Nhân lúc iPhone mới không còn gây sốt như mọi năm, thị trường iPhone đã qua sử dụng âm thầm phát triển mạnh mẽ.
“Thỉnh thoảng, một sản phẩm mang tính cách mạng sẽ xuất hiện và thay đổi mọi thứ”, Steve Jobs đã nói như vậy trong buổi ra mắt iPhone vào năm 2007. Ông đã đúng. Thế giới công nghệ đã không còn như xưa.
Nhưng với iPhone 16 gần đây? Có vẻ như không còn nhiều người cảm thấy hứng thú.
iPhone 16 gây thất vọng
Được ra mắt vào tháng 9, mẫu iPhone mới nhất đang gặp khó khăn. Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF Securities, doanh số đặt trước trong tuần đầu tiên của iPhone 16 đã giảm gần 13% so với iPhone 15 ra mắt năm ngoái.
Trong quý I/2024, doanh thu từ mảng điện thoại của Táo khuyết giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau 17 năm kể từ khi iPhone ra đời, sự kiện ra mắt iPhone không còn là tâm điểm lớn của thế giới công nghệ. Nó dần trở thành một bản cập nhật phần mềm được gói trong chiếc hộp bóng bẩy.
Thế chỗ cho sự phấn khích đó là làn sóng mới: sự phát triển mạnh mẽ của iPhone cũ. Theo nghiên cứu từ Counterpoint Research, thị trường smartphone qua sử dụng toàn cầu đã tăng 5% từ năm 2021-2022. Trong đó, Táo khuyết chiếm một nửa thị trường điện thoại cũ vào năm 2022.
Trong cùng năm đó, tập đoàn có trụ sở ở Cupertino cũng chiếm khoảng 1/4 số điện thoại mới xuất xưởng toàn cầu vào cuối năm 2023, theo công ty phân tích thị trường International Data Corporation.
Tại châu Âu, một cuộc khảo sát do Vodafone và Recommerce Group thực hiện vào năm 2023 cho thấy khoảng 43% người dân đã từng sử dụng điện thoại qua tân trang. Thị trường điện thoại cũ tại Mỹ dự kiến tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm đến năm 2032, theo ước tính từ Zion Market Research.
iPhone 16 nhàm chán, tạo cơ hội cho thị trường smartphone cũ trỗi dậy. Ảnh: ZDNet. |
Glen Cardoza, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, giải thích rằng có nhiều yếu tố đang thúc đẩy làn sóng điện thoại đã qua sử dụng. Ngày càng nhiều người biết đến các sản phẩm refurbished (đã được tân trang) nhờ các chiến dịch quảng cáo và hiệu ứng truyền miệng.
“Khi nâng cấp trên smartphone mới quá nhỏ giọt, ngày càng nhiều người dùng nhận thấy các sản phẩm đã qua sử dụng là lựa chọn tối ưu hơn. Họ không ngại sử dụng một mẫu điện thoại cũ hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn có đủ các tính năng mới nhất”, Cardoza nhận định.
Tại sao phải mua điện thoại mới nếu cái cũ vẫn còn hoạt động tốt?
Các công ty bán điện thoại tân trang cũng nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Back Market, một chợ điện tử chuyên bán thiết bị cũ tại Pháp, đã gọi vốn được hơn 1 tỷ USD và đang trên đà đạt được lợi nhuận tại châu Âu trong năm nay.
Tại một cuộc họp báo gần đây, CEO Thibaud Hug de Larauze cho biết công ty đã phục vụ 15 triệu khách hàng và bán được 30 triệu sản phẩm trong suốt 10 năm qua. Điện thoại chiếm phần lớn doanh thu, nhưng Back Market cũng bán các sản phẩm công nghệ khác như đồng hồ thông minh, tai nghe, laptop và máy chơi game.
Mẫu iPhone 16 được ra mắt với kỳ vọng cao, nhưng lượng đặt hàng trước chỉ đạt mức thấp. Ảnh: Bloomberg. |
Chia sẻ với Business Insider, CEO Thibaud Hug de Larauze tỏ ra rất lạc quan về tương lai của thị trường tân trang. Ông dự đoán rằng trong 10 năm tới, 90% người trưởng thành có thể sẽ mua sản phẩm tân trang hoặc chọn sửa chữa thiết bị thay vì mua mới. “Mọi người dần nhận ra rằng không có quá nhiều sự đổi mới giữa các đời sản phẩm”, ông nói.
Hug de Larauze còn so sánh cuộc cách mạng điện thoại cũ với thị trường xe hơi. Ôtô đã mất giá rất nhanh và việc đổi xe mới không còn mang lại giá trị lớn. Vì vậy, tại sao điện thoại lại không thể như vậy? Điều gì khiến chúng ta phải mua mới khi một chiếc điện thoại cũ hơn vẫn hoạt động tốt, ông nói.
Người dùng cũng bắt đầu nghi ngờ với tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mà các công ty như Apple đang tích hợp vào thiết bị mới. “AI thực sự có tác dụng gì trong cuộc sống của bạn? Nó thay đổi gì trong cuộc sống hàng ngày của bạn?”, Hug de Larauze đặt câu hỏi.
Áp lực Apple phải thay đổi
Anmol Aroz, một nhân viên bán hàng IT (23 tuổi) tại Anh, cho biết đã mua một chiếc iPhone 13 Pro tân trang cách đây 2 năm và tiết kiệm được khoảng 500 bảng Anh. Aroz hài lòng với chiếc điện thoại và không cảm thấy hứng thú với các tính năng mới trên các mẫu máy gần đây. “Tôi cảm thấy mình có thể làm đủ mọi thứ với ChatGPT trên điện thoại và chưa cần đến Apple Intelligence”, anh nói.
Amy Marty Conrad (34 tuổi, sống tại Washington DC) chia sẻ rằng cô và chồng đã mua điện thoại tân trang. Hiện tại, cô đang sử dụng một chiếc Samsung Galaxy S21 và đã thay pin cách đây không lâu.
“Phần lớn thời gian tôi chỉ sử dụng điện thoại để gọi, gửi email và chụp ảnh. Những tính năng mới không mang lại nhiều giá trị cho tôi”, cô nói. Conrad cũng có ý thức về ảnh hưởng môi trường và thường mua đồ cũ, từ quần áo đến các vật dụng trong nhà.
iPhone cũ được nhiều người chọn vì giá thành rẻ, tính năng không hề lỗi thời. Ảnh: Exploring Gyan. |
Song, trở ngại lớn nhất đối với thị trường điện thoại cũ lại đến từ chính các nhà sản xuất. Các công ty công nghệ đã triển khai chính sách “ghép đôi linh kiện” (parts pairing). Cụ thể, các linh kiện thay thế chỉ hoạt động nếu phần mềm của hãng nhận diện và chấp thuận nó.
Chính điều này khiến việc sửa chữa điện thoại của bạn tại các cửa hàng bên ngoài trở nên khó khăn. Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi.
Vào tháng 4, Apple thông báo sẽ cho phép một số linh kiện chính hãng đã qua sử dụng được lắp vào các mẫu iPhone khác. Dù Apple chưa đưa ra thông tin chi tiết, công ty đã luôn khẳng định rằng việc kiểm soát linh kiện giúp đảm bảo tính bảo mật của điện thoại.
Tháng 3, bang Oregon đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm chính sách “ghép đôi linh kiện”. Luật này chỉ áp dụng cho các thiết bị sản xuất sau ngày 1/1/2025, nhưng đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy tương lai của việc sửa chữa điện thoại sẽ trở nên dễ dàng hơn. Liên minh Châu Âu cũng đã thông qua các đạo luật nhằm giúp người dùng dễ dàng sửa chữa thiết bị, thay vì bị ép buộc mua mới.
Mặc dù thị trường điện thoại cũ đang dần lên ngôi, Tim Cook vẫn không quá lo ngại. Dù doanh số có phần gây thất vọng so với tiêu chuẩn của Apple, tập đoàn vẫn bán ra hàng chục triệu chiếc iPhone 16. Đây cũng mới chỉ là con số ước tính trước khi mùa mua sắm cuối năm bắt đầu.
Tuy nhiên, khi người dùng ngày càng hoài nghi về AI và quan tâm đến điện thoại cũ, Apple sẽ phải tạo ra một bước ngoặt giống như Steve Jobs đã làm năm 2007 nhằm tạo lại sự phấn khích đối với các mẫu iPhone 17, 18, 19 và 20, Business Insider nhận định.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn