Giá vàng và Bitcoin lao dốc do USD tăng cao, đồng lira “bốc hơi” thêm 15%

Đồng USD giữ vững ở sát mức cao nhất trong vòng 16 tháng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, được chọn cho nhiệm kỳ thứ hai, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng lãi suất của Mỹ sẽ tăng trong năm 2022. Trong khi đó, đồng euro thoát khỏi mức thấp nhất 16 tháng nhờ dữ liệu kinh doanh của khu vực tốt hơn mong đợi.

Thị trường tiền tệ trong những tháng gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường so sánh tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng trung ương trong việc giảm kích thích kinh tế – áp dụng trong giai đoạn đại dịch Covid – và tăng tỷ lệ lãi suất.

Việc ông Powell được bổ nhiệm lại cho thấy quan điểm của Fed có thể sẽ là bắt đầu nâng dần lãi suất từ giữa năm 2022, sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu Chính phủ.

Các nhà phân tích tiền tệ của Brown Brothers Harriman cho biết: “Các nhà phân tích và nhà giao dịch trên thị trường nhìn nhận kết quả này (ông Powell được đề cử tiếp tục giữ chức Chủ tịch Fed) là hơi ‘diều hâu’, và các giao dịch tiền tệ kỳ hạn tương lai thể hiện quan điểm của các nhà giao dịch rằng thời điểm Fed nâng lãi suất sẽ được đẩy lên sớm hơn, từ tháng 7 trong dự báo trước đây lên tháng 6/2022”.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã tăng 0,06% lên 06.514 USD vào lúc kết thúc ngày 23/11 theo giờ Việt Nam, chỉ thấp hơn chút ít so với mức cao nhất 16 tháng là 96,61 đạt được trong cùng phiên.

Đồng euro đã tăng 0,10% so với đồng USD, lên 1,1245 USD, phục hồi chút ít sau khi chạm mức thấp nhất 16 tháng là 1,1226 đô la trước đó.

Đồng euro đã sụt giảm vào thứ Hai (22/11) do lo ngại gia tăng về những chính sách hạn chế mới chống Covid-19 ở châu Âu, với việc Áo bắt đầu phong toả toàn quốc và Đức cho biết đang xem xét khả năng cũng làm như vậy. Bộ trưởng Y tế Đức đã kêu gọi hạn chế hơn nữa các không gian công cộng.

Các nhà phân tích kỹ thuật Karen Jones và Axel Rudolph của Commerzbank cho biết đồng euro nhận được một số hỗ trợ ngắn hạn mang tính kỹ thuật để giữ trong khoảng 1,1240 đến 1,1180 USD – là mức cao nhất đạt được vào tháng 10 và tháng 12 năm 2019. Tuy nhiên, nếu nó phá vỡ ngưỡng dưới của khoảng giá này, euro có thể sẽ giảm xuống còn 1.1000 USD.

Đồng USD kết thúc ngày 23/11 ở mức cao nhất 4,5 năm so với yen Nhật, là 115,08 yên; có lúc vọt lên cao nhất 7 tuần so với đô la Canada, là 1,2744 CAD – đồng tiền đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá dầu lao dốc, trước khi giảm nhẹ về mức 1,2710 CAD.

Các nhà phân tích của Barclays cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đồng JPY sắp tìm được sự hỗ trợ trong bối cảnh thị trường chú ý đến sự khác biệt trong chính sách tiền tệ”. Theo Barclays, tỷ giá 115,5 JPY – mức cao mà đồng USD đạt được vào tháng 3 năm 2017, sẽ là một mức quan trọng cần theo dõi, khi nói đến mức tăng của đồng USD, và “nếu vượt trên mức đó thì chúng tôi cảnh báo rằng không có ngưỡng kháng cự rõ ràng nào cho đến mốc 118,7 (mức cao chạm tới vào cuối năm 2016).”

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên vừa qua có lúc giảm 15% xuống mức thấp kỷ lục mới là 13,45 lira/USD, so với đồng USD. Đây là mức thấp kỷ lục thứ 11 trong vòng một số phiên gần đây, sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan ủng hộ việc ngân hàng trung ương thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất gần đây và tuyên bố sẽ giành chiến thắng trong “cuộc chiến kinh tế giành độc lập”. Cuối phiên 23/11, lira hồi phục nhẹ, nhưng vẫn ở quanh mức thấp kỷ lục, là 12 lira. Mặc dù vậy, lira vẫn ghi nhận một “kỷ lục” buồn khi vừa qua chuỗi 11 ngày tồi tệ nhất kể từ 1999.

Lira giảm mạnh trong khi lạm phát tăng cao.

Tính từ đầu năm đến nay, lira đã giảm 45% giá trị, trong đó từ đầu tuần trước tới nay giảm gần 26%. Đây là đồng tiền hoạt động ‘tồi tệ’ nhất trên toàn cầu trong năm nay khi các nhà đầu tư tháo chạy khi các “đồng hồ đo mức biến động” tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3, sau khi Tổng thống Erdogan đột ngột sa thải cựu giám đốc ngân hàng trung ương có quan điểm ‘diều hâu’ và thay bằng ông Kavcioglu, người có quan điểm giống Tổng thống là luôn chỉ trích tỷ giá cao.

Các mốc lira sụt giảm – do áp lực từ chính trị và chính sách tiền tệ trái ngược với các ngân hàng trung ương khác.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất chủ chốt đi 100 điểm cơ bản xuống còn 15%, thấp hơn rất nhiều so với lạm phát gần 20% và đánh tín hiệu có thể sẽ còn tiếp tục nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Tại Châu Á, hầu hết các tiền tệ và chứng khoán đều suy yếu trong ngày 23/11, trong đó baht Thái – một trong những loại tiền hoạt động kém nhất trong khu vực năm 2021 – đã giảm 0,8% xuống mức thấp nhất 2 tuần; won Hàn Quốc cũng giảm cùng chiều với ringgit của Malaysia, giảm lần lượt giảm 0,4% và 0,2%.

Philip Wee, chiến lược gia tiền tệ của DBS, cho biết: “Ngoại trừ CNY, hầu hết các loại tiền tệ, bao gồm cả các đồng tiền ở khu vực châu Á, đều thu hẹp lại dưới sức mạnh của USD do lợi suất Kho bạc Mỹ tăng và việc bán tháo các chứng khoán S&P và Nasdaq”.

Các tài sản rủi ro hơn ở các thị trường mới nổi cũng chịu áp lực bán ra trong những phiên gần đây trong bối cảnh các số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở châu Âu và sự gia hạn các biện pháp kiềm chế đi lại.

Trên thị trương tiền điện tử, Bitcoin cuối ngày 23/11 giao dịch ở mức 57.318 USD, rời xa mức cao kỷ lục 69.000 USD đạt được vào đầu tháng này. Các tiền điện tử khác cũng lao dốc khiến vốn hóa thị trường giảm rất mạnh, rời xa mốc 3.000 tỷ USD. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa sáng 23/11 là trên 2.671 tỷ USD, giảm 4% so với ngày hôm trước.

Theo các nhà phân tích, giá Bitcoin giảm mạnh do áp lực chốt lời từ phía các nhà đầu tư tổ chức vào những tuần cuối năm. Các nhà đầu tư thường có xu hướng bán tháo Bitcoin sau khi giá đồng tiền mã hóa này lập đỉnh mới để chốt lời. Đồng Bitcoin giảm sâu gây ra một đợt bán tháo rộng với các đồng tiền mã hóa khác.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư Bitcoin lâu năm nhận định đợt giảm giá này sẽ tồn tại trong ngắn hạn, sau đó, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa khác sẽ nhanh chóng phục hồi và có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa. Và đợt bán tháo này sẽ tạo cơ hội mua vào hấp dẫn cho các nhà giao dịch muốn tiếp cận thị trường.

Giá vàng thế giới phá ‘đáy” 1.800 USD, lao dốc xuống mức thấp nhất 3 tuần do ông Jerome Powell được đề cử tiếp tục giữ chức Chủ tịch Fed, đẩy USD tăng mạnh.

Kết thúc ngày 23/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.787,22 USD/ounce, sau khi đã giảm khoảng 2% trong phiên liền trước; vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 1% xuống 1.788,40 USD.

Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường của Blue Line Futures in Chicago cho biết: “Vàng đã rơi vào tình trạng bán tháo hoảng loạn trong 48 giờ qua và tôi cho rằng phần lớn là do lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng”.

Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong một tháng,là 1,66%.

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Thị trường vàng đã đặt cược rằng bà Lael Brainard sẽ làm chủ tịch Fed nhiệm kỳ tiếp theo, vì bà ấy được coi là ôn hòa hơn ông Powell về mặt chính sách tiền tệ hoặc kích thích nền kinh tế lâu dài hơn”. “Do đó, việc phá vỡ mức 1.800 USD có thể gây thêm áp lực bán đối với vàng”.

Tham khảo: Refinitiv, Tradingeconomics

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin