Có thể bạn đã từng thấy quảng cáo màu cam của Temu trên mạng xã hội, đi kèm mức giá siêu hời và loạt sản phẩm kỳ lạ. Nhưng chính Temu cũng bị chỉ trích không đáng tin và lạm dụng dữ liệu.
Temu là nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng vì giá rẻ và giảm giá đến 90%. Ảnh: Xuân Sang. |
Temu là sản phẩm của công ty Trung Quốc PDD Holdings, cũng là chủ sở hữu của Pinduoduo – nền tảng mua sắm giá rẻ phổ biến tại quốc gia tỷ dân. Chỉ sau một thời gian ngắn, Temu đã trở thành một trong những ứng dụng mua sắm phổ biến nhất trên thị trường toàn cầu, hiện có mặt tại gần 50 quốc gia.
Với lời hứa “giá rẻ nhất, chất lượng đảm bảo”, Temu thu hút hàng triệu người tiêu dùng bằng chính sách giảm giá sâu, vận chuyển miễn phí và hệ thống trò chơi khi mua sắm.
Sức hút của Temu là chiêu trò hay chất lượng thực?
Theo New York Magazine, Temu nổi tiếng với trải nghiệm “gamification” (trò chơi hóa) quá trình mua sắm. Người dùng không chỉ mua hàng, mà còn có thể tham gia vào các trò chơi nhỏ như quay vòng quay, mở túi lì xì bí ẩn để giành mã giảm giá hay giới thiệu ứng dụng cho bạn bè để nhận phần thưởng.
Nhưng để nhận được, bạn thường phải tiêu một khoản tiền tối thiểu hoặc chia sẻ ứng dụng với bạn bè trên mạng xã hội. Chiến thuật này rất thông minh, giúp Temu vừa giữ chân người dùng, vừa mở rộng cơ sở khách hàng thông qua chia sẻ cá nhân.
Ngoài ra, thành công của Temu còn đến từ chiến lược marketing khéo léo. Theo một khảo sát của Choice hồi tháng 3, 1,26 triệu người Australia đã mua sắm trên Temu mỗi tháng.
37% cho biết họ biết đến Temu thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, trong khi 27% người dùng biết từ các video đánh giá sản phẩm trên TikTok, YouTube. Song, một số đánh giá này thực ra là những bài đăng quảng cáo trả tiền từ Temu, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn giữa đánh giá thật và nội dung quảng cáo, theo Slashgear.
Các trò chơi, túi lì xì tặng mã giảm giá trên Temu. Ảnh: Choice. |
Khi nói đến Temu, không thể không đề cập đến giá cả. Đơn cử như thắt lưng nam được bán với giá dưới 7 USD (một mặt hàng tương tự trên các trang khác có giá ít nhất là 20 USD) hay một chiếc vali với giá 43 USD (các sản phẩm tương tự thường có giá khoảng 100 USD ở những sàn khác), theo khảo sát của Choice.
Khắp trang chủ của Temu là các chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục với mức giảm giá lên tới trên 90% và cam kết giao hàng miễn phí.
Temu giải thích họ có thể giữ giá thấp nhờ kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà sản xuất, loại bỏ các khâu trung gian. Cách làm này giúp hạ giá thành sản phẩm, đồng thời mang lại mức giá “sỉ” cho người tiêu dùng.
Nhưng sự thật là gì? Theo Slashgear, Temu có thể đang bán dưới giá vốn để thu hút người tiêu dùng và mở rộng thị phần. Mô hình này giống với các chiến lược kinh doanh mà nhiều công ty thương mại điện tử đã áp dụng trước đây để chiếm lĩnh thị trường, như cách Amazon đã làm vào những năm đầu.
Temu có thực sự an toàn?
Tuy nhiên, giá rẻ không đồng nghĩa với chất lượng. Theo khảo sát của Choice từ hơn 500 người dùng Temu, một số người mua cho rằng với mức giá rẻ như vậy, họ không mong đợi sản phẩm chất lượng cao và chỉ mua hàng để thử nghiệm.
Khảo sát chỉ ra khoảng 77% khách hàng cho biết họ sẽ tiếp tục mua sắm trên Temu và 73% sẵn sàng giới thiệu nền tảng này cho người khác. Những người hài lòng thường mua hàng gia dụng đơn giản hoặc những món đồ nhỏ lẻ không đòi hỏi độ bền cao.
Ngược lại, một số khách hàng phàn nàn rằng sản phẩm họ nhận được có chất lượng kém hơn mong đợi như quần áo không vừa, chất liệu mỏng dính hay món đồ bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Các sản phẩm thường được đóng gói sơ sài, dễ bị hỏng hóc khi đến tay.
Temu còn từng bị cáo buộc bán những sản phẩm không đạt chuẩn an toàn. Một đợt kiểm tra hồi tháng 2 do Toys Industries of Europe thực hiện đã phát hiện phần lớn đồ chơi được bán trên Temu đều vi phạm các quy định an toàn của EU. Một số gây nghẹt thở, trong khi một số khác có khả năng làm xước, nghẹt cổ. Một sản phẩm thậm chí còn chứa hóa chất độc hại ở mức vượt quá giới hạn cho phép.
Temu tạo tâm lý khan hiếm, thúc ép người dùng mua vì sợ bỏ lỡ. Ảnh: Wall Street Journal. |
Temu bị chỉ trích vì sử dụng các “chiêu trò” để tạo ra cảm giác khan hiếm giả và thúc ép người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. Các thông báo như “sản phẩm sắp hết” hoặc “có hàng trăm người khác đang xem sản phẩm này” thường xuyên xuất hiện khi bạn thêm sản phẩm vào giỏ hàng. Chính những nội dung này tạo ra cảm giác cấp bách và khiến người tiêu dùng cảm thấy cần phải mua hàng ngay lập tức.
Nhưng ngoài vấn đề về sản phẩm và chiêu trò marketing, điều khiến Temu gặp phải nhiều chỉ trích hơn cả nằm ở cách xử lý thông tin người dùng. Giống như nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, Temu thu thập rất nhiều dữ liệu từ người dùng của mình, từ thông tin cá nhân, IP, lịch sử mua sắm và vị trí địa lý.
Điều này đã dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và an ninh dữ liệu. Đặc biệt khi Temu còn bị cáo buộc chia sẻ dữ liệu với các đối tác thứ 3. Báo cáo nghiên cứu từ Grizzly Research đã cáo buộc nhà bán lẻ này che giấu một lượng lớn phần mềm độc hại và phần mềm gián điệp trong app di động. Hãng “có khả năng cung cấp quyền truy cập đầy đủ cho kẻ xấu để vào hầu hết tất cả dữ liệu trên thiết bị di động của khách hàng”, trích báo cáo.
Mặc dù Temu khẳng định rằng các chính sách bảo mật của họ không có gì khác biệt so với các nền tảng mua sắm trực tuyến khác, nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị người dùng nên thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân.
Nếu lo ngại về rủi ro bị thu thập và bán dữ liệu nhưng vẫn muốn mua hàng trên nền tảng, bạn có thể sử dụng trình duyệt web thay vì tải xuống ứng dụng. Các cáo buộc về phần mềm độc hại ẩn nằm ở ứng dụng Temu chứ không phải trang web. Ngoài ra, hãy sử dụng email riêng để đăng ký tài khoản trên Temu, tránh đăng nhập thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.