Quá tải du lịch khiến nhiều nhà hàng Nhật Bản phải đưa ra mức giá riêng cho khách quốc tế để phục vụ tốt hơn.
Nhật Bản chưa bao giờ là điểm đến nổi tiếng về tính giá cao với khách quốc tế. Nhưng tình trạng du lịch quá tải hiện nay cùng đồng yen suy yếu đã thúc đẩy các nhà hàng trong nước cân nhắc vấn đề này.
“Mọi người nói đó là phân biệt đối xử nhưng chúng tôi thực sự gặp khó khăn khi phục vụ khách quốc tế”, Shogo Yonemitsu, quản lý quán nướng hải sản Tamatebako ở Shibuya, Tokyo nói. Shogo khẳng định không tính thêm phí với khách du lịch nhưng giảm giá 1.000 yen (164.000 đồng) cho người dân địa phương.
Elisa Chan, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch vụ khách sạn của Chinese University tại Hong Kong, cho biết giá chênh lệch có thể là cách hiệu quả chống lại tình trạng du lịch quá mức. Chủ sở hữu các hộ kinh doanh muốn người dân địa phương, vốn là khách hàng thân thiết, sẽ không chịu thiệt và rời đi khi khách quốc tế đổ xô đến. Tính phí du khách cao hơn là một trong những giải pháp cho vấn đề này.
Shogo của quán hải sản Tamatebako cho biết lượng khách du lịch đổ về không đơn giản là thêm bàn. Nhà hàng của ông phải thuê thêm nhiều nhân viên biết nói tiếng Anh để nhận đơn, xử lý đặt bàn và giải thích cho khách về mọi thứ như phân biệt sashimi, các món nướng, cách để hành lý. Ông nói nếu không làm được vậy mọi thứ sẽ hỗn loạn.
Shogo bị nhiều người chỉ trích “hành động không mang lại lợi ích cho đất nước” khi giảm giá cho người dân và giữ nguyên giá với khách du lịch. Chủ quán hải sản giải thích phục vụ khách quốc tế đang vượt khả năng của họ. “Hãy nghĩ xem tiếng Anh của người Nhật tệ đến mức nào”, Shogo nói và khẳng định vấn đề ngoại ngữ đã gây cho quán rất nhiều căng thẳng. Ông cũng thừa nhận Nhật Bản chưa đạt đến trình độ có thể tự xưng là cường quốc du lịch, không nhiều người Nhật biết nói tiếng Anh và cũng không thể nói sai khi phục vụ khách. Do vậy nhiều quán hàng đã gặp căng thẳng vì khó khăn trong giao tiếp với khách quốc tế.
Nhật Bản mở cửa lại hoàn toàn như trước dịch từ mùa thu 2022. Năm nay, nhờ đồng yen suy yếu ở mức kỷ lục, khách du lịch đổ xô đến Nhật với số lượng lớn. Theo dữ liệu từ chính phủ, lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm đạt 17,78 triệu lượt, dự kiến phá vỡ kỷ lục lượng khách ghé thăm vào năm 2019 là 31,88 triệu lượt.
Để hạn chế tình trạng quá tải, các điểm đến khắp nước bắt đầu áp dụng thuế du lịch hoặc giới hạn lượng khách. Một số nơi cấm bán rượu để hạn chế tác động tiêu cực mà quá tải du lịch mang lại.
Đầu năm nay, một thị trấn nghỉ dưỡng ở chân núi Phú Sĩ đã dựng hàng rào lưới khổng lồ chắn tầm nhìn ra đỉnh núi sau khi quá nhiều khách đổ xô đến đây chụp ảnh, xả rác và gây ách tắc giao thông.
Cơ quan du lịch ở Hokkaido, tỉnh cực bắc của đất nước và nổi tiếng với cảnh đẹp như tranh vẽ, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sang trọng, trong tháng 7 cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá cho người dân địa phương.
Thị trưởng thành phố Himeji, Hideyasu Kiyomoto, cho biết đang cân nhắc tính phí du khách quốc tế cao hơn sáu lần so với phí người dân phải trả khi vào cửa tại lâu đài Himeji được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Tính giá cho dân địa phương thấp hơn khách quốc tế là điều mới xuất hiện ở Nhật nhưng đã phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, giá dành cho người dân địa phương được viết bằng ngôn ngữ địa phương, nên khách quốc tế không biết tiếng có thể không nhận ra họ đang phải trả nhiều hơn.
Ngoài tính giá cao hơn, một số doanh nghiệp Nhật đang nghĩ ra phương án mới.
Shuji Miyake, chủ một quán rượu bình dân ở Tokyo, thường giới thiệu cho khách du lịch món mì ramen tôm hùm giá 5.500 yen (hơn 900.000 đồng) vì những người này có ngân sách dồi dào hoặc sẵn sàng thử những điều mới mẻ. Còn với khách địa phương, Shuji sẽ phục vụ loại mì bình thường với giá rẻ hơn.
Du khách Australia Phoebe Lee nói chuyến đi Nhật cách đây 2 tuần rẻ hơn rất nhiều so với những chuyến đi trước đó. Cô sẽ không ngần ngại trả thêm tiền nếu đồng yen yếu khiến cuộc sống của người dân địa phương trở nên khó khăn hơn.
Anh Minh (Theo CNN)