Đồng nhân dân tệ ngày 21/9 lao dốc xuống mức thấp nhất gần 1 tháng trong khi các đồng tiền an toàn là Yen Nhật và đô la Mỹ đều tăng mạnh khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi “trú ẩn” để bảo toàn vốn phòng trường hợp Evergrande vỡ nợ.
Theo đó, chỉ số USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt – Dollar index – đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng, là 93,45, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư bị xáo trộn bởi nguy cơ vụ Evergrande có thể lan rộng.
Yen Nhật ngày 21/9 cũng giữ ở mức cao, 128,5 JPY/USD, gần sát mức cao nhất kể từ 20/8 (128,155 JPY) đạt được vào ngày 20/9. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày thứ Tư (22/9) sẽ có quyết định quyết định chính sách, dự kiến sẽ không có thay đổi gì đối với chương trình kích thích kinh tế đang thực hiện.
Hiện Evergrande đang có khoản lãi phải trả cho một khoản trái phiếu nợ của Tập đoàn là 83,5 triệu USD, đáo hạn vào thứ Năm (23/9), trong tổng số nợ phải trả là 305 tỷ USD. Giới đầu tư lo ngại việc công ty bất động sản khổng lồ Evergrande đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ và nếu “quả bom nợ” này phát nổ, ảnh hưởng sẽ lan rộng khỏi biên giới Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (20/9), các nhà quản lý Trung Quốc cảnh báo rằng nếu công ty này vỡ nợ có thể gây ra những rủi ro lớn trong hệ thống tài chính của nước này.
Cảnh báo này đưa ra khiến sự tập trung chú ý của giới đầu tư chuyển hướng từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sang vấn đề của Evergrande trong tâm thế chuẩn bị cho tình huống Evergrande vỡ nợ.
Charalambos Pissouros, trưởng nhóm nghiên cứu của JFD Group, cho biết: “Không có dấu hiệu nào về một giải pháp khả thi trong tương lai. Chúng tôi thấy khả năng rủi ro vỡ nợ tiếp tục tăng và tiếp tục gây thêm áp lực lên những tài sản rủi ro”.
Mặc dù sau phiên 20/9 hoảng loạn bán tháo, sang ngày 21/9 các nhà đầu tư đã bình tĩnh lại đôi chút, song nhìn chung họ đều giữ thái độ thận trọng.
Trước khi thị trường tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, các nhà đầu tư rất “khó chịu” với việc đồng USD diễn biến không xu hướng rõ ràng, mặc dù gần đây có xu hướng tăng trước thềm cuộc họp của Fed – được kỳ vọng là sẽ có những thông tin báo hiệu về một kế hoạch giảm dần kích thích kinh tế vào khoảng tháng 11 tới.
Đồng nhân dân tệ phiên 20/9 giảm xuống 6,4879 CNY, thấp nhất kể từ 23/8. Các thị trường giao dịch ở Trung Quốc hầu hết đóng cửa nghỉ ngày 21/9 nhân Tết Trung thu. Các nhà phân tích củaWells Fargo dự báo nhân dân tệ sẽ giảm tiếp xuống 6,60 CNY trong tháng tới, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
“Có cảm giác như cuối tuần qua nhà đầu tư đang chờ đợi điều gì đó từ các nhà chức trách Trung Quốc để trấn an thị trường và ngăn chặn những lo lắng lây lan từ vụ vỡ nợ đang rình rập Evergrande, nhưng điều đó đã không xảy ra,” Chris Weston, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty môi giới Pepperstone cho biết.
Tỷ giá tiền tệ quốc tế
Các loại tiền điện tử lao dốc theo xu hướng của các tài sản rủi ro sau sự kiện Evergrande. Bitcoin giảm từ mức gần 49.000 USD hôm 19/9 xuống còn 40.192,90 USD trong ngày 20/9, mức thấp nhất kể từ 6/8; sang ngày 21/9 vẫn quanh quẩn ở mức thấp khoảng 43.000 USD. Các đối thủ nhỏ hơn cũng có xu hướng tương tự, theo đó ether ngày 20/9 xuống 2.803,20 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ 6/8, sang 21/9 vẫn dưới 3.000 USD.
Vàng – tài sản an toàn giống như USD, được hưởng lợi sau vụ Evergrande. Tối 21/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.764,46 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 ở 1.765,00 USD/ounce, đều duy trì xu hướng tăng so với phiên liền trước.
Các nhà đầu tư lo sợ trái phiếu sẽ trở nên mất an toàn khi Evergrande vỡ nợ, và điều này làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá ngăn giá vàng tăng mạnh.
Khác với thị trường tiền tệ và chứng khoán, nhà đầu tư vàng vẫn quan tâm tới cuộc họp của Fed nhiều hơn là vụ Evergrande, bởi trong trường hợp Fed bắt đầu thu hẹp các chương trình kích thích, USD sẽ mạnh thêm và vàng khó tăng giá hơn nữa. Việc thu hẹp các biện pháp hỗ trợ kinh tế không chỉ làm lu mờ vai trò của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, vốn đã “tỏa sáng” trong thời kỳ đại dịch, mà việc nâng lãi suất sau đó dẫn đến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không đem lại lãi suất như vàng tăng cao.
Theo Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường của CMC Markets UK: “Câu hỏi lớn cần được giải đáp là liệu sự không chắc chắn của thị trường hiện tại có khiến Fed thay đổi bất kỳ mốc thời gian nào khi tuyên bố giảm bớt việc mua tài sản”, và “Lúc này, hơn bất cứ điều gì khác, chỉ điều đó mới có khả năng gây thêm áp lực giảm giá đối với vàng.”
Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kết thúc cuộc họp hai ngày vào thứ Tư (22/9). Một số chuyên gia theo dõi thị trường tin rằng Fed có thể sẽ thông báo sẽ giảm bớt lượng mua tài sản trong quý 4 và do đó đẩy giá vàng giảm xuống.
Tham khảo: Reuters