Ninh Thuận còn dấu tích của vương quốc Chăm Pa cổ đại, hiện được đưa vào khai du lịch văn hóa như tháp Chàm, làng nghề truyền thống hay lễ cầu an.
Ninh Thuận cách TP HCM khoảng 309 km, di chuyển bằng đường bộ thuận tiện với xe riêng hoặc xe khách, phù hợp trải nghiệm 2-3 ngày trong kỳ nghỉ lễ 2/9. Ninh Thuận có núi, biển và các điểm tham quan, hoạt động in đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Chăm và vương quốc Chăm Patừ hơn 800 năm trước.
Theo sách “Lược sử nền văn minh Champa”do tác giả người Chăm Trà Thanh Toàn biên soạn, khu vực Ninh Thuận xưa thuộc xứ Panduranga, một tiểu quốc của Chăm Pa tồn tại trong giai đoạn 757-1832. Chăm Pa từng là một quốc gia có nền văn minh ra đời sớm và thịnh vượng bậc nhất Đông Nam Á, nhưng dần tàn lụi dần theo thời gian. Năm 1832 đánh dấu sự diệt vong hoàn toàn của vương quốc này, nhưng cộng đồng người Chăm vẫn còn. Ngày nay, chữ viết và ngôn ngữ dân tộc Chăm dần mai một. Nền kiến trúc và điêu khắc vang bóng khi xưa nay chỉ còn là những di tích đền tháp.
Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết người Chăm ở địa phương nay bảo tồn văn hóa thông qua các nghi lễ, làng nghề truyền thống, có các hoạt động cho du khách thập phương trải nghiệm.
Dưới đây là 4 hoạt động du lịch khám phá văn hóa Chăm du khách có thể thêm vào lịch trình trong những ngày ở Ninh Thuận. Các hoạt động do hướng dẫn viên địa phương giới thiệu và qua trải nghiệm của phóng viên VnExpress.
Tháp Po Klong Garai
Địa điểm cách trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm 7 km, là quần thể tháp Chàm nằm trên đồi Trầu. Du khách đến tham quan mua vé tại cổng giá 10.000 đồng cho trẻ em và 20.000 đồng cho người lớn. Giá thuê xe điện khứ hồi lên xuống tháp là 25.000 đồng mỗi người.
Quần thể ba tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII, thờ vị vua Chăm trị vì xứ Panduranga – Ninh Thuận ngày nay, tên là Po Klong Garai (1151 – 1205). Quần thể gồm một tháp cổng – lối dẫn vào tháp chính thờ vua Po Klong Garai, ngọn tháp còn lại thờ thần Lửa. Hiện, cụm tháp còn nguyên vẹn về cả công trình kiến trúc lẫn việc tổ chức thờ phụng, cúng kính của người Chăm.
Cụm tháp là minh chứng cho kỹ thuật xây dựng và điêu khắc tài hoa của người Chăm. Từng viên gạch tạo nên công trình trải qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên màu sắc, hình khối. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc quỹ Lerici, Trường ĐH Milan, Italycho rằng người Chăm đã sử dụng keo tinh chế từ cây dầu rái để kết dính các viên gạch. Po Kong Grai vẫn còn nguyên các phù điêu chế tác tinh xảo như tượng thần Siva, tượng bò thần Nandin, tượng vua. Công trình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1979.
Di tích đóng cửa lúc 17h. Du khách nên đi vào buổi sáng để có nhiều thời gian tham quan, chụp hình.
Làng gốm Bàu Trúc
Bàu Trúc tọa lạc tại trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách tháp Po Klong Garai khoảng 9 km. Theo trang thông tin điện tử huyệnNinh Phước, ngôi làng hiện có 400 hộ gia đình với hơn 80% hộ giữ nghề làm gốm. Kỹ thuật làm gốm ở Bàu Trúc khác hoàn toàn so với các làng nghề như Bát Tràng, Chu Đậu hay Phước Tích. Người thợ không dùng bàn xoay hay công nghệ nung trong lò điện, ga mà duy trì cách làm gốm thủ công hoàn toàn là “làm bằng tay, xoay bằng mông”.
Để tạo hình đất sét, người thợ gốm đi giật lùi, tay nắn từng lọn đất. Tay trong ép, tay ngoài xoa biến những khối đất sét sông Quao thành sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Cách nung phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, phơi lộ thiên, nung bằng củi,rơm, trấu. Màu sắc của sản phẩm phụ thuộc vào thời gian phơi, nung, nhiệt càng cao càng đậm màu.
Du khách đến làng có thể ghé Hợp tác xã gốm Bàu Trúc để tìm hiểu về lịch sử làng nghề và kỹ thuật làm gốm của người Chăm. Các hộ dân trong làng cũng mở cửa cho du khách tham quan, trải nghiệm nặn gốm miễn phí và bày bán các sản phẩm trang trí như bình hoa, phù điêu, tượng. Một bức tượng vũ nữ Apsara có giá khoảng 200.000 đồng. Du khách có thể yêu cầu nghệ nhân thiết kế sản phẩm riêng, gửi về nhà sau 1-2 tuần.
Làng gốm Bàu Trúc du khách ghé thăm trong ngày là đủ, trước 17h. Thời gian nặn xong một sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân mất 1-2 tiếng tùy độ khéo tay của du khách.
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Làng Mỹ Nghiệp theo cách gọi của người Chăm xưa là plei Caklaing, là làng nghề cổ ở huyện Ninh Phước, cách làng gốm Bàu Trúc khoảng 3 km. Hầu hết gia đình trong làng đều có một vị trí đặt khung dệt. Theo truyền thống, con gái lớn lên được bà, mẹ truyền nghề, đàn ông tham gia vào các công đoạn phụ như nhuộm sợi, cắt may.
Trên các tuyến đường chính vào làng là hàng loạt cơ sở dệt nối nhau. Đây vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi dệt, sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm và có cả không gian phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Du khách được trải nghiệm miễn phí ngồi trên khung cửi và tìm hiểu các công đoạn dệt vải, nghe nghệ nhân kể những câu chuyện thăng trầm của nghề dệt.
Các sản phẩm ở làng Mỹ Nghiệp đều được dệt từ cây bông vải được trồng tại địa phương. Bông sau khi thu hoạch được tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh bóng rồi đem phơi. Khâu nhuộm sử dụng màu tự nhiên. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp chọn màu đen là màu chủ đạo, màu nền cho tấm vải. Các màu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, màu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non, màu đỏ từ mủ cây cánh kiến, màu xanh từ lá vỏ cây tràm.
Lễ cầu an
Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận còn giữ nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó lễ Cầu an (Yuơr Yang) là một trong những nghi lễ được người Chăm theo đạo Bà La Môn duy trì thường xuyên. Hằng năm, cứ vào thượng tuần tháng tư Chăm lịch (khoảng tháng 7-9 Dương lịch), người dân sẽ mang lễ vật đến làm lễ ở các đền tháp theo truyền thống. Sau khi làm lễ trên tháp chính xong, một số địa phương có đền tháp tiếp tục tổ chức các nghi lễ tại làng.
Lễ Cầu an là nghi lễ, một sự kiện rất quan trọng trong năm, được người Chăm ở Ninh Phước được tổ chức long trọng và quy mô chỉ sau lễ hội Ka Tê diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch.
Du khách đến các đền tháp vào đúng dịp lễ có thể tham gia tự do. Người Chăm cũng tái hiện nghi lễ cầu an ở điểm du lịch. Khu nghỉ dưỡng Amanoi ở Ninh Thuận đưa nghi lễ cầu an vào danh mục trải nghiệm cho du khách. Ông Thập Aria, thầy cúng người Chăm sinh sống ở Phan Rang – Tháp Chàm cho hay ông và vợ đi lại hằng ngày 20-30 km từ nhà đến khu nghỉ dưỡng, mang theo đồ nghề để thực hiện lễ cầu an khi có khách đặt. Nghi lễ được rút ngắn còn khoảng 30 phút.
“Đưa nghi lễ người Chăm đến gần khách du lịch là cách chúng tôi giữ gìn văn hóa truyền thống và tạo thêm thu nhập cho gia đình”, ông Thập Aria nói.
Bích Phương