Không chỉ là công cụ chụp ảnh, quay phim từ trên cao, drone gần đây đã trở thành phương tiện mới trong công tác cứu hộ thiên tai.
Giữa thời điểm các tỉnh miền Bắc Việt Nam đang phải đối mặt với trận lụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), nhiều hội nhóm và công ty công nghệ trong nước đã nhanh chóng bắt tay vào việc ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (drone) để cứu trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Từ Hà Nội, Thái Nguyên đến Yên Bái, những chiếc drone đang đóng vai trò quan trọng trong việc cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và cung cấp nhu yếu phẩm cho những người dân mắc kẹt trong các khu vực bị ngập lụt.
Những đội cứu trợ drone
Tại Hà Nội, công ty Viet-Flycam đã nhanh chóng triển khai lực lượng để hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão. Ngay từ ngày 10/9, 2 chiếc xe bán tải của Viet-Flycam đã rời Hà Nội và di chuyển đến Thái Nguyên, mang theo hàng chục chiếc drone cùng các thiết bị hỗ trợ như máy phát điện mini và sạc dự phòng.
Những chiếc drone của công ty này có khả năng vận chuyển hàng hóa với trọng lượng lên đến 20-30 kg mỗi chuyến bay.
Ông Việt Anh, đại diện Viet-Flycam, cho biết các loại drone này không chỉ được sử dụng để vận chuyển nhu yếu phẩm mà còn có thể hỗ trợ trong việc tìm kiếm những nạn nhân còn mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt.
Ngoài ra, những chiếc drone có tải trọng thấp hơn (4-5 kg mỗi chuyến) vẫn đủ khả năng để vận chuyển các vật dụng quan trọng như thuốc men, nước uống và thực phẩm đến những nơi khó tiếp cận.
AGS Technologies đã triển khai một loạt các loại drone chuyên dụng đến vùng cần cứu trợ. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ Viet-Flycam, công ty cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS Technologies) cũng đã huy động một lực lượng lớn để tham gia vào công tác cứu trợ. Sau khi được kết nối với các cơ quan chức năng, AGS Technologies đã cử 2 đoàn cứu trợ với khoảng 20 nhân viên kỹ thuật và hàng loạt thiết bị bay không người lái (UAV) đến Thái Nguyên.
Những chiếc drone như DJI Matrice 300 RTK, DJI Matrice 350 RTK và các máy bay nông nghiệp DJI T40 được triển khai nhằm tìm kiếm và hỗ trợ người dân tại các khu vực đang bị cô lập.
Các máy bay UAV này không chỉ có khả năng định vị chính xác vị trí của người dân bị mắc kẹt mà còn được trang bị loa và đèn để thu hút sự chú ý và giao tiếp với nạn nhân. Nhờ vào công nghệ này, AGS Technologies có thể nhanh chóng gửi thông tin tọa độ của người bị mắc kẹt cho lực lượng cứu hộ, từ đó đẩy nhanh quá trình giải cứu và cung cấp nhu yếu phẩm kịp thời.
Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phường Tân Phú, thành phố Thái Nguyên. Tại đây, mực nước lũ dâng cao khiến công tác cứu hộ bằng thuyền gặp nhiều khó khăn. Các đội bay của AGS đã phải sử dụng các chiếc drone để định vị và cung cấp lương thực cho những người dân bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, AGS cũng tổ chức đội bay UAV Enterprise cỡ lớn để rà soát khu vực ngập lụt, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ nạn nhân nào.
Sáng 12/9, Phenikaa-X – đơn vị thành viên của Đại học Phenikaa – cũng đã nhanh chóng triển khai đội cứu hộ bằng drone để hỗ trợ người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Với khả năng giám sát và tìm kiếm đường dài, các drone của Phenikaa-X có thể thực hiện các chuyến bay lên đến 50 km và cung cấp thông tin chi tiết về tình hình thực tế tại các khu vực ngập lụt. Từ đó, giúp đội cứu hộ đánh giá và đưa ra các biện pháp cứu trợ hiệu quả.
Trước đây, loại drone này của Phenikaa-X từng được sử dụng trong dự án tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực Bắc Trung Bộ, giúp rút ngắn thời gian tuần tra và giảm thiểu rủi ro cho các cán bộ kiểm lâm. Với công nghệ cất hạ cánh thẳng đứng hoàn toàn tự động, tầm hoạt động lên đến 10 km và quãng đường bay tối đa 50 km, drone của Phenikaa-X không chỉ là giải pháp tuần tra mà còn có ích trong việc cứu hộ thiên tai.
Loại drone này của Phenikaa-X từng được sử dụng trong dự án tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ ở miền Bắc, tại TP.HCM, một hội nhóm chơi drone do anh Trương Công Vũ thành lập cũng đang chuẩn bị lên đường ra Yên Bái để tham gia công tác cứu trợ.
Nhóm đã nhanh chóng triển khai đội ngũ với các chiếc drone có khả năng mang tải trọng lớn (40-60 kg mỗi chuyến bay) và drone trinh sát tầm nhiệt để tìm kiếm người dân còn mắc kẹt trong các khu vực ngập lụt. Anh Vũ chia sẻ tất cả drone đều được trang bị pin và máy phát điện di động để đảm bảo hoạt động liên tục trong điều kiện khó khăn.
Thế giới ứng dụng drone trong cứu hộ như thế nào?
Xu hướng sử dụng drone trong công tác cứu hộ, cứu nạn không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc – nơi thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa tự nhiên như động đất.
Ứng dụng của drone trong cứu hộ đã được chứng minh qua trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, khi các cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. Sử dụng UAV, đội cứu hộ đã cứu sống hàng nghìn người, xác định được vị trí các khu vực bị hư hại, các cầu sập, đường tắc nghẽn và các điểm bị cô lập do lũ lụt.
Công nghệ này cho phép các đội cứu hộ xác định chính xác vị trí của nạn nhân trong đống đổ nát hoặc các khu vực khó tiếp cận, từ đó nhanh chóng triển khai lực lượng cứu hộ đến đúng nơi cần thiết.
Tại Trung Quốc, ưu điểm của drone là có thể bay trong các điều kiện khắc nghiệt, quét toàn bộ khu vực bằng cảm biến nhiệt, ánh sáng nhìn thấy, hồng ngoại và đa quang phổ. Hệ thống này cho phép các đội cứu hộ tìm kiếm người sống sót trong vòng vài giờ sau khi thiên tai xảy ra, thay vì phải mất nhiều ngày để tìm kiếm bằng các phương tiện truyền thống.
Không chỉ tại Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đang ứng dụng công nghệ drone trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tại châu Phi, nhiều quốc gia đã nhanh chóng tận dụng tính linh hoạt của UAV trong các khu vực có đường sá bị ngập lụt hoặc đường dây điện thoại bị đổ. Malawi đã thiết lập một “hành lang drone” (drone corridor).
Trong khi đó, UNICEF đang thử nghiệm các thiết bị này để chụp ảnh từ trên không của các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa, mở rộng thông tin liên lạc như tín hiệu di động hoặc Wi-Fi và vận chuyển các vật tư y tế nhẹ.
Rwanda hợp tác với startup Zipline của Thung lũng Silicon để tạo ra mạng lưới drone toàn quốc đầu tiên trên thế giới, bắt đầu từ cung cấp nguồn máu cho các bệnh viện vùng sâu vùng xa từ năm 2014.
Drone được ứng dụng vào công tác cứu nạn của nhiều quốc gia. Ảnh: Flytbase. |
Các nghiên cứu và thử nghiệm đã chỉ ra rằng drone có thể rút ngắn thời gian phản ứng trong các tình huống khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro cho đội ngũ cứu hộ. Trong khi các phương tiện truyền thống như xe cứu hộ hoặc thuyền gặp khó khăn khi tiếp cận các khu vực bị cô lập do lũ lụt hoặc sạt lở đất, drone có thể bay qua các khu vực nguy hiểm và cung cấp dữ liệu theo thời gian thực.
Các loại drone cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) cũng có thể vận chuyển các vật phẩm cứu trợ, thuốc men và thậm chí là máu đến các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa, giúp cứu sống những người cần cấp cứu.
Tuy nhiên, việc sử dụng drone trong cứu hộ cũng có nhiều vấn đề. Một trong những khó khăn lớn nhất là kiểm soát không phận trong tình huống khẩn cấp. Tại Trung Quốc, sau vụ nổ tại trạm lưu trữ container ở Thiên Tân năm 2015, không phận gặp tình trạng “kẹt cứng” do nhiều loại drone từ các tổ chức khác nhau như chính quyền, báo chí và các đội cứu hộ. Điều này đã gây cản trở cho công tác cứu hộ, khiến việc điều phối trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù còn nhiều thách thức, tiềm năng của công nghệ drone trong công tác cứu hộ, cứu nạn là không thể phủ nhận. Khả năng rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiểu rủi ro cho các chiến sĩ cứu hộ và cứu sống nhiều sinh mạng đã chứng minh rằng drone là một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn tại Việt Nam.
Những nhà khoa học tiên phong
“Những nhà khoa học tiên phong” là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.