Tổ chức sự kiện trong một ngày, mở bán sản phẩm cùng đợt, 2 tập đoàn đang đối đầu gay gắt để giành ngôi vương trên thị trường tỷ dân.
Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, Huawei vẫn đang nắm lợi thế tại sân nhà. Ảnh: Bloomberg. |
Những ngày gần đây, chủ đề được giới công nghệ tại Trung Quốc thảo luận sôi nổi nhất chỉ xoay quanh 2 thương hiệu: Apple và Huawei. Vào ngày 20/9, cả 2 công ty sẽ bán ra các mẫu smartphone flagship – iPhone 16 và Mate XT. Đây được xem là cuộc đối đầu trực diện của họ tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Sự kiện ra mắt sản phẩm này đã tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Bởi đây không chỉ là cuộc cạnh tranh về doanh số smartphone, mà còn là sự đối đầu trên bình diện công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
iPhone 16 đụng độ Huawei Mate XT
Cuộc chiến bắt nguồn từ hôm 10/9 khi cả 2 công ty đồng thời tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới. iPhone 16 được Apple giới thiệu tại trụ sở ở Cupertino, California, trong khi Huawei tung ra Mate XT, chiếc điện thoại gập mới nhất của hãng, từ trụ sở ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
“Cuộc so găng” này nhanh chóng trở thành chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút hơn 71 triệu lượt xem chỉ trong vài giờ.
Từ đó, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra sôi nổi, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ-Trung. Đối với nhiều người dùng Trung Quốc, cuộc chiến công nghệ này không đơn thuần là việc chọn lựa sản phẩm, mà còn là lòng tự tôn quốc gia.
Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, Huawei vẫn đang nắm lợi thế tại sân nhà sau lần hồi sinh ngoạn mục tại thị trường nội địa năm 2023, Sixth Tone cho biết.
Trước đó, mảng smartphone của họ suy yếu nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt từ Mỹ vào năm 2019. Cường quốc này chặn quyền truy cập của Huawei vào các công nghệ quan trọng như bán dẫn.
Huawei Mate XT sắp ra mắt vào ngày 20/9, cùng ngày với iPhone. Ảnh: Huawei. |
Tuy nhiên, Huawei đã gây dựng lại mảng smartphone từ đầu, phát triển chip bán dẫn riêng và ra mắt hệ điều hành HarmonyOS. Đến năm 2023, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tái gia nhập thị trường smartphone cao cấp với dòng Mate 60.
Thiết bị này nhanh chóng vượt qua doanh số bán iPhone tại quốc gia tỷ dân. Đáp lại, Apple đã phải giảm giá iPhone tại thị trường Trung Quốc – một động thái hiếm hoi của gã khổng lồ Mỹ.
Đến quý II/2024, Huawei đã củng cố vị thế là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 tại đây với 18,1% thị phần, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC. Ngược lại, Apple lần đầu tiên tụt xuống vị trí thứ 6, trong khi các thương hiệu nội địa như Vivo tiếp tục thống trị thị trường.
Huawei nắm lợi thế tại sân nhà
Theo Sixth Tone, Huawei Mate XT sẽ tiếp nối đà phát triển này. Smartphone có thiết kế gập 3 độc đáo là tâm điểm của sự kiện ra mắt năm nay. Màn hình của Mate XT, khi mở ra, có kích thước lên đến 10,2 inch, trở thành chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình gập 3.
“Sau 5 năm kiên trì, chúng tôi đã đạt được một cột mốc đổi mới mà nhiều người đã nghĩ đến nhưng chưa thực hiện được”, CEO Huawei Yu Chengdong viết trong một bài đăng trên Weibo.
Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, Mate XT của Huawei tạo ra cơn sốt mới, đặc biệt là từ các blogger công nghệ yêu nước. Họ ca ngợi dòng sản phẩm vì ứng dụng công nghệ nội địa thay vì sử dụng nguồn lực từ nước ngoài.
Người Trung Quốc đổ xô đến cửa hàng Huawei trên đường Nam Kinh, thành phố Thượng Hải để xem Huawei Mate XT ra mắt. Ảnh: VCG. |
Con chip Kirin “cây nhà lá vườn” được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc. Trong khi đó, hệ điều hành HarmonyOS cũng được xem là thành tựu lớn của Huawei, thể hiện tiềm năng của Trung Quốc để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và độc lập xây dựng công nghệ tiên tiến.
Một blogger có hơn 1,3 triệu người theo dõi trên Weibo miêu tả Mate XT là một “sản phẩm nội địa thực sự từ trong ra ngoài”. Người này cho rằng đây không chỉ là một smartphone mới, mà còn là biểu tượng của sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc.
Có mức giá khá cao, lên đến 24.000 tệ (khoảng 3.375 USD) cho phiên bản cao cấp, Mate XT vẫn thu hút rất nhiều người mua. Trên các nền tảng thương mại điện tử, máy này đã nhận được hơn 5 triệu đơn đặt hàng trước. Tại các trang bán hàng đã qua sử dụng như Xianyu, một số người mua thậm chí còn sẵn sàng trả thêm 10.000 nhân dân tệ để có thể sở hữu Mate XT sớm hơn.
Trong khi đó, iPhone 16 của Apple, dù được trang bị nhiều tính năng mới, lại không tạo ra cơn sốt như vậy tại quốc gia tỷ dân. Một trong những điểm “ăn tiền” của iPhone 16 là Apple Intelligence.
Tuy nhiên, công ty cho biết dịch vụ này sẽ không khả dụng cho người dùng Trung Quốc ít nhất là cho đến năm sau. Điều này làm giảm phấn khích từ những người mua am hiểu công nghệ.
Apple vẫn chiếm lĩnh thị trường quốc tế
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Apple đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất smartphone trong nước như Oppo, Vivo, và Xiaomi. Đây là những hãng đã tích hợp hàng loạt tính năng AI vào các mẫu điện thoại mới nhất. Việc Táo khuyết trì hoãn ra mắt Apple Intelligence tại Trung Quốc đặt tập đoàn vào thế bất lợi rõ rệt trên thị trường quan trọng này.
Mặc dù iPhone 16 có các nâng cấp đáng chú ý khác như camera, thời lượng pin, thiết kế viền màn hình mỏng hơn và nhiều màu sắc mới, nhiều người dùng Trung Quốc vẫn không mấy ấn tượng.
“iPhone 16 không xứng tầm với một thương hiệu mang tính biểu tượng như Apple. Nâng cấp lần này chỉ là một vài điều chỉnh ở thiết kế bên ngoài, như nút Camera Control, đổi bố cục camera, màn hình lớn hơn một chút, viền mỏng hơn và vài màu sắc mới”, trích một bình luận hàng đầu trên Weibo.
Apple gặp khó tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Wired. |
Đầu năm nay, báo cáo tài chính chỉ ra doanh số iPhone toàn cầu đã sụt giảm mạnh nhất nhất kể từ đại dịch Covid-19. Mặc dù tập đoàn đã thực hiện một số biện pháp thu hút người dùng Trung Quốc như giảm giá, Sixth Tone cho rằng vẫn còn phải xem liệu những biện pháp này có đủ để đảo ngược xu hướng suy giảm hay không.
Tuy nhiên, trên thị trường toàn cầu, các hãng smartphone Trung Quốc vấn khó cạnh tranh với Apple. Nói với truyền thông trong nước, ông Xiang Ligang, tổng giám đốc Information Consumption Alliance tại Bắc Kinh, cho biết Apple vẫn chiếm ưu thế trong thị trường cao cấp toàn cầu. “Các thương hiệu trong nước cũng đang nỗ lực thâm nhập thị trường cao cấp, nhưng họ vẫn chưa thể cạnh tranh với Apple”, ông nói.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn