(VNF) – Habeco báo lãi quý III tăng 30%, lãi 9 tháng giảm nhẹ 1% do quý I ghi nhận khoản lỗ gần 30 tỷ đồng. Dẫu vậy, hãng bia này vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sớm 1 quý.
Bức tranh kinh doanh trong quý III/2024 của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) đã sáng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 nhờ tình hình tiêu thụ sản phẩm được cải thiện, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước dần ổn định so với năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 2.335 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện thêm 2 điểm phần trăm, từ mức 26% (quý III/2023) tăng lên 28% nhờ giá vốn được kiểm soát gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Hoạt động tài chính có phần kém sắc hơn, doanh thu giảm 25% còn 44 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm.
Tương tự như chi phí đầu vào, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được duy trì ổn định so với cùng kỳ với mức biến động chỉ 1-2%, lần lượt đạt 401 tỷ đồng và 124 tỷ đồng.
Kết quý, Habeco báo lãi sau thuế 138 tỷ đồng, tăng 30% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của hãng bia này đạt 5.949 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 8%. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt 289 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Sở dĩ lợi nhuận có phần kém sắc so với cùng kỳ, do Habeco đã phải ghi nhận một khoản lỗ gần 30 tỷ đồng trong quý I/2024 do doanh thu không thể bù đắp cho các chi phí neo cao trong kỳ.
Dù bị khoản lỗ này kéo chân, Habeco vẫn nhanh chóng vượt 43% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu năm 2024 sẽ đạt 6.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 202 tỷ đồng.
Kế hoạch có phần thận trọng khi cả doanh thu và lợi nhuận mục tiêu đều đi lùi so với mức thực hiện năm 2023. Việc lên kế hoạch thận trọng cũng là hoạt động truyền thống của Habeco khi liên tiếp nhiều năm, ban lãnh đạo chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trong khoản 200 – 255 tỷ đồng, trong khi kết quả mỗi năm đều vượt kế hoạch đã đề ra.
Tính đến cuối quý III/2024, quy mô tài sản của Habeco đạt 7.466 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lượng tiền nhàn rỗi chiếm tỷ trọng lớn nhất (59%), bao gồm hơn 1.083 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, và hơn 3.341 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn.
Hàng tồn kho giảm 13% so với đầu năm, còn 624 tỷ đồng. Habeco hiện đang trích lập hơn 19,2 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn phát sinh thêm 200 tỷ đồng, tăng lên hơn 474 tỷ đồng do doanh nghiệp đã hình thành 1 khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn gốc trên 12 tháng.
Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Habeco đạt hơn 2.299 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Đáng chú ý, hãng bia này đã giảm đáng kể giá trị nợ vay tài chính. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm từ mức hơn 110 tỷ đồng còn gần 18 tỷ đồng, nợ vay dài hạn giảm từ hơn 6,5 tỷ đồng còn 1 tỷ đồng.
Điều này lý giải cho khoản chi phí lãi vay của Habeco trong quý III giảm 47% so với cùng kỳ, đạt hơn 458 triệu đồng.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), phần lớn thị phần thị trường bia tại Việt Nam đang nằm trong tay 4 thương hiệu lớn là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Năm 2023, 4 thương hiệu này chiếm tổng cộng khoảng 93% thị phần, với 43% cho Heineken, 34% cho Sabeco, 9% cho Carlsberg và 7% cho Habeco.
Trong đó, Habeco có các sản phẩm tập trung vào phân khúc bình dân và trung cấp, với thị trường chính ở miền Bắc. Theo PHS, trong những năm gần đây, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt từ phân khúc trung cấp sang phân khúc cao cấp, cận cao cấp và bình dân.
Cụ thể, tỷ trọng bia trung cấp giảm từ 69% vào năm 2018 xuống còn 59% vào năm 2023. Trong khi đó, đóng góp về sản lượng của bia cao cấp, cận cao cấp đã tăng từ 9% lên mức 15%, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về sản lượng tiêu thụ bia tại phân khúc này đạt 11%/năm trong giai đoạn 2018 – 2023.
Tỷ trọng bia bình dân cũng tăng lên mức 27% vào năm 2023 từ mức 22% vào năm 2022. PHS cho rằng điều này khá dễ hiểu bởi nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao có hành vi tiêu dùng nâng cao chất lượng cuộc sống và ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, trong khi phân khúc bia bình dân có thể hưởng lợi từ sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh suy thoái kinh tế.