế giới kỹ thuật số và đời thực”, Michael Onouye, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ABI Research, nhận xét.
Nỗ lực xây dựng các sản phẩm và dịch vụ ảo chỉ là một phần trong đế chế kinh doanh ngày càng lớn của Paris Hilton.
Tiếng nói đại diện NFT
Năm 2019, Hilton trở thành một trong những ngôi sao quảng bá sớm nhất cho NFT. Một người bạn của cô muốn quyên tiền hỗ trợ nỗ lực tái thiết sau thảm họa cháy rừng ở Australia. Hilton được đề nghị vẽ bức tranh kỹ thuật số trên iPad và quyết định vẽ con mèo Munchkin của mình. Mọi khoản tiền thu được từ bán tranh đều dành để làm từ thiện.
“Sau đó tôi xuất hiện trên những trang web như Clubhouse trong giai đoạn đại dịch hoành hành, để thảo luận với các nghệ sĩ về thế giới NFT và đối thoại với các lãnh đạo trong lĩnh vực này. Tôi trở nên đam mê nó và bắt đầu hợp tác với giới nghệ sĩ. Đây là điều tôi thực sự tin tưởng”, Hilton nhớ lại.
Kể từ đó, cô đã trở thành một trong những phát ngôn viên của NFT.
Nhiều ngôi sao giải trí như Snoop Dogg, Lindsay Lohan và Shawn Mendes đã tung ra sản phẩm NFT của mình. Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu cho thấy thị trường NFT đi xuống. Số lượng giao dịch mỗi ngày hiện nay ở mức 19.000, so với 225.000 hồi tháng 9/2021, theo dữ liệu từ Wall Street Journal.
Cựu CEO Twitter Jack Dorsey năm ngoái bán dòng tweet đầu tiên dưới dạng NFT để đổi lấy lượng tiền số tương đương 2,9 triệu USD. Người mua sau đó đã rao bán NFT nhưng chỉ được đề xuất số tiền nhỏ hơn rất nhiều.
Giá Bitcoin cũng lao dốc xuống dưới 30.000 USD hồi đầu tháng 5, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021. Nhiều loại tiền số khác cũng mất giá đáng kể trong những tuần qua.
Ngoài sự bất ổn của tiền số và NFT, nạn lừa đảo và đánh cắp tài sản cũng luôn hiện hữu trong thế giới này. Một số nghệ sĩ Mỹ đã bị kiện với cáo buộc tham gia các âm mưu “bơm thổi giá” tiền số để kiếm lời.
Paris Hilton cho biết cô rất cẩn trọng và không đưa ra lời khuyên mua bán cho người hâm mộ, nhấn mạnh đam mê NFT của cô là nhằm “ủng hộ các nghệ sĩ chứ không phải đầu tư”.
Điệp Anh (theo CNN)