Chỉ một thay đổi nhỏ trong tính năng đồng bộ danh bạ của iOS 18 cũng đủ khiến hàng loạt mạng xã hội “chết yểu” ngay khi ra mắt vì không thể tận dụng vòng kết nối bạn bè của người dùng.
Các nhà phát triển lo ngại rằng thay đổi này sẽ giúp các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook và Instagram được lợi. Ảnh: Digital Trends. |
Khi Apple công bố iOS 18, phần lớn chú ý đều đổ dồn vào các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mới. Tuy nhiên, một thay đổi ít được quan tâm lại đang gây sóng gió cho các nhà phát triển ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin. Thay đổi này liên quan đến tính năng đồng bộ hóa danh bạ, tức là cách người dùng chia sẻ danh bạ với các app.
Theo New York Times, tính năng này từng giúp các ứng dụng như Instagram, WhatsApp và Snapchat phát triển mạnh mẽ nhờ khả năng kết nối người dùng với những người họ đã biết và đề xuất thêm các tài khoản mới. Chia sẻ danh bạ đã trở thành chìa khóa giúp những nền tảng này có được sức hút ngay từ khi ra mắt, leo lên đầu bảng xếp hạng của App Store.
Nhưng với iOS 18, người dùng giờ đây có thể kiểm soát danh bạ mà họ muốn chia sẻ với các ứng dụng. Thay vì buộc phải chia sẻ toàn bộ danh bạ như trước, họ có thể chọn từng liên hệ một. Thay đổi này được Apple tung ra với lý do bảo vệ quyền riêng tư, nhưng lại gây khó khăn cho các app mới muốn phát triển dựa trên sự kết nối giữa người dùng.
“Ngày tận thế” của mạng xã hội
Nhà sáng lập và cố vấn cho nhiều ứng dụng thành công – Nikita Bier – gọi thay đổi này là “ngày tận thế”. Ông lo ngại các ứng dụng bằng mô hình kết bạn sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển và thậm chí có thể “chết yểu” ngay khi ra mắt. “Thay đổi này khiến việc phát triển các ứng dụng xã hội mới dựa vào bạn bè là gần như không thể”, Bier chia sẻ với New York Times.
Apple cho phép người dùng chọn chia sẻ chỉ một vài liên hệ. Ảnh: iDB. |
Trước đây, các ứng dụng có thể yêu cầu truy cập toàn bộ danh bạ của người dùng, sau đỏ sử dụng thông tin để xây dựng mạng lưới bạn bè hoặc gợi ý các tài khoản để theo dõi. Tuy nhiên, với iOS 18, sau khi đồng ý chia sẻ danh bạ, người dùng sẽ thấy một màn hình khác. Họ có quyền lựa chọn từng danh bạ riêng lẻ thay vì phải chia sẻ toàn bộ.
Từ góc độ bảo vệ quyền riêng tư, Apple cho rằng quyền kiểm soát danh bạ là điều cần thiết. Người dùng iPhone có thể có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn liên hệ, bao gồm cả những người mà họ không muốn chia sẻ như chuyên viên tâm lý, người yêu cũ hoặc những người họ gặp một lần từ nhiều năm trước. “Người dùng không nên bị buộc phải đưa ra lựa chọn hoặc tiết lộ tất cả hoặc không gì cả khi chia sẻ danh bạ”, hãng khẳng định.
Tuy nhiên, các nhà phát triển không đồng ý với quan điểm này. Bier cho biết dữ liệu từ những start-up ông tư vấn cho thấy việc chia sẻ danh bạ đã giảm đáng kể từ khi iOS 18 được triển khai. Một số app thấy tỷ lệ người dùng chia sẻ dưới 10 danh bạ tăng tới 25%.
Sự thay đổi này cũng có thể làm giảm lượng người dùng chia sẻ danh bạ, bởi thông báo pop-up thứ 2 hiện lên làm phức tạp hóa quá trình. Trong khi đó, với các mạng xã hội, khả năng kết nối nhanh chóng với bạn bè của người dùng mới có thể là yếu tố quyết định sự thành bại.
Một nghiên cứu nội bộ từ Facebook cho thấy, nếu người dùng kết nối được với ít nhất 7 người bạn trong 10 ngày đầu sau khi đăng ký, họ sẽ gắn bó với app lâu hơn. “Việc tạo mật độ kết nối là điều cốt yếu đối với bất kỳ ứng dụng mới nào”, Bier nói với New York Times.
Apple bảo vệ người dùng hay kìm hãm cạnh tranh?
Theo New York Times, sự thay đổi này không áp dụng cho các dịch vụ của chính Apple. Ví dụ như iMessage không phải yêu cầu quyền truy cập danh bạ như các ứng dụng nhắn tin của bên thứ 3 như WhatsApp, Signal hay WeChat.
Nhiều nhà phát triển cho rằng đây là cạnh tranh không lành mạnh, là một ví dụ điển hình của hành vi “thiên vị chính mình” (self-preferencing) đang bị các cơ quan quản lý phản đối.
Thay đổi này không áp dụng với ứng dụng của Apple. Ảnh: Digital Trends. |
Một số chuyên gia cũng lo ngại rằng thay đổi này sẽ giúp các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook và Instagram được lợi. Những nền tảng trên đã có sẵn “hiệu ứng mạng lưới” (network effects) lớn mạnh , nghĩa là họ không cần phải xin phép lại để tiếp tục thu thập danh bạ của người dùng.
Trong khi đó, các ứng dụng mới sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm tốc phát triển do khó kết nối người dùng.
Về lâu dài, Nikita Bier cho rằng những mạng xã hội dựa trên mô hình kết bạn có thể sẽ dần bị thay thế bởi những ứng dụng dựa trên nội dung như TikTok. Tức là người dùng được đề xuất nội dung dựa trên sở thích thay vì dựa trên các kết nối xã hội. Hay thậm chí là các app dựa trên AI, nơi không cần đến sự kết nối giữa con người với nhau.
“Làm một ứng dụng mạng xã hội dựa trên mô hình kết bạn bây giờ thật sự rất khó khăn và với thay đổi này, nó gần như là bất khả thi”, Bier nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.