Đảm nhận công việc căng thẳng bậc nhất thế giới, hàng loạt phi công Ấn Độ rơi vào tình trạng làm việc quá tải, thậm chí đột tử. Thiết bị đeo giám sát độ kiệt sức được kỳ vọng sẽ giải quyết khủng hoảng.
Các hãng hàng không hy vọng rằng công nghệ sẽ giúp giảm thiểu sự mệt mỏi của phi công. Nhưng liệu đây có phải là cách khi số lượng phi công tử vong do làm việc quá sức vẫn gia tăng? Ảnh: AFAP. |
Trị giá 13,9 tỷ USD và dự kiến phục vụ hơn 300 triệu hành khách nội địa vào năm 2030, song, ngành hàng không Ấn Độ là một quả bom nổ chậm, Wired nhận định. Sự mệt mỏi và kiệt sức của phi công là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng đang đến gần.
Vào tháng 7, tại Tòa án Tối cao Delhi, luật sư Aishwarya Bhati thông báo các quy định mới về giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi của phi công sẽ không được áp dụng trong năm nay như dự kiến.
Được Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) đề xuất vào tháng 1, các quy định này nhằm đối phó với tình trạng phi công kiệt sức và được lên kế hoạch thực thi vào tháng 6. Nhưng sau đó chúng lại bị hoãn vô thời hạn.
Phi công kiệt sức đến đột tử trong buồng lái
Mối lo ngại về tình trạng kiệt sức của phi công liên tục gia tăng trong những tháng gần đây. Đặc biệt là sau cái chết của 2 phi công chỉ trong vòng 3 tháng. Tháng 11/2023, phi công Himanil Kumar (37 tuổi) của hãng hàng không Air India đã đột ngột qua đời tại Sân bay Delhi khi đang huấn luyện bay cho Boeing 777.
Trước đó, vào tháng 8, phi công Manoj Subramanyam (40 tuổi) của hãng IndiGo cũng qua đời vì cơn đau tim ngay trước khi cất cánh từ Nagpur.
Những bi kịch liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong ngành hàng không. Cựu phó chủ tịch hãng IndiGo, Shakti Lumba, đã viết trên mạng xã hội: “Nếu điều này không làm DGCA, Bộ Hàng không Dân dụng và các hãng hàng không gấp rút giải quyết vấn đề stress, mệt mỏi và lo lắng của phi công, thì sẽ chẳng có điều gì có thể thay đổi được họ”.
Hiện bài đăng đã bị gỡ, song, những lo ngại về an toàn vẫn còn đó.
Tháng 8, Cơ trưởng Manoj Subramanyam của hãng bay IndiGo đã bị ngừng tim, gây tử vong chỉ vài phút trước chuyến bay từ Nagpur. Ảnh: IndiGo6E. |
Theo Wired, quy định giới hạn thời gian bay của Ấn Độ (Flight Duty Time Limitations – FDTL) là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới. Cụ thể, thời gian làm việc tối đa của phi công là 13 giờ/ngày. Nhưng sau đại dịch, nhu cầu mở rộng các tuyến bay và thiếu phi công đã đã khiến nhiều người phải làm việc quá tải, vượt quá mức tối đa 60 giờ/tuần.
DGCA đã phải điều chỉnh quy định FDTL vào tháng 1/2024 nhằm nới rộng thời gian nghỉ ngơi hàng tuần từ 36 giờ lên 48 giờ. Cơ quan cũng yêu cầu các hãng hàng không báo cáo định kỳ về tình trạng mệt mỏi của phi công.
Song, các hãng hàng không ngay lập tức phản đối quy định mới. Một giám đốc giấu tên cho biết quy định này đòi hỏi hãng phải tăng 20% lực lượng phi công, đồng nghĩa với chi phí tăng cao và có thể gây ra tình trạng hủy chuyến hàng loạt. Dưới áp lực từ các hãng, DGCA đã hoãn ngày thực thi vô thời hạn.
Không chỉ ở Ấn Độ, tình trạng phi công kiệt sức cũng là vấn đề nan giải của toàn cầu. Vào tháng 1, 2 phi công của hãng hàng không Batik Air (Indonesia) đã ngủ gục suốt 28 phút khi đang bay, khiến máy bay đi chệch khỏi lộ trình.
Tại Anh, các phi công của Virgin Atlantic cũng đã bỏ phiếu ủng hộ đình công vào tháng 4 để phản đối tình trạng kiệt sức hiện tạo. Tại Australia, phi công của Virgin Australia cũng lên tiếng về những hệ thống phân công công việc không hợp lý, ép họ làm việc đến giới hạn kiệt sức.
Trên thực tế, tại Ấn Độ, quan điểm cho rằng việc làm việc quá sức là điều tất yếu đã ăn sâu vào nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là ngành công nghệ. Các lãnh đạo hàng đầu của ngành công nghệ như Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys, đã kêu gọi thanh niên Ấn Độ làm việc 70 giờ mỗi tuần để phát triển đất nước.
Lời khuyên này nhanh chóng được một số doanh nhân và lãnh đạo lớn tán thành, như Bhavish Aggarwal của Ola Krutrim hay Sajjan Jindal của JSW Group. Họ lập luận rằng kéo dài giờ làm việc sẽ giúp đưa Ấn Độ trở thành cường quốc kinh tế.
Thiết bị giám sát mệt mỏi có đủ để “cứu mạng” phi công kiệt quệ?
Theo Wired, để đối phó với tình trạng kiệt sức của phi công, các hãng hàng không tại Ấn Độ đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp công nghệ. IndiGo, hãng hàng không lớn nhất nước, đã hợp tác với Tập đoàn Thales của Pháp để phát triển một thiết bị đeo tay nhằm giám sát mức độ mệt mỏi của phi công.
Thiết bị này có thể cung cấp dữ liệu chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến phi công, như lộ trình, lịch bay và hồ sơ cá nhân. Tuy nhiên, thời điểm ra mắt chính thức vẫn chưa được xác định.
Ở Ấn Độ, làm việc quá sức và mệt mỏi không chỉ được bình thường hoá, mà còn là điều hiển nhiên để phát triển đất nước. Ảnh: ShiftWorkerHealth. |
Các thiết bị giám sát như vậy không phải là mới trong ngành hàng không. Thiết bị theo giõi giấc ngủ Actiwatch từng được sử dụng để theo dõi chu kỳ sinh học của phi công, nhưng hiện đã ngừng sản xuất
Tuy nhiên, những thiết bị này yêu cầu phi công tự báo cáo. Việc tự báo cáo đôi khi lại khiến họ bị hãng hàng không nhắm đến, trích lời của chủ tịch Liên đoàn Phi công Ấn Độ C. S. Randhawa.
25 người trong số những người báo ốm tại Air India Express đã bị sa thải. Những người khác được cho là đã nhận được tối hậu thư. Sau đó, những người bị sa thải đã được hãng hàng không phục chức do có sự can thiệp của Chief Labour Commissioner (Ủy viên Lao động trưởng).
Một tuần trước, ủy viên lao động khu vực Delhi đã viết thư cho chủ tịch tập đoàn Tata chỉ ra “hành vi vi phạm trắng trợn luật lao động” và yêu cầu xem xét những lo ngại chính đáng của phi hành đoàn.
Theo Wired, Air India đã cố gắng cải thiện tình hình bằng cách triển khai phần mềm phân tích dữ liệu về an toàn Coruson và công cụ giảm mệt mỏi BAM (Boeing Alertness Model) vào năm 2023. Những công cụ này được thiết kế để ngăn chặn các lịch trình làm việc gây kiệt sức.
Tuy nhiên, Air India vẫn bị DGCA phạt vì vi phạm các quy định về quản lý thời gian làm việc. Đầu năm nay, nhân viên cabin của Air India Express đã đồng loạt nghỉ việc để phản đối hệ thống quản lý kém cỏi. Nhiều phi công tại Vistara cũng đã biểu tình với lý do tương tự.
Để xoa dịu các phi công và giúp họ quay trở lại làm việc, ban quản lý đã đảm bảo với họ rằng tiền lương “làm thêm giờ” sẽ được tính sau khi Vistara sáp nhập với Air India. Vào thời điểm đó, 2 công đoàn phi công Air India đã viết thư cho chủ tịch công ty, nói rằng những vấn đề như vậy không phải riêng lẻ mà mang tính hệ thống.
Cơ trưởng Singh, một cựu quản lý cấp cao của AirAsia, đã cảnh báo rằng tình trạng kiệt sức không chỉ làm tăng nguy cơ tai nạn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phi công về lâu dài. Những thay đổi nhỏ trong lịch trình bay, như chuyển đổi giữa các loại máy bay khác nhau hoặc hạ cánh liên tục trong nhiều chuyến bay cũng khiến phi công càng thêm mệt mỏi.
Trong cuộc khảo sát “Safety Culture” năm 2024 do Safety Matters Foundation thực hiện, 81% phi công tham gia cho biết lịch trình dày đặc khiến họ kiệt sức. “Hệ thống phân ca chính là vấn đề. Chúng là những công cụ tối ưu hóa được thiết kế để khiến phi công làm việc từng giây, từng phút trong lịch trình 13 giờ của họ mà không có chỗ để thở”, một phi công giấu tên nói.
Những nhà khoa học tiên phong
“Những nhà khoa học tiên phong” là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.