Gunriddh Sial, 28 tuổi, luôn thường trực nỗi sợ nhiễu động nên chỉ cần nghĩ đến đi máy bay, cô đã thấy hồi hộp và tay đổ mồ hôi.
Sự cố hôm 21/5 với chuyến bay SQ321 của Singapore Airlines khiến một hành khách tử vong khi máy bay rung lắc dữ dội càng khiến Sial lo lắng. Công việc kinh doanh buộc Sial phải bay thường xuyên từ Singapore tới Ấn Độ nhưng cô luôn né bay mùa gió mùa (tháng 6 đến tháng 8) hết sức có thể.
“Covid-19 cho chúng ta thấy nhiều việc có thể làm từ xa nên trừ những vấn đề quan trọng, tôi sẽ tránh bay”, cô nói. Trong trường hợp bắt buộc phải bay, Sial cố kiểm soát nỗi sợ bằng tai nghe chống ồn, luôn ngồi ghế phía trước để tránh ảnh hưởng của nhiễu động.
Năm 2016, một đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học Macquarie, trụ sở tại Sydney, ước tính 40% người trên thế giới mắc chứng sợ bay, nhẹ là cảm giác lo lắng, nặng sẽ khiến họ tránh hẳn máy bay. Năm 2024, các sự cố như chuyến bay 2283 của hãng Voepass Linhas Aereas rơi ở Brazil khiến toàn bộ 62 hành khách thiệt mạng cùng tình trạng nhiễu động nghiêm trọng gia tăng, càng khiến nhiều người sợ hãi.
Tại Singapore, Tiến sĩ Victor Kwok, bác sĩ tâm thần tại Private Space Medical, nói ngày càng nhiều người tìm đến để điều trị chứng sợ bay. Mỗi tháng, phòng khám của ông tiếp nhận 10-12 trường hợp, trước khi sự cố nhiễu động SQ321 hồi tháng 5 chỉ khoảng 4-6 ca. Tiến sĩ nhận xét các sự cố đang khiến mọi người trải qua “nỗi sợ gián tiếp”.
Ông Lim Khoy Hing, cơ trưởng đã nghỉ hưu của hãng hàng không AirAsia X, thường xuyên giải quyết những lo lắng của hành khách với mục tư vấn trên blog cá nhân. Ông cũng nhận xét sự lo lắng từ hành khách đang có dấu hiệu tăng. Cựu cơ trưởng cho biết các chuyến bay ngày nay an toàn hơn bao giờ hết vì tiến bộ, đổi mới công nghệ, bao gồm việc sử dụng vật liệu composite trong chế tạo, cải tiến radar thời tiết, động cơ.
“Ngay cả khi có những sự cố hàng không nhỏ nhất, làm công chúng lo lắng, đây vẫn là một trong những loại hình di chuyển an toàn hàng đầu”, cựu cơ trưởng nói.
Để kiểm soát nỗi sợ bay, bác sĩ Kwok nói liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là cách hiệu quả. Phương pháp điều trị tâm lý này giúp mọi người nhận diện, hiểu rõ những suy nghĩ phi lý, từ đó giảm lo âu. Người bệnh có thể được hướng dẫn thực hành các kỹ thuật thư giãn, tưởng tượng, hoặc thậm chí mô phỏng bay trong môi trường an toàn để dần làm quen, vượt qua nỗi sợ hãi. Một khóa điều trị kéo dài 3-5 tháng, khoảng 8-10 buổi và bệnh nhân có thể nhận thấy tiến triển sau buổi thứ tư.
Ở Singapore, chương trình Fear of Flying do Flight Experience Singapore – công ty chuyên cung cấp trải nghiệm giả lập bay trong buồng lái của máy bay Boeing 737 – đã được triển khai từ năm 2015. Học viên được đóng vai cơ phó, có cơ trưởng giàu kinh nghiệm hướng dẫn và ngồi trực tiếp trong buồng lái giả lập. Mỗi chương trình kéo dài 6 giờ, chi phí gần 1.000 USD.
Các thiết bị sẽ giúp mô phỏng chuyến bay trong các điều kiện thực tế với nhiều tình huống từ hỏng động cơ, nhiễu động nghiêm trọng, tầm nhìn thấp, đóng băng hay sự cố thủy lực. Tuy nhiên, những tình huống này chỉ được chuẩn bị nếu học viên sẵn sàng, tránh gia tăng nỗi sợ. Mục đích chính của chương trình vẫn là giải quyết những nỗi sợ cụ thể như khi cất, hạ cánh hoặc các trường hợp khẩn cấp. Qua buổi mô phỏng, học viên có thể hiểu cách cơ trưởng xử lý những tình huống này.
Hamdan Mohamed Khamis, cơ trưởng hãng Asiana Airlines, là một trong những huấn luyện viên, nói nguồn cơn của nỗi sợ đến từ sự thiếu kiểm soát, hiểu biết về nguyên lý máy bay hoạt động. Thông qua các buổi học, họ có thể giúp học viên tự tin, xoa dịu nỗi sợ.
Một số người khác như doanh nhân Singapore Dahlia Mohd lại chọn cách tự giải quyết vấn đề. Dù vật lộn với nỗi sợ, doanh nhân 42 tuổi có thể kiểm soát cảm xúc bằng cách lựa chọn các hãng bay cung cấp đủ dịch vụ giải trí để bình tĩnh hơn trong suốt chuyến đi. Cách làm này đã giúp cô tự tin bay cùng các con tới Nhật Bản hồi tháng 6 khi bọn trẻ vào kỳ nghỉ hè. Sắp tới, Mohd có kế hoạch bay tới Nice, Pháp, để dự đám cưới bạn thân.
Tú Nguyễn (Theo Straits Times)