Nhờ chính sách visa mới, Maria Sanchez đến Việt Nam, ở lại ba tuần trước khi sang Campuchia một tuần rồi lại nhập cảnh Việt Nam dự một buổi hội thảo.
“Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi lên kế hoạch du lịch”, du khách người Tây Ban Nha Maria Sanchez nói về chuyến đi hồi đầu năm. Thời hạn lưu trú dài 45 ngày giúp Maria đi du lịch thoải mái, ở lại các thành phố lâu hơn mà không phải lo lắng hết hạn visa.
Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước miễn thị thực đơn phương gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Việt Nam cũng áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời gian tạm trú được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
“Chính sách mới giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho du khách khi xin visa, tạo sức hút không nhỏ cho ngành du lịch Việt”, Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhận xét.
Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nói chính sách visa thông thoáng đã góp phần quan trọng vào việc thu hút khách quốc tế. Trong một năm tính từ ngày nới lỏng visa, lượng khách quốc tế tăng đáng kể. Từ 1/8/2023 đến 31/7/2024, Việt Nam đón gần 16 triệu lượt khách quốc tế, bằng gần 99% so với cùng kỳ năm 2018-2019, thời điểm trước Covid-19.
7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, bằng 102% so với cùng kỳ 2019. Lượng khách đến từ 13 quốc gia miễn thị thực đơn phương đạt hơn 3,7 triệu lượt, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ 2023 và chiếm 37% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam.
Các nước được miễn thị thực đơn phương cũng nằm trong top thị trường tăng trưởng tốt nhất 7 tháng đầu năm, theo Cục Du lịch. Hàn Quốc tăng trưởng 37% so với cùng kỳ 2023, tiếp đến là Nhật Bản (34%), Nga (75%), Italy (61%), Tây Ban Nha (38%), Pháp (33%), Đức (27%), Thụy Điển (27%), Đan Mạch (26%), Anh (25%), Na Uy (21%).
Chính sách visa mới cũng góp phần giúp các công ty lữ hành khai thác thị trường inbound (khách quốc tế đến) hiệu quả hơn. Giám đốc Truyền thông Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu cho biết trong giai đoạn cao điểm khách quốc tế (10/2023 – 4/2024), lượng khách tại công ty tăng 45% so với cùng kỳ (10/2022-4/2023). Trong 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đặt tour tại Vietluxtour tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh nhất là từ các thị trường châu Âu như Pháp, Đức – hai nước nằm trong danh sách 13 quốc gia hưởng chính sách visa mới. 11 quốc gia còn lại tăng khoảng 30% so với cùng kỳ 2023.
Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho biết trong mùa cao điểm, công ty đón hơn 9.000 lượt khách quốc tế, tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm ngoái (10/2022-4/2023). Trong 7 tháng đầu năm nay, Vietravel đón hơn 10.000 lượt khách, tăng hơn 220% so với cùng kỳ 2023, trong đó thị trường khách châu Á đông nhất như Nhật, Hàn, hai thị trường hưởng chính sách visa mới. Lượng khách đến từ 13 nước hưởng chính sách kéo dài thời hạn lưu trú tại Vietravel trong 7 tháng đầu năm tăng hơn 300% so với cùng kỳ.
Tổng Giám đốc Vivu Journeys Việt Nam, đơn vị chuyên đón khách quốc tế đến Việt Nam, Thủy Trần cho biết lượng khách quốc tế năm nay của họ đạt 10.000 lượt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Hoàng cho rằng với chính sách nới lỏng visa cùng nỗ lực hoạt động kết nối thị trường, ngành du lịch Việt có khả năng vượt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm nay.
Chất lượng khách quốc tế cũng tăng, theo ông Chính. Kéo dài thời gian lưu trú giúp khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2023 Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách, mang lại nguồn thu du lịch hơn 203 nghìn tỷ đồng. Trung bình chi tiêu của mỗi khách quốc tế là 16,16 triệu đồng. Trong khi đó trung bình chi tiêu của khách quốc tế năm 2019 là 15,34 triệu đồng. Mức chi tiêu tăng chưa quá nhiều nhưng phản ánh được phần nào hiệu quả mà chính sách nới lỏng thị thực mang lại.
Bà Thu của Vietluxtour cho biết thời gian khách ở lại Việt Nam dài hơn 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy từng hành trình. Đại diện Vietravel nhận xét khách đã ở lại lâu hơn, chi tiêu tăng hơn dù “chưa được như kỳ vọng”.
Chính sách thị thực mới cũng giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, khiến hình ảnh đất nước hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế. Theo ông Hoàng Nhân Chính, đây chính là đòn bẩy quan trọng giúp du lịch Việt phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo chỉ số Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), điểm số về Độ mở Quốc tế của Việt Nam tăng hai bậc so với 2021 và ba bậc so với năm 2019, xếp thứ 80. Indonesia tụt 27 bậc, đứng thứ 69, Thái Lan xếp thứ 44, tụt 4 bậc. Philippines tăng nhẹ 1 bậc từ 62 lên 61. Đứng đầu bảng xếp hạng là Singapore với độ mở xếp thứ nhất, tăng 2 bậc so với năm 2021.
Theo bà Thu, chính sách nới lỏng visa cùng quảng bá, nâng cấp chất lượng điểm đến là những yếu tố cần được duy trì, phát huy để ngành du lịch Việt có thể tăng tốc bền vững về doanh thu lẫn lượng khách ở mọi thị trường. Khách đến đông, ở lâu, tiêu nhiều sẽ góp phần phát triển kinh tế, giúp tăng thu ngân sách quốc gia cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Theo các hướng dẫn viên du lịch chuyên khách quốc tế, hầu hết khách đến Việt Nam đều đánh giá rất tích cực về điểm đến. Tuy nhiên, khách vẫn thiếu các điểm giải trí đêm, bên cạnh các hoạt động tham quan ban ngày. Du khách nước ngoài mong muốn Việt Nam có thêm nhiều kênh quảng bá bằng các ngôn ngữ khác nhau để họ dễ tiếp cận.
Nhiều khách Australia, nhóm nằm trong top 10 thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam 7 tháng đầu năm, bày tỏ mong muốn được hưởng chính sách miễn visa. Theo anh Quách Trọng Thắng, hướng dẫn viên chuyên dẫn khách tiếng Tây Ban Nha và Anh, khách Australia thích Việt Nam vì giá rẻ nên ở lâu và chi tiêu “rất mạnh tay”.
Trưởng ban Thư ký TAB nhận định để tận dụng tối đa lợi ích từ chính sách visa thông thoáng, ngành du lịch cần có những chiến lược cụ thể, linh hoạt.
Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới và các điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách quốc tế; tham gia các hội chợ quốc tế lớn, thông tin rộng rãi trên các trang web của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Ông Chính cho biết các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài “đóng vai trò quan trọng” trong việc thu hút khách.
Chỉ thị hồi tháng 2 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững có điểm nhấn quan trọng là Việt Nam tiếp tục mở rộng danh sách miễn thị thực, xem xét thí điểm cấp thị thực cửa khẩu. Ông Hoàng Nhân Chính nhận định đây là cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực. Chính sách thị thực thuận lợi, thông thoáng không chỉ hút thêm khách mà còn thúc đẩy giao lưu thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Một trong những quốc gia Đông Nam Á có độ mở quốc tế được WEF 2024 đánh giá cao là Malaysia, xếp hạng 11 trên 119 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc. Malaysia cũng là quốc gia Đông Nam Á đón nhiều khách quốc tế nhất 2023 với 29 triệu lượt, vượt qua Thái Lan.
Giám đốc Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Việt Nam Nor Hayati Zainuddin từng chia sẻ với VnExpress về những chiến lược giúp ngành du lịch đạt được thành công rực rỡ vào năm ngoái. Bên cạnh nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới lạ, tăng cường quảng bá hình ảnh ra quốc tế, Malaysia còn có thêm chính sách miễn thị thực dưới 30 ngày cho khách Ấn Độ và Trung Quốc nhằm thu hút nguồn khách từ hai thị trường tỷ dân. Theo website của chính phủ Malaysia, quốc gia này chỉ yêu cầu thị thực với hơn 30 điểm đến. Số còn lại đều được miễn.
Tuy nhiên các chuyên gia du lịch nhận định chính sách thị thực của Việt Nam cũng đã rất thông thoáng. Ngành du lịch nên nghĩ cách giữ chân khách ở lâu, tiêu nhiều cũng như hướng tới tệp khách chi tiêu cao.
Bà Thủy Trần cho biết thêm ngành du lịch cũng cần chú trọng đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ. Xây dựng các biện pháp an ninh hiệu quả tại các điểm du lịch, đảm bảo môi trường an toàn và thân thiện cho du khách cũng như khuyến khích du lịch bền vững là những điều ngành cần quan tâm để thu hút khách.
Theo Tiến sĩ Phạm Hà, CEO Lux Group, Việt Nam muốn trở thành cường quốc du lịch cần trả lời 5 câu hỏi lớn: Làm thế nào để khách tìm đến đông hơn? Ở lại lâu hơn? Chi tiêu nhiều hơn? Hứng khởi chia sẻ Việt Nam với người thân, bạn bè thay vì chê bai và Làm thế nào để khách sớm quay trở lại?
“Chúng ta cần giúp khách đến Việt Nam chơi thật vui để họ tiêu hết số tiền cuối cùng mang đến trước khi về nước”, ông Hà nói.
Phương Anh