Người lính đảo không nén nổi nước mắt trong lần đầu gọi điện về thăm gia đình. Điều bình dị ấy có lúc tưởng chừng như là “giấc mơ”.
Hành trình 20 năm kinh doanh di động của Viettel là chặng đường cần mẫn biến các “giấc mơ” thành sự thật.
Mang đất liền đến đảo xa
Cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với đảo Trường Sa, ông Lê Đình Hải – Phó lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa – vẫn nhớ như in ngày đoàn cán bộ Viettel đến khảo sát, tìm vị trí lắp đặt trạm phát sóng vào năm 2007. Khi đó, ông Hải đang làm đảo trưởng đảo Sơn Ca. Đoàn Viettel trước sau lên đảo chỉ có 2-3 người.
Ngày lên đảo có sóng to, việc đưa vật liệu, thiết bị gặp khó, anh em chiến sĩ trên đảo xắn tay vào cùng làm. Thấy anh em Viettel ít người, khối lượng công việc lại lớn, bộ đội trên đảo và bộ đội Viettel cùng nhau làm. Khảo sát, đo đạc, đổ cột, dựng trạm… từng chút một chiếc cột dần dần thành hình, ai cũng khấp khởi.
“Ngày Viettel thông mạng với đất liền, cả đảo rộn ràng, vui lắm”, ông Hải nhớ lại.
Hồi đó, cả đảo chỉ có một chiếc điện thoại di động. Anh em chia nhau để gọi về gia đình. Cuộc gọi đầu tiên đó, ông Hải gọi cho vợ, hỏi thăm tình hình gia đình. Vợ ông bần thần không tin vào tai mình khi nghe tiếng chồng. Còn ông, vừa hỏi han việc nhà, nước mắt cũng ứa ra.
Những vạch sóng Viettel trên quần đảo Trường Sa. |
Ông Hải cho biết lúc đó, trước khi có sóng Viettel, phương tiện kết nối trên đảo chủ yếu là máy thông tin quân sự sóng ngắn. Một số đảo lớn có hệ thống điện thoại vệ tinh VSAT, tất cả phục vụ cho công tác quân sự. Những lá thư là nhịp cầu duy nhất nối Trường Sa với đất liền. Nơi đầu sóng ngọn gió, bốn bề là biển, thư gửi có khi vài tháng anh em mới nhận được tin tức gia đình. Những vạch sóng Viettel được ví như điểm tựa tinh thần to lớn, góp phần quan trọng giúp quân và dân trên quần đảo Trường Sa ổn định tư tưởng.
Từ ngày có sóng di động ở khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, nhiều ca mổ cũng được các cán bộ quân y thực hiện hội chẩn qua điện thoại. Có điện thoại, mối liên hệ giữa ngư dân với bờ, ngư dân với bộ đội trở nên chặt chẽ hơn, tạo ra vòng kết nối thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Cũng nhờ sóng điện thoại mà các tổ, đội tàu đánh cá có thể thường xuyên thông báo với nhau về biến động thời tiết, tình hình ngư trường, cứu hộ cứu nạn.
Viettel phủ sóng di động ở khu vực nhà giàn DK1. |
Thay đổi vùng núi cao biên viễn
Gắn bó với sự nghiệp đưa con chữ lên bản cao, thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) – bồi hồi kể lại những ngày đồng hành cùng trẻ em xã Pá Mỳ, xuyên suốt hơn 16 năm. Xã Pá Mỳ nghèo nhất huyện Mường Nhé, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài do địa hình núi cao, bị chia cắt bởi con suối Nậm Nghé. Những năm 2006-2007, điện thoại di động ở xã vẫn có, nhưng để dùng thì khá vất vả. Muốn gọi điện về cho gia đình hay liên hệ công việc, thầy Tuyến phải đi 4-5km để đến điểm giáp ranh với xã Nậm Kè rồi leo bộ lên chỏm núi cao mới tìm được 1-2 vạch sóng. Đấy là ngày thời tiết thuận lợi còn những khi mưa gió, bão lũ… Pá Mỳ bị cô lập hoàn toàn.
“Thời gian đó, để phổ cập giáo dục, vận động các em nhỏ người Mông, người Dao ở những bản xa nhất như Huổi Lụ 2, Huổi Lụ 3 đến trường, các giáo viên của trường Phổ thông dân tộc bán trú Pá Mỳ phải đi mất 3 ngày đường”, thầy Tuyến không khỏi xúc động khi nhắc lại câu chuyện ngày đầu đến với các em nhỏ ở Pá Mỳ.
Ngày ấy thiếu điện, thiếu thông tin liên lạc, việc học chữ ở các xã vùng cao vốn khó càng thêm khó. Người dân Pá Mỳ ngoài bám rừng, ruộng ngô thì chẳng có nguồn thu nào khác. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết cuộc sống của đồng bào nơi đây.
“Pá Mỳ, Quảng Lâm rồi 9 xã nữa của huyện Mường Nhé chỉ thực sự thay đổi khi điện lưới về khắp các thôn bản, khi người Viettel lên lắp trạm phát sóng. Năm 2010, khi những cột sóng đầu tiên được đặt trên núi, các thầy cô giáo trong trường vỡ òa sung sướng”, thầy Tuyến kể lại.
Sóng di động có thể truyền Internet miễn phí về tới trường học ở Mường Nhé. |
Có sóng điện thoại, thầy cô có thể nắm tình hình học sinh hàng ngày, sau đó trao đổi với người thân chỉ qua 1 cuộc điện thoại, đỡ vất vả hơn trước nhiều. Niềm vui ấy nhân lên nhiều lần khi sóng di động có thể truyền Internet miễn phí về tới trường học ở Mường Nhé. Các em được học thêm ngoại ngữ, tin học, tham gia các lớp học trực tuyến từ các giáo viên giỏi miền xuôi.
“Đó gần như là một cuộc lột xác khi trường có thêm Internet”, thầy Tuyến khẳng định.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Với Viettel, có trạm, có kết nối là chưa đủ để “phổ cập” dịch vụ, chinh phục mọi khách hàng. Thời điểm năm 2012, gói cước Tomato của Viettel vốn là cách mạng trong tiêu dùng di động tại Việt Nam, khi lần đầu tiên không giới hạn thời gian sử dụng sim, đã rất thông dụng. Nhưng với bà con vùng cao, họ vẫn cảm thấy bất tiện và chưa phù hợp.
Để tìm hiểu thực tế, đoàn công tác của Viettel Telecom đã dành nhiều ngày khảo sát tại Sơn La. Theo tìm hiểu, người dân vùng cao ít dùng điện thoại chưa hẳn vì không có tiền. Bởi tập quán sinh hoạt và canh tác, khi thu hoạch, họ luôn có một khoản tiền nhưng tiêu hết rất nhanh. Đến mùa giáp hạt, chưa thu hoạch nông sản, họ không dư dả nên thường rời mạng vào tháng 8 hàng năm. Rào cản về ngôn ngữ cũng là vấn đề khiến khách hàng chỉ biết “điện thoại không gọi được nữa”, chẳng biết hỏi ở đâu. Do đó, dù nhu cầu liên lạc cấp thiết, điện thoại với họ cũng chỉ để nghe nhạc.
Gói cước Tomato Buôn làng được sinh ra để phục vụ người dân đồng bào như thế. Tài khoản di động được thiết kế thêm khoản dự trữ để dùng dần, tự động cấp 10.000 đồng/tháng để bà con có thể duy trì liên lạc thường xuyên. Tùy tập quán canh tác vùng miền, Viettel không khóa liên lạc của các thuê bao Buôn làng trong các tháng giáp hạt, thậm chí dù tài khoản không còn tiền, để bà con có thể gọi điện lúc cần. Tổng đài chăm sóc khách hàng bằng tiếng đồng bào Dao, Mông, Thái, Tày – Nùng, Gia rai, Ê đê, Khơ me cũng được thành lập để hướng dẫn đồng bào sử dụng điện thoại bằng ngôn ngữ bản địa. Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam có tổng đài chăm sóc khách hàng bằng tiếng dân tộc thiểu số. Nhu cầu dù nhỏ nhất của người dân đều được đáp ứng. Đây cũng là lý do gói Tomato Buôn làng có gần 2 triệu thuê bao đăng ký chỉ sau 1 năm cung cấp.
Gói cước SEA+ được Viettel thiết kế cho ngư dân và đồng bào vùng biển. |
Gói cước SEA+ dành cho ngư dân và đồng bào vùng biển lại được thiết kế theo một hướng khác: Cho phép khách hàng đăng ký đội nhóm riêng để tiện liên lạc hoặc báo tin trong trường hợp khẩn cấp. Cước phí, thời gian cũng được điều chỉnh để phù hợp những chuyến ra khơi hàng tháng trời của ngư dân. Khách hàng dùng gói SEA+ nhận được bản tin dự báo thời tiết đầy đủ, từ đó chủ động ứng phó tình huống đặc biệt.
Đến thời điểm hiện tại, gói Tomato Buôn làng và SEA+ vẫn được duy trì để phục vụ người dân ở những vùng đặc thù. Đây là minh chứng cho sự phù hợp của các gói cước chuyên biệt mà Viettel cung cấp. Chính sách bắt nguồn từ nhu cầu của con người và để phục vụ con người là kim chỉ nam để Viettel thiết kế sản phẩm, dịch vụ. Tính nhân văn trong các chính sách và chiến lược phát triển của Viettel Telecom thể hiện rõ qua triết lý “Mỗi khách hàng là một con người – một cá thể riêng biệt, cần được tôn trọng, quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu và phục vụ một cách riêng biệt”.
Triết lý đó là nền tảng để người Viettel mang những gì tốt nhất đến phục vụ khách hàng, không kể khoảng cách địa lý hay điều kiện kinh tế. Bởi với Viettel, khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau.