SSI Research cho rằng thanh khoản tiền đồng trong hệ thống vẫn được duy trì tương đối tốt mặc dù NHNN có động thái bán USD kỳ hạn trong bối cảnh yếu tố mùa vụ từ các công ty FDI chuyển lợi nhuận về nước vào cuối năm tài chính.
Trong báo cáo thị trường mới công bố, SSI Research cho biết đồng VND đã điều chỉnh giảm giá tương đối mạnh trong tuần trước khi áp lực trên thị trường ngoại hối xuất hiện và NHNN đã sử dụng công cụ bán kỳ hạn hợp đồng USD 3 tháng nhằm hỗ trợ thanh khoản USD cho thị trường. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2018, NHNN thực hiện nghiệp vụ trên.
Theo nhóm phân tích, ngoài việc cán cân thương mại đảo chiều nhập siêu lên tới 1,6 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4, áp lực trên thị trường là do yếu tố mùa vụ khi các công ty FDI thực hiện chuyển lợi nhuận về công ty mẹ vào cuối năm tài chính.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao dịch quanh mức 22.960/USD (tăng 60 đồng so với tuần trước), trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 60 đồng, kết tuần mua – bán ở mức 22.790 – 23.110 VND/USD . Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 25 điểm, giao dịch ở mức 23.300 – 23.380 VND/USD.
Tính từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 0,6% so với USD – mức tương đối thấp so với các đồng tiền trong khu vực. Song, SSI Research cho rằng, về dài hạn, yếu tố duy trì sức mạnh cho đồng VND vẫn tương đối tích cực với dòng tiền ngoại tệ từ hoạt động xuất nhập khẩu, FDI giải ngân và kiều hối.
Trong tuần trước, NHNN tiếp tục bơm ròng gần 500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Cụ thể, lượng tín phiếu bơm mới trong tuần đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, trong khi đó tổng đáo hạn ghi nhận ở mức 1,2 nghìn tỷ đồng và giúp khối lượng đang lưu hành tăng lên 2,7 nghìn tỷ đồng.
SSI Research cho rằng thanh khoản tiền đồng trong hệ thống vẫn được duy trì tương đối tốt mặc dù NHNN có động thái bán USD kỳ hạn trong bối cảnh yếu tố mùa vụ từ các công ty FDI chuyển lợi nhuận về nước vào cuối năm tài chính. Nhờ vậy, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh trong tuần qua kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 1,90% (giảm 0,33 điểm % so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần 2,02% (giảm 0,38 điểm %).
Mặc dù NHNN chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 nhưng nhóm phân tích cho rằng tín dụng dường như đã phần nào chậm lại trong bối cảnh chính phủ và NHNN gần đây có những động thái cứng rắn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Trái ngược với đó, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến hết tháng 2/2022, tổng tiền gửi đã tăng 1,4% so với cuối năm 2021, lên 11,1 triệu tỷ đồng trong đó chủ yếu nhờ tiền gửi từ dân cư tăng 3,0% (so với mức 2,4% năm 2021). Nếu tính theo số tuyệt đối, tiền gửi từ dân cư đã tăng 159 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm, cao hơn mức tăng 158 nghìn tỷ đồng của cả năm 2021.
Nhìn chung, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tăng 0,3 – 0,7 điểm % so với đầu năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân, dao động từ 3,3% – 4,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2% – 5,7% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 5,3% – 6,5 % cho kỳ hạn trên 12 tháng.