Thái độ của ông Powell hoàn toàn khác với những gì mà thị trường mong đợi…
Đô la Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, ông Jerome Powell, trong bài phát biểu hôm qua đã không bày tỏ lo ngại nào về hiện tượng trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây. Thái độ của ông Powell hoàn toàn khác với những gì mà thị trường mong đợi, và chính điều đó đã dẫn đến việc lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng cao nữa, trong khi nhu cầu đối với đồng bạc xanh cũng tăng mạnh.
Chỉ số dollar index đã tăng 0,53% vào cuối ngày 4/3, lên mức cao nhất kể từ ngày 1/12/2020; trong khi đó đồng EUR giảm 0,73% xuống 1,1973 USD, thấp nhất kể từ ngày 5/2.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 1,555%, không xa mấy so với mức cao nhất trong vòng một năm đạt được vào tuần trước, là 1,614%.
Ông Powell chỉ bày tỏ chút lo ngại rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng như gần đây có thể gây rắc rối cho Fed khi các nhà đầu tư phải chịu chi phí tiền vay tăng lên trong khi Fed muốn giữ ở mức thấp. Ông nói rằng: “Tôi chú ý đến điều này”, nhưng không coi đó là hiện tượng “lộn xộn” có nguy cơ đẩy lãi suất dài hạn lên cao đến mức Fed phải can thiệp mạnh mẽ vào thị trường, chẳng hạn bằng cách tăng lượng trái phiếu mua vào hàng tháng thêm 120 tỷ USD.
Biểu đồ Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm và Chỉ số điều kiện tài chính do Fed Chicago theo dõi
Trước đó, một số nhà đầu tư đã tin chắc rằng ông Powell “ít nhất cũng thừa nhận rằng có một chút lo ngại liên quan đến lợi suất tăng, nhưng ông đã không làm thế”, Minh Trang, nhà giao dịch ngoại hối cấp cao thuộc Silicon Valley Bank ở Santa Clara, California, cho biết.
“Nhìn chung, thông điệp của ông ấy vẫn giữ nguyên, về cơ bản là họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hơn cho đến khi nền kinh tế thể ổn định trở lại như trước đại dịch, thể hiện ở các chỉ số về lạm phát và thị trường lao động”, bà Trang nói.
Đồng USD tăng cùng lúc lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong khi Mỹ sắp tung thêm gói kích thích tài chính khổng lồ là những yếu tố được dự báo sẽ đẩy lạm phát tăng lên. Điều đó, cộng với việc các nước triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, làm gia tăng sự lạc quan về việc kinh tế thế giới sẽ hồi phục tốt.
Với những tín hiệu hồi phục tốt từ Mỹ, đồng franc Thụy Sĩ và đồng yên Nhật tiếp tục suy yếu gần đây. Những đồng tiền này đã giảm so với USD kể từ khi có những ý kiến rằng Mỹ sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
“Các đồng tiền truyền thống (tiền an toàn) như EUR, JPY và CHF có vẻ là những ‘kẻ tụt hậu nhất’ trong môi trường đó (kinh tế Mỹ tăng trưởng) giữa lúc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng”, chiến lược gia tiền tệ cấp cao Mazen Issa của TD Securities ở New York cho biết.
Đồng CHF đã giảm còn 0,9297, mức thấp nhất kể từ ngày 23/7/2020. Đồng JPY xuống mức 107,93, thấp nhất kể từ 1/7/2020.
Ngược lại, các đồng tiền có rủi ro cao hơn, bao gồm đồng đô la Australia, lại tăng giá khi kinh tế toàn cầu cải thiện. AUD đã liên tiếp tăng trong mấy phiên gần đây, hiện gần sát mức cao nhất 3 năm (0,8007 USD) như đã đạt được vào tuần trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin (BTC) giảm 5,36% xuống 47.691 USD. Ether (ETH) giảm 3,21% xuống còn 1.518 USD.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 9 tháng cũng do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Vàng giao ngay trên thị trường vàng bạc London kết thúc phiên 4/3 giảm 0,9% xuống 1.695,26 USD/ounce, trước đó có lúc giảm xuống đúng ngưỡng 1.700 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 0,9% xuống 1.700,7 USD/ounce. Giới đầu tư lo ngại giá vàng đã đến lúc bắt đầu chu kỳ giảm giá.
Diễn biến tỷ giá tiền tệ
Tham khảo: Reuters