Điều mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần từ chính sách tỷ giá năm 2021 vẫn là linh hoạt, ổn định, chú trọng tới cân đối vĩ mô. Điều này không chỉ có lợi cho nền kinh tế mà còn có lợi cho doanh nghiệp khi hoạch định chiến lược kinh doanh.
Xuất – nhập khẩu là 2 yếu tố cơ bản cấu thành hoạt động ngoại thương của một quốc gia. Tác động của tỷ giá hối đoái lên hoạt động ngoại thương trước tiên được xem xét thông qua biến động của tỷ giá lên cán cân xuất nhập khẩu, tác động tới doanh thu và hoạt động của doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Điều hành tỷ giá có thể được ví như đi trên dây, nghiêng quá về bên nào thì đều có thể gây bất lợi tới hoạt động thương mại.
Có người cho rằng để ngoại thương phát triển cần tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Vì nhập khẩu làm tổn hại nền kinh tế, làm tiêu tốn ngoại tệ dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại. Tuy nhiên, quan niệm này chỉ mang tính tương đối. Thực tế, nhập khẩu tăng cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu và ngược lại xuất khẩu tăng là tiền đề thúc đẩy nhập khẩu.
Biến động tỷ giá không quá lớn tác động tích cực tới hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Minh hoạ.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định vĩ mô
Việt Nam là một nền kinh tế mở, với tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP hơn 200%, vay nợ nước ngoài khá lớn và phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn phương án điều hành tỷ giá theo hướng có điều tiết, tỷ giá trung tâm linh hoạt từ năm 2000.
Tỷ giá trung tâm linh hoạt là cơ chế xác định tỷ giá phần nào khách quan trên cơ sở cung cầu của thị trường, theo cơ chế thả nổi có quản lý. Để điều chỉnh tỷ giá, NHNN điều chỉnh cung cầu bằng cách mua vào hoặc bán ra ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Cho đến thời điểm hiện tại, biên độ tỷ giá được điều chỉnh lên +-3%. Cơ chế quản lý này được cho là mềm dẻo hơn, linh hoạt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Năm 2020, dù trải qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 543,9 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD – mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp từ năm 2016. Nhờ đó, con số dự trữ ngoại hối cũng đạt mức kỷ lục. Cập nhất đến tháng 9/2020 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 92 tỷ USD – tương đương hơn 4 tháng kim ngạch nhập khẩu.
Nhận định về biến động tỷ giá năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng VND sẽ lên giá so USD. Tuy nhiên, biên độ tỷ giá biến động là không lớn chỉ khoảng trên dưới 0,5%.
Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng dự báo, tỷ giá giữa VND/USD sẽ dao động trong biên độ hẹp +/-0,5%. Điều này tác động tích cực đến nền kinh tế như: Kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Tháng 12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thượng mại quốc tế Omnibus năm 1988 với cáo buộc rằng Việt Nam đã can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ để tác động tới thặng dư thương mại song phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các công ty phân tích, cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam và Mỹ vẫn đang tích cực đàm phán song phương để không có bất cứ biện pháp trừng phạt nào gây ảnh hưởng tới hoạt động thương mại giữa 2 nước và các nhà đầu tư. Kết quả cho đến thời điểm hiện tại được cho là tích cực và sẽ không có những biện pháp trừng phạt cụ thể nào được áp dụng cho tới khi Việt Nam gỡ bỏ được mác thao túng tiền tệ.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần gì từ chính sách tỷ giá?
Trong khoảng 10 năm trở lại đây có thể thấy chính sách tỷ giá linh hoạt, có điều tiết của Việt Nam đã thể hiện rõ hiệu quả khi tình trạng ‘đô la hoá’ trong nền kinh tế được kiểm soát, xuất siêu và dự trữ ngoại hối đều đạt mức kỷ lục.
Nói về công tác điều hành tỷ giá năm 2021, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo nguyên tắc linh hoạt, không cố định, mà ổn định tỷ giá trên cơ sở cân đối cung cầu ngoại tệ, trên cơ sở giám sát được trạng thái ngoại tệ của TCTD và doanh nghiệp kết hợp kiên định chống ‘đô-la hóa’ trong nền kinh tế. NHNN giữ quan điểm, điều hành tỷ giá phải hài hòa cả nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán… chứ không chỉ vì xuất khẩu.
Việc điều hành tỷ giá linh hoạt, chú trọng ổn định vĩ mô của NHNN cũng khiến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải ‘điêu đứng’ vì biến động tỷ giá lên doanh thu, lợi nhuận.
Chia sẻ với Nhadautu.vn về tác động của tỷ giá tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong khoảng 5 năm trở lại đây, ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ – một doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc cho biết, thực tế các doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây không quá quan tâm tới tỷ giá, vì biến động của tỷ giá tác động không quá lớn tới doanh thu của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong nhiều năm trở lại đây, biến động của tỷ giá trong nước dao động quanh mức 1-2%, cũng không có sự biến động mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu từ thời điểm ký hợp đồng tới lúc xuất hàng cũng chỉ diễn ra trong một vài tuần, các hợp đồng thường lại chia nhỏ số lượng nên tác động của biến động tỷ giá gần như không đáng kể.
“Ví dụ doanh nghiệp xuất khẩu tới 15.000 tấn gạo/tháng thì cũng chia tới 30 hợp đồng cho 15 khách hàng trải ra các ngày trong tháng nên biến động tỷ giá gần như không được tính tới”, ông Hoà nói.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco cũng cho biết, dù có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm thuốc nhưng doanh nghiệp cũng không chịu tác động lớn từ biến động tỷ giá.
Theo bà Thuận, lý do một phần vì biến động tỷ giá không lớn và doanh nghiệp cũng khá chủ động trong nguồn cung nguyên liệu, cân đối cả trong nước và nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có hoạt động xuất khẩu thành phẩm nên có sự cân đối ngoại tệ. Như năm 2020, tác động của biến động tỷ giá lên doanh thu của doanh nghiệp chỉ khoảng vài chục triệu đồng/doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Theo VNDirect, VND sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố thúc đẩy như kinh tế vĩ mô hồi phục nhanh, áp lực lạm phát được dự báo giảm, USD tiếp tục suy yếu, nhân dân tệ (CNY) tiếp tục mạnh lên… Việc, VND tăng giá sẽ có tác động tích cực lên các ngành nhập khẩu nguyên liệu lớn như dược, nhựa, săm lốp và các ngành có mức vay nợ ngoại tệ lớn như điện, vận tải biển, xi măng; còn sẽ tác động tiêu cực lên các nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như thuỷ sản, dầu khí, dệt may, công nghệ.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV khẳng định, nhờ sự điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của NHNN, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, chủ động truyền thông, sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường, tỷ giá năm 2020 giao dịch duy trì xu hướng ổn định, VND lên giá nhẹ 0,21% so với đầu năm, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.
Hướng tới năm 2021, ông Lực nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa phục hồi kinh tế – xã hội. Đặc biệt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, đảm bảo các cân đối lớn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong bối cảnh, Fed cam kết sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp trong thời gian dài, đồng thời mua các tài sản tài chính để bơm tiền ra nền kinh tế, bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán KB Securities dự báo, năm 2021 VND sẽ tăng giá khoảng 0,5 – 1% so với USD. Nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong năm 2021 với kỳ vọng về hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI chảy mạnh về Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, năm 2021, do cáo buộc thao túng tiền tệ từ Mỹ, NHNN sẽ điều hành tỷ giá thận trọng hơn, tỷ giá trung tâm sẽ sát với tỷ giá thị trường tự do hơn. Nhưng ảnh hưởng của vấn đề này tới Việt Nam nói chung và tỷ giá nói riêng là không quá nặng nề. Theo đó, tỷ giá năm 2021 sẽ không biến động nhiều.