Nam Cực đang trở thành điểm nóng du lịch thế nào

Một buổi chiều đầu hè nắng đẹp tại Nam Cực, tàu du lịch Seabourn Pursuit đâm vào tảng băng biển ở vịnh Hanusse. Tàu lao về phía trước, băng bên dưới vỡ vụn.

250 hành khách trên tàu chạy ra ban công và nghiêng người qua mạn tàu để xem chuyện gì đang xảy ra. Nhưng đây không phải cảnh chen chúc như tàu Titanic để xuống xuồng cứu sinh. Thay vào đó, hành khách bắt đầu xuống cầu thang, đi bộ trên băng.

Cú đâm không phải tai nạn mà là một trong những trải nghiệm được lên kế hoạch từ trước. Để thêm hoàn hảo, nhà tàu đã cho kê sẵn một chiếc bàn xếp đầy ly sâm panh nhằm chúc mừng sự xuất hiện của các hành khách ở Nam Cực.

Nam Cực - từ nơi lạnh nhất trở thành điểm nóng nhất

Vợ chồng Greg và Susana McCurdy chụp ảnh tại Nam Cực trong chuyến du lịch hè 2024. Ảnh: CNN

Trong số những hành khách đi dạo trên tảng băng có Greg và Susana McCurdy, hai cảnh sát đã nghỉ hưu đến từ Las Vegas, Mỹ. Hiện tại, Susana làm việc bán thời gian trong ngành du lịch còn Greg dành toàn bộ thời gian nhàn rỗi để khám phá những địa điểm kỳ lạ nhất thế giới.

Sau khi cầm ly sâm panh, nhà McCurdy giương cao một biểu ngữ nhỏ có dòng chữ “Châu lục thứ 7 – Nam Cực 2024” và tạo dáng chụp ảnh. Với chuyến đi này, vợ chồng họ chính thức gia nhập vào nhóm du khách đã đặt chân đến mọi châu lục trên thế giới. Nhóm du khách này chưa nhiều nhưng ngày càng gia tăng.

Susana nhận thấy thay đổi của những khách hàng mua tour du lịch gần đây. Họ muốn khám phá những điều chân thực hơn trong các chuyến đi, có nhiều mục tiêu hơn, đặc biệt sau đại dịch. Họ không muốn trì hoãn các chuyến đi và Nam Cực gần như đứng đầu danh sách mà khách của Susana muốn đến.

Theo Hiệp hội các công ty lữ hành Nam Cực quốc tế (IAATO), lượng khách đến thăm nơi này tăng nhiều hơn sau đại dịch. Mùa đông 2017, chỉ khoảng 7.000 khách đến Nam Cực. Năm nay, con số đã vượt 43.000 lượt, tăng hơn 500%.

Vài thập kỷ trước, du lịch Nam Cực không phải là trải nghiệm xa xỉ như hiện nay. Khách phải đi trên những con tàu nhỏ hơn, nhiều người trong số đó đến bằng tàu phá băng cũ từ Nga, Canada và các quốc gia vùng cực.

Seabourn Pursuit sử dụng mũi tàu cắt băng ở Nam Cực. Ảnh: CNN

Seabourn Pursuit sử dụng mũi tàu cắt băng ở Nam Cực. Ảnh: CNN

Robin West, CEO các chuyến thám hiểm của Seabourn, thực hiện chuyến đi đầu tiên đến khu vực này vào năm 2002. Nhiều thuyền khi đó được trang bị giường tầng và phòng tắm chung. Rất ít tàu có cửa sổ để nhìn ra bên ngoài, khác biệt hoàn toàn với trải nghiệm ngày nay.

Colleen McDaniel, người đứng đầu website đánh giá về du thuyền có trụ sở tại Mỹ Cruise Critic, cho biết gần đây các hãng tàu như Ponant, Silversea, Seabourn và Scenic có những bước tiến lớn khi cung cấp trải nghiệm xa xỉ cho du khách đến vùng cực. Họ cung cấp các phòng suite sang trọng trên tàu, dịch vụ ăn uống cao cấp và cả spa.

Các hãng du thuyền đầu tư hàng tỷ USD vào các tàu thám hiểm Nam Cực.
Hai tàu Seabourn Pursuit và Venture đều có spa sang trọng, 9 nhà hàng và 8 phòng chờ cùng quầy bar cho khoảng 250 hành khách trên tàu. Mỗi cabin trong số 132 cabin đều có cửa kính lớn, ban công, cho phép khách dễ dàng đứng bên ngoài khi những tảng băng trôi hùng vĩ trôi qua.

Nếu muốn xuống tàu ngầm hoặc khám phá vùng biển Nam Cực bằng thuyền kayak, khách cần trả thêm một khoản tiền. Hành khách được cung cấp quần áo chống lạnh có thiết kế đặc biệt, giữ ấm và khô khi đi lang thang giữa những con chim cánh cụt, hải cẩu.

Các hãng tàu Celebrity, Norwegian và Princess hiện cung cấp thêm tour tham quan mới mang tên “chỉ du ngoạn”, cho phép hành khách ngắm Nam Cực mà không thực sự đặt chân đến vùng lãnh nguyên này (chỉ ngồi trên tàu để ngắm).

Số lượng khách du lịch tăng cao khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về tác động môi trường. Nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Nature chỉ ra tuyết ở Nam Cực đang tan nhanh hơn do khách du lịch đến thăm lục địa này ngày càng nhiều. Muội đen (bồ hóng) thoát ra từ ống khói tàu du lịch lắng xuống băng, thu hút ánh sáng Mặt Trời khiến hàng tấn tuyết tan sớm. Các nhà sinh thái học cho biết sự hiện diện ngày càng nhiều của con người ở Nam Cực đang khiến nồng độ carbon dioxide tăng đột biến.

Các nhà điều hành tàu du lịch cho biết họ nhận thức sâu sắc về tác động mà họ đem lại cho môi trường. Do đó, hành khách luôn được hướng dẫn chi tiết không được mang theo bất kỳ thực phẩm bên ngoài hoặc các chất gây ô nhiễm khác khi đến Nam Cực. Khách được hướng dẫn không nằm trên tuyết, giữ khoảng cách với động vật hoang dã để ngăn ngừa lây vi khuẩn, virus cho chúng.

Động vật hoang dã là điểm thu hút lớn trên các chuyến du ngoạn Nam Cực. Ảnh: CNN

Động vật hoang dã là điểm thu hút lớn trên các chuyến du ngoạn Nam Cực. Ảnh: CNN

Các quốc gia tham gia nghiên cứu và làm du lịch ở Nam Cực đã ký Hiệp ước Nam Cực, trong đó nêu rõ không được xây dựng các công trình cố định trong khu vực để phục vụ mục đích du lịch.

Nói cách khác, không có khách sạn nào ở Nam Cực. Gần đây, IAATO đã bắt đầu theo dõi mức tiêu thụ nhiên liệu của các tàu du lịch ở khu vực Nam Cực và một số nhà điều hành hiện đang sử dụng hệ thống đẩy điện khi có thể để nỗ lực cắt giảm lượng khí thải, bồ hóng và CO2.

McDaniel của Cruise Critic cho biết loại hình du lịch mới “chỉ du ngoạn” ở Nam Cực đang mang lại cho du khách trải nghiệm tiết kiệm hơn. Dù không thể nhìn thấy chim cánh cụt, hải cẩu ở khoảng cách gần như các tour rời tàu hay không thể đặt chân đến các đảo Nam Cực nhưng khách vẫn nhìn thấy chúng. Thậm chí, tham gia tour mới này, du khách cũng có thể nhìn thấy cá voi và nhiều loài chim khác.

Chọn ngồi tàu ngắm cảnh hay đặt chân xuống châu lục để tham gia các trải nghiệm chân thực, chuyến đi đến Nam Cực với nhiều du khách luôn là cơ hội để nhìn thấy một thế giới khác. Đó là thế giới với vẻ đẹp hùng vĩ của những tảng băng trôi, sông băng và nhưng cuộc phiêu lưu ngắm chim cánh cụt. Và việc ghé thăm Nam Cực hiện nay chưa bao giờ dễ dàng đến thế, theo McDaniel.

Anh Minh (Theo CNN)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin