Tỷ giá USD/VND cho đến thời điểm này vẫn ở “bên lề thời cuộc”.
Như BizLIVE thông tin trước đó , Kho bạc Nhà nước vừa có giao dịch mua vào ngoại tệ đầu tiên của năm 2022. Quy mô chào mua lần này 150 triệu USD; trong năm 2021 ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.
Khoảng 5 năm về trước, mỗi khi ngân sách nhà nước cần ngoại tệ, Bộ Tài chính vẫn thường phải đi ra nước ngoài vay, hoặc khá thận trọng khi phối hợp với định chế trong nước thu xếp nguồn.
Còn nay, nhu cầu ngoại tệ của Bộ Tài chính hoàn toàn được đáp ứng ngay trong nước, thậm chí mua được ngay với quy mô khá lớn mà thị trường không mấy xao xuyến, tỷ giá USD/VND chẳng hề hấn gì nhiều. Thị trường và năng lực thị trường nội địa đã khác trước rất nhiều.
Tỷ giá USD/VND thôi “nhảy múa”
Chốt tuần đầu tiên của tháng 3 này, giá vàng SJC lập kỷ lục mới: 69,3 triệu đồng/lượng; chênh cao hơn giá thế giới quy đổi quanh 13 triệu đồng/lượng.
Chênh lớn giá vàng trong nước với thế giới không mang tính thời điểm nữa, mà đã kéo dài cả năm qua. Ngân hàng Nhà nước gần như không làm gì, cũng tuyệt nhiên không có ý kiến gì công bố. Song, chênh lệch này đã không gây những hệ lụy lớn như giai đoạn trước.
Trước đây, mỗi khi vàng nổi sóng, tỷ giá USD/VND lại “nhảy múa”. Vàng được xem như kíp nổ đối với tỷ giá. Bởi lẽ, giai đoạn trước, khi giá vàng tăng cao, chênh lớn với thế giới, yêu cầu nhập khẩu vàng về bình ổn và thu hẹp chênh giá; nhiều đợt bình ổn bằng cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, cầu ngoại tệ đối ứng tăng lên, tỷ giá “nhảy múa”.
Nhưng nay, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới rất lớn, không có hoạt động nhập khẩu vàng về bình ổn như trước; cầu ngoại tệ ở đây gần như bị cắt bỏ, ngoại trừ hoạt động nhập lậu.
Tỷ giá USD/VND vẫn có những đợt biến động mạnh, như cuối 2021 đầu 2022 với mức thay đổi tới 300 VND chỉ “qua một đêm”. Song về cơ bản tỷ giá rất ổn định và gần như trượt giảm những năm gần đây. Đây là một diễn biến may mắn.
May mắn ở nhiều lĩnh vực. Như trên, nếu như tỷ giá cũng “nhảy múa”, giá vàng chắc chắn còn leo thang và chênh cao hơn nữa. Ở nhiều mặt hàng khác cũng vậy.
Điển hình như hiện nay, giá xăng dầu lên kỷ lục và tạo sức ép lớn đối với sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tựu trung là chi phí trong nền kinh tế và lạm phát. Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập siêu dầu thô, bên cạnh xăng dầu thành phẩm. Nếu tỷ giá USD/VND “nhảy múa” và tăng cao, chắc chắn sức ép đối với giá xăng dầu còn nặng nề hơn nữa.
Tương tự, nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước giá cả cũng tăng cao từ trong năm 2021 vắt sang 2022; chi phí logistics cũng leo thang… Thật may, tỷ giá USD/VND gần như “vô can” trong những cơn sốt giá này, có giá trị bình ổn gián tiếp; thậm chí còn góp phần hạ nhiệt khi tỷ giá USD/VND hiện nay còn thấp hơn cả mức cuối năm 2020.
Thành công chuyển hóa nguồn lực
Một trong những yếu tố góp phần bình ổn tỷ giá USD/VND những năm vừa qua và hiện nay là trạng thái cân đối và cung ngoại tệ thuận lợi. Nền kinh tế Việt Nam duy trì được cán cân tổng thể thặng dư lớn những năm qua; cập nhật trong năm khó khăn bởi COVID như 2021 vẫn thặng dư hơn 7,2 tỷ USD tính đến cuối quý 3.
Vấn đề là, nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ mà không bị găm giữ như giai đoạn trước đây. Ở khía cạnh này, một phần chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong chuyển hóa nguồn lực.
Một tham khảo đơn giản nhưng quan trọng và có tính quyết định đến vấn đề tỷ giá: chênh lệch lãi suất quá lớn. Lãi suất VND vẫn chênh hấp dẫn so với lãi suất USD tại Việt Nam; trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch liên quan đến hoán đổi và tính toán sử dụng vốn cũng rõ rệt, lãi suất VND chênh cả hơn chục lần so với lãi suất USD.
Với nguồn ngoại tệ trong dân cư, lợi ích lâu dài đã kích thích chuyển đổi. Người nắm USD nếu tính theo tỷ giá quy đổi đã lỗ hai năm qua, khi tỷ giá hiện thấp hơn cuối 2020. Trong khi đó, các kênh nắm giữ như VND, vàng, bất động sản, và thậm chí đầu tư chứng khoán cho tỷ suất hấp dẫn hơn. Trong đó, riêng kênh đầu tư chứng khoán, từ chỉ 3% dân số tham gia đến nay đã gần 5% đã là một thay đổi đáng chú ý.
Có dẫn chứng cụ thể cho thành công trong chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ. Như BizLIVE nêu ở bài viết trước đây, một trong những chỉ số tham chiếu cho đô la hóa trong nền kinh tế tại Việt Nam đã xuống mức kỷ lục.
Dữ liệu BizLIVE tập hợp từ kênh chuyên trách cho thấy, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam từng lên tới 30% giai đoạn 2000-2002 đã nhanh chóng giảm xuống còn 8,25% cuối năm 2020, và đến tháng 9/2021 tiếp tục xuống thấp kỷ lục với 7,65%.
Ngược với đô la hóa, khi nguồn lực được chuyển hóa, trạng thái thặng dư của cán cân tổng thể được duy trì khá cao, dự trữ ngoại hối – nguồn lực quốc gia liên tục gia tăng.
Cập nhật ở kênh chính thống gần nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng khoảng 12,3 tỷ USD so với tháng 12/2020, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên khoảng 107,7 tỷ USD (tương đương 3,7 tháng nhập khẩu) tính đến cuối tháng 9/2021, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).
Quy mô trên vừa phản ánh một phần tiềm lực quốc gia, vừa là một cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong điều hành, trong những tình huống cần can thiệp và bình ổn.
Dĩ nhiên thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những can thiệp, bình ổn quan trọng. Như BizLIVE đề cập ở bài viết Ngân hàng Nhà nước chủ động “phòng ngự từ xa” , ngay đầu năm 2022 cặp tỷ giá “trần – sàn” để lái tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã được hạ xuống.
Chủ ý hoặc khách quan, nhưng qua đó nhà điều hành chính sách tiền tệ đã giảm thiểu một phần áp lực đối với lạm phát, khi hạ tỷ giá USD/VND xuống trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu lạm phát; và trước đó là những lần hạ xuống trong năm 2021.