Nhiều dòng tiền đang vào – ra đan xen và tác động đến lãi suất, có yếu tố mới và cả thay đổi về liều lượng…
Sự trùng hợp khiến tháng 9 tới được chú ý hơn trong dự báo của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), gắn với 4 chỉ tiêu: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước.
Thứ nhất, cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9 được dự báo sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn đến thị trường tài chính quốc tế, sau một thời gian đáng kể để nhìn lại vấn đề lạm phát, việc làm, liều lượng các gói nới lỏng với sự phục hồi của nền kinh tế…
Thứ hai, trong nước, nguồn tiền bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đáo hạn sẽ giảm thiểu trong tháng 9.
Thứ ba, tháng chốt quỹ vẫn thường tiềm ẩn biến động nhất định trên thị trường tiền tệ.
Nhưng trước hết, trong tháng 7 vừa qua thị trường đã ghi nhận những yếu tố mới, có tính chất quan trọng để hậu thuẫn cho sự ổn định của các chỉ tiêu mà VIRA dự báo. Kỳ vọng ổn định được nối tiếp sang tháng 8 này.
Dự báo về CPI tháng 8 so với cùng kỳ năm trước
Sau mức tăng mạnh thể hiện trong tháng 7, sang tháng 8 này CPI theo dự báo của các thành viên VIRA sẽ có phần “hạ nhiệt” và chỉ tăng nhẹ.
Việc giảm giá điện hỗ trợ người dân trước tác động Covid-19 sẽ phản ánh vào CPI trễ một tháng nên khả năng đến tháng 9 và 10 mới ghi nhận cụ thể. Trong khi đó giá xăng dầu có khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm theo giá dầu thế giới (triển vọng kinh tế thế giới một lần nữa lại bị đe dọa bởi virus corona biến chủng mới). Tuy nhiên, mức giảm của giá xăng dầu thường ít hơn mức tăng, nên tính bình quân giá xăng dầu vẫn tăng nhẹ so với tháng trước.
Trong tháng này, một số mặt hàng có thể giảm giá so với tháng trước như thịt lợn hay gạo nhờ tình trạng nguồn cung đảm bảo hơn, nhưng chính yếu có sự đứt gãy cung – cầu tại các tỉnh thành phía Nam và TP.HCM khi giãn cách xã hội kéo dài. Trong tình huống khả quan, từ giữa tháng 8 nếu điều kiện giãn cách xã hội dần gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế dần mở lại, yếu tố cầu có thể tác động đến CPI theo hướng mạnh hơn.
Còn theo dự báo chung của các thành viên VIRA, CPI tháng 8 so với cùng kỳ năm trước sẽ vào khoảng 2,55%, thấp hơn mức tăng 2,64% trong tháng 7.
Dự báo về lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8
Như đề cập ở trên, thị trường đang đón những dòng tiền đan xen. Tháng 7 vừa qua là tháng đầu tiên đón lượng tiền lớn bổ sung từ nguồn Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ đáo hạn. Đây là một yếu tố chính góp phần tạo sự ổn định của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tháng qua.
Đáng chú ý, cũng trong tháng 7, Kho bạc Nhà nước đã chính thức mở kênh tạo nguồn qua mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Phiên đầu tiên chỉ có 2/5 thành viên trúng với 300/800 tỷ đồng ở kênh này. Tuy không/chưa lớn, song đây là kênh tạo nguồn mới tham gia điều tiết các cân đối trên thị trường, đặc biệt trong các thời điểm khó khăn (nếu có trong tương lai).
Về cơ bản, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng được các thành viên VIRA dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong tháng này; tại kỳ hạn 1 tuần sẽ vẫn chỉ quanh 1%/năm, bình quân dự báo chỉ 1,09%, giảm nhẹ so với bình quân thực tế 1,15% tháng liền trước; cá biệt một vài thành viên dự tính lãi suất này sẽ bật tăng và có thể lên quanh 1,5% trong tháng 8.
Tỷ giá USD/VND giao ngay trên liên ngân hàng gần như “kẻ thẳng” trong dự báo của các thành viên VIRA
Một điểm nổi bật trong dự báo của các thành viên VIRA tháng này là “đường kẻ thẳng” về kỳ vọng diễn biến tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng. Mức bình quân dự báo cho tháng 8 ở 22.962 VND, giảm khá mạnh so với thực tế bình quân 23.007 VND trong tháng 7.
Trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua cũng ghi nhận hướng trượt khá mạnh của tỷ giá USD/VND. Cuộc họp của Fed trong tháng 7 vừa qua tiếp tục phát đi thông điệp ổn định chung, trong khi thị trường trong nước chênh lệch lãi suất giữa VND với USD vẫn đáng kể.
Quan trọng hơn, thị trường vừa đón một hậu thuẫn quan trọng: Mỹ đã chính thức kết luận và khẳng định sẽ không có các biện pháp hạn chế thương mại đối với Việt Nam, liên quan đến quan ngại vấn đề “thao túng tiền tệ” kéo dài hơn hai năm qua.
Có sự phân hóa rõ rệt trong dự báo về lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giữa các thành viên VIRA tháng này
Trong ngắn hạn cũng như riêng tháng 8, dự báo của VIRA tiếp tục hướng về sự sụt giảm của lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm. Điểm khác với thông thường, dự báo giữa các thành viên đã có chênh lệch đáng kể thay vì khá đồng nhất ở các kỳ dự báo suốt thời gian qua.
Cụ thể, một số thành viên dự báo lợi suất này sẽ tăng trở lại trong tháng 8, tiếp cận quanh 2,3%, song nhiều thành viên dự báo sẽ giảm về gần 2%. Bình quân dự báo lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm sẽ giảm xuống 2,11%, thấp hơn bình quân thực tế 2,17% trong tháng 7.
Như đề cập ở trên, tháng 9 đáng chú ý nhất trong dự báo 3 tháng tới của VIRA. Cuộc họp chính sách của Fed sẽ có ảnh hưởng đến ổn định thị trường tài chính quốc tế, trong khi nguồn tiền bổ sung cho thị trường trong nước từ kênh mua ngoại tệ đáo hạn đã giảm thiểu, ngoại trừ dòng chảy từ Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, VIRA hướng đến khả năng lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần sẽ tăng nhẹ trên thị trường liên ngân hàng; một số thành viên dự báo bình quân 3 tháng tới có thể lên 1,3-1,5%; còn bình quân dự báo vẫn khá ổn định với 1,16%.
Sự ổn định cũng có trong dự báo về tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng trong ba tháng tới, bình quân dự báo vẫn nằm dưới mốc 23.000 VND. Tương tự, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm cũng khá ổn định với dự báo quanh 2,15% trong ba tháng tới.
VIRA tập hợp những đại diện đến từ khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, cùng một số công ty chứng khoán hàng đầu, định kỳ hàng tháng đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu chính: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết hơn tại https://vira.org.vn .