Sau khi nghỉ việc để chuyển đến Bali sống hai tháng, nữ du khách người Mỹ đã bay vội về nhà và cảm thấy “bối rối hơn bao giờ hết”.
Simone Landis, 29 tuổi, đến từ San Francisco, chia sẻ về quyết định nghỉ việc, chuyển đến Bali, Indonesia sống với mong muốn “tìm lại chính mình”.
Simone làm tổ chức sự kiện tại Mỹ với mức lương tốt. Đại dịch xảy ra khiến công việc tổ chức sự kiện gặp khó khăn, cô không tổ chức thêm một sự kiện nào trong hai năm. Simone được giao ngồi một chỗ làm phân tích dữ liệu khiến đam mê với công việc của cô giảm dần.
Mùa thu 2022, Simone nghỉ việc, trả nhà đang thuê rồi mua vé đến Bali dựa trên cảm hứng về cuốn hồi ký đã được Hollywood chuyển thể thành phim “Ăn, Cầu nguyện và Yêu”. Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Elizabeth Gilbert kể về hành trình khám phá thế giới trong một năm để tìm lại sự cân bằng trong cuộc đời của chính mình. Trong tác phẩm, Gibert đã nhắc tới ba địa điểm: Đến Italy để ăn, đến Ấn Độ để cầu nguyện và đến Bali, Indonesia để yêu.
Simone lên kế hoạch ở lại Bali trong hai tháng với một khoản tiền tiết kiệm trong hai năm cùng 5.000 USD dành riêng cho việc đi du lịch. Nữ du khách nghĩ rằng một kỳ nghỉ tại hòn đảo du lịch nổi tiếng này sẽ giúp cô tỉnh táo và biết được chính xác bản thân muốn gì cũng như phương hướng tiếp theo trong cuộc sống. Bali còn nổi tiếng là nơi chữa lành với truyền thống văn hóa bắt nguồn từ lòng biết ơn. Do vậy, Simone chọn tham gia khóa tu yoga vì đã tập môn này nhiều năm cũng như muốn được ở cùng những người chung chí hướng.
Khi mới đặt chân đến, Bali đúng như những gì cô gái Mỹ mong đợi. Chuyến đi của cô tràn ngập các món ăn thuần chay ngon miệng, lớp học yoga, quán cà phê cùng những người du mục kỹ thuật số (digital nomad). “Tôi có nhiều thời gian khám phá thiên nhiên, vẻ đẹp của hòn đảo”, Simone nói.
Tuy nhiên, Bali đã được thương mại hóa nhiều hơn những gì Simone mong đợi. Thay vì vẻ hoang sơ tự nhiên của châu Á, môi trường xung quanh Simone sống đã được “Tây hóa” để phục vụ những khách du lịch giống cô. Dần dần, nữ du khách cảm thấy lạc lõng.
Siome bắt đầu thực hiện các kế hoạch dự tính trước đó như sáng tạo nội dung, làm blogger du lịch và đăng bài trên mạng xã hội, gặp gỡ những người bạn mới, nghiên cứu hướng đi tiếp theo cho sự nghiệp.
Dù vậy, cô vẫn thấy đơn độc. Áp lực tự đặt ra cho bản thân như phải làm được điều gì đó trong kỳ nghỉ khiến cô rơi nhanh hơn vào tình trạng tê liệt. Thiền định, yoga cũng không giúp ích được. Thay vì giải tỏa đầu óc, Simone lại ngồi lo lắng khi sắp 30 tuổi nhưng vẫn chưa có gì trong tay. Trong khi đó, bạn bè xung quanh đều đã có công việc thăng tiến hoặc gia đình ổn định. Cô gái trẻ một mình ở Bali vật lộn với thực tế bất an và tương lai vô định.
Sau hai tháng, Simone bay về Mỹ. Do đã trả phòng trước chuyến đi, cô phải chuyển về ngôi nhà sống cùng bố mẹ thời thơ ấu. May mắn là bố mẹ Simone hiện không sống ở đây nên cô vẫn có không gian riêng tư.
Simone thấy xấu hổ khi từ bỏ mọi thứ để đi du lịch, tìm lại chính mình nhưng cuối cùng lại không tìm thấy gì và phải quay về ở nhà của bố mẹ.
Sau đó, Simone làm việc bán thời gian tại công ty tổ chức sự kiện. Công việc mới đúng sở thích giúp cô gái vượt qua nỗi lo lắng, những vấn đề phải vật lộn trong thời gian ở Bali. Sau thời gian chăm chỉ làm việc, cô được thăng chức.
Hiện tại, Simone lên kế hoạch mở lớp dạy yoga, sử dụng kiến thức tổ chức sự kiện của mình để hướng dẫn mở các khóa thiền, yoga quốc tế. Cô cũng để ngỏ tương lai quay lại Bali để hướng dẫn một khóa tập tương tự.
Dù thất bại trong chuyến du lịch Bali, Simone không hối tiếc. Nếu thời gian quay trở lại, cô vẫn đến Bali nhưng sẽ có những giấc mơ thực tế hơn. Cô sẽ không đặt niềm tin vào việc chỉ cần một kỳ nghỉ là có thể giải quyết mọi khủng hoảng trong cuộc sống.
Anh Minh (Theo BI)