Vàng và Bitcoin hồi phục, USD hạ nhiệt

Đô la Mỹ giảm nhẹ trong ngày 25/11 nhưng vẫn giữ mức gần cao nhất kể từ tháng 7/2020 so với đồng euro do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với các ngân hàng trung ương khác.

Biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đã bày tỏ chút lo ngại về sự gia tăng lạm phát – khác với thái độ trước đây luôn khẳng định lạm phát cao chỉ là nhất thời.

Trong nội bộ các nhà lãnh đạo của Fed, một số người đã bày tỏ quan điểm Fed nên tăng tốc độ giảm mua trái phiếu chính phủ nếu lạm phát cao tiếp tục duy trì, đồng thời cũng nên đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Dữ liệu mới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 52 năm; đồng thời chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 10 cũng cao hơn dự kiến, trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Những yếu tố trên đã đẩy USD liên tiếp tăng trong những phiên vừa qua, đẩy Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác của Mỹ – tăng 2,8% trong tháng này.

Tuy nhiên, xu hướng tăng của đồng bạc xanh đã chững lại trong ngày 25/11, khi Dollar index phiên này giảm 0,1% xuống 96,782, so với mức cao nhất trong 16 tháng là 96,938 đạt được vào cuối ngày thứ Tư (24/11).

So với đồng yên Nhật, đồng đô la gần sát mức cao nhất 5 năm.

Neil Jones, người đứng đầu mảng kinh doanh tiền tệ của Mizuho, ​​nói rằng ông hy vọng việc đồng đô la giảm giá chỉ là một “đốm sáng tạm thời”.

Ông nói: “Sau Lễ Tạ ơn vào tuần tới và sang tháng 12, tôi cho rằng đồng USD sẽ tìm lại được sức mạnh để tiếp tục tăng mặc dù tốc độ chậm lại so với thời gian vừa qua”.

Theo ông Jones, cuối năm là lúc nhu cầu mạnh theo mùa dành cho USD – yếu tố sẽ góp phần đẩy USD tiếp tục đi lên.

Tuy nhiên, trong một lưu ý cho khách hàng, của mình, các chiến lược gia của ANZ, John Bromhead và Daniel Been nói rằng với việc các thị trường ở Mỹ đóng cửa vào dịp Lễ Tạ ơn, đà tăng giá của USD có thể đã kết thúc.

Đồng euro kết thúc ngày 25/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% so với đồng đô la, lên 1,1209 USD. Dù hồi phục nhẹ trong phiên này song tính từ đầu tháng 11, euro vẫn giảm khoảng 3% so với USD, chịu áp lực bởi dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ôn hòa hơn Fed về chính sách lãi suất, và do làn sóng hạn chế chống Covid-19 mới trong thời gian gần đây khi số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nước Châu Âu gia tăng trở lại một cách đáng lo ngại.

Các nhà chiến lược tiền tệ ING cho biết: “Do tình hình ở Mỹ và Châu Âu có sự khác biệt lớn: Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Châu Âu… , Dollar index có vẻ rất đắt giá”.

Kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 25/1 cho thấy số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Đức và lạm phát cao bất thường đang “đè nặng” lên tinh thần của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Bảng Anh chạm mức thấp mới của năm 2021 so với USD và thấp nhất 9 ngày so với euro do lo lắng về tăng trưởng kinh tế làm át đi tâm trạng lạc quan về việc Ngân hàng Trung ương Anh có thể sắp tăng lãi suất.

Đồng bảng Anh giảm 0,1% so với đồng đô la xuống 1,3320 USD vào lúc kết thúc ngày 25/11 theo giờ Việt Nam, là phiên giảm giá thứ 5 liên tiếp, có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, là 1,3307 đô la. So với đồng euro, bảng Anh cũng giảm 0,15% xuống 84,18 pence vào cuối ngày, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 9 ngày, là 84,36 pence.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Thụy Điển không thay đổi chính sách tiền tệ bởi cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt trong năm tới. Quốc gia này dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch vào cuối năm 2024.

Đồng crown của Thụy Điển đã tăng khoảng 0,5% so với USD, lên 9,0657 crown/USD, và tăng khoảng 0,5% so với euro, lên 10,1645 crown trong ngày 25/11. Mặc dù vậy, đồng tiền này vẫn sắp kết thúc tháng 11 tồi tệ nhất so với euro kể từ tháng 9/2020.

Đô la Australia – được coi là đại diện của tiền tệ rủi ro, đã giảm 0,1% xuống 0,71895 USD. Đô la New Zealand cũng giảm 0,3% xuống 0,6855 USD, tiếp tục xu hướng giảm giá so với USD sau khi Ngân hàng Dự trữ New Zealan ngày 24/11 chỉ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm chứ không phải là 0,5 điểm phần trăm, gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

Nhân dân tệ của Trung Quốc mạnh lên so với đồng đô la bởi nhu cầu nội tệ của doanh nghiệp tiếp tục tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, nhưng một số nhà kinh tế dự kiến ​​Bắc Kinh sẽ bắt đầu kiềm chế sự tăng giá của đồng tiền này trong bối cảnh lo ngại về tác động đối với xuất khẩu.

Nhân dân tệ trên thị trường giao ngay ở Trung Quốc phiên vừa qua tăng lên mức 6,3882 CNY, cao hơn 39 pip so với ngày trước đó.

Trên thị tường tiền điện tử, bitcoin tăng khoảng 2,7% lên 58.730,33 USD vào lúc kết thúc ngày 25/11 theo giờ Việt Nam, hồi phục đáng kể từ mức thấp nhất của tháng này, là 55.128,60 USD chạm tới vào thứ Ba (23/11). Trong phiên, có lúc Bitcoin vượt 59.000 USD. Dự báo bitcoin sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong những phiên tới.

Diễn biến giá bitcoin trong ngày 25/11.

Thị trường vàng thế giới đã “bình tĩnh” trở lại, giá hồi phục lên sát 1.800 USD, nhưng đà hồi phục bị cản trở bởi thái độ “diều hâu” của các quan chức Fed.

Cuối ngày 25/11, giá vàng giao ngay tăng nhẹ lên 1.790,7 USD/ounce; rời khỏi mức thấp nhất kể từ ngày 4/11 chạm tới ở phiên liền trước; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng lên 1.791,40 USD. Tuy nhiên, giao dịch vàng có thể giảm trong những ngày tới do Mỹ bước vào kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Vàng vẫn có một số tiềm năng phục hồi do dự đoán lạm phát cao. Nhưng về cơ bản, với việc Fed đang theo đuổi việc giảm kích thích đều đặn, lãi suất thực tế sẽ tăng dần lên” tác động tới thị trường vàng.

Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao cùa ActivTrades, cho biết: “Tâm lý phổ biến là giá vàng sẽ đối mặt với một số sóng gió” và vàng thỏi có thể đối mặt với mức kháng cự mạnh, xung quanh 1.800 – 1.810 USD.

Tham khảo: Refinitiv, Tradingeconomics

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin