Lãi suất lên tới 3-4%/ngày, ngồi không tiền cũng về, kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng… là bánh vẽ mà các đối tượng mang ra “nhử” các con mồi đầu tư vào cái gọi là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng”, “mạng xã hội phân quyền”… Nhiều người bị lợi nhuận làm cho mờ mắt, ném tiền thật vào tiền ảo để rồi mất trắng.
Ma trận kinh doanh mạng
Kinh doanh đa cấp biến tướng với tiền ảo trên mạng không mới nhưng gần đây đã nở rộ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh. Hàng chục nghìn, thậm chí có thể là hàng triệu nạn nhân đã và đang sập bẫy của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp núp bóng công nghệ.
Trường hợp ông T. ở Đắk Lắk là một ví dụ điển hình. Gia cảnh chật vật nuôi 2 con đi học, vợ ung thư mất, thanh toán tiền bảo hiểm được hơn 100 triệu, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của một người tự xưng là Thự, người dân tộc Thái ở Tây Bắc, ông T. đổ tiền vào đầu tư tài chính vào dự án Skynet 4fx.
“Gửi ngân hàng lãi suất chỉ còn 6%/năm, tính ra mỗi tháng 100 triệu đồng chỉ được hưởng lãi suất có 500 nghìn đồng; trong khi đầu tư vào Skynet 4fx, chỉ cần gói 1.100 USD, được hưởng lãi suất 20%, mỗi tháng cả nhà cũng có 5 triệu chi tiêu”, ông T. tính toán và quyết định “xuống tiền”.
Thế nhưng, ngay từ ban đầu, dấu hiệu lừa đảo đã rõ ràng, khi giá USD không được tính theo tỷ giá ngân hàng mà tính theo Skynet 4fx, với mức 1 USD = 25.000 đồng. Tức là với gói 1.100 USD, ông T. phải nộp vào 27,5 triệu đồng, thay vì khoảng 25 triệu. Nhưng lợi nhuận đã khiến cho ông T mờ mắt, không nhận ra sự bất thường này.
Đóng tiền xong, trong 7 ngày đầu, ông được trả lãi bằng tiền Ethereum quy ra tiền Việt Nam là gần 700 nghìn đồng. Sau đó, ông nhận được thông báo là do trong thời gian nâng cấp nên không được trả lãi. Liên tục sau đó, ông nhận được các thông báo sẽ trả lãi mới bằng đồng tiền Skynet 4fx và đồng tiền này sắp sửa lên sàn.
Coi chừng tiền mất tật mang vì tham gia kinh doanh tiền ảo trên mạng.
Thế nhưng, lên sàn chẳng thấy đâu, mà lãi cũng mất hút. Cho đến khi không thể đăng nhập được vào trang web Skynet 4fx, cũng không thể liên lạc được với người đàn ông tên Thự, ông T. mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa trắng tay. “Tất cả cuộc sống của 3 bố con tôi trông vào chỗ tiền bảo hiểm của vợ tôi. Giờ mất nó, chúng tôi không biết lấy gì để sống”, ông T tuyệt vọng.
Cũng mất trắng tiền vì tham gia kinh doanh mạng, chị Nguyễn Thị T. (Long Biên, Hà Nội) nghe theo lời giới thiệu của người quen mở một tài khoản mua và một tài khoản bán trên BBI Mall, sau đó đóng 100 triệu đồng vào tài khoản công ty để mua hàng (đơn hàng ảo) và nhận 1,1 tỷ điểm thưởng (nhân 10 lần) của công ty. Số điểm thưởng này được công ty cho đổi và rút ra bằng tiền mặt với tỷ lệ 0,05%/ngày (tương ứng 500.000 đồng/ngày).
“Theo tính toán của tôi, thì sau 1 năm, sẽ nhân gần gấp đôi khoản tiền đầu tư. Thế nhưng, chỉ mới rút được gần 20 triệu đồng thì công ty tắt app, không cho rút tiền, hơn 80 triệu đồng tiền gốc của tôi vẫn chưa đòi về được”, chị T. bức xúc. Được biết, nạn nhân của BBI hiện có rất nhiều vì riêng cộng đồng tham gia BBI đã lên tới 1 triệu thành viên. Nhiều nhà đầu tư tham gia BBI ở nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… cho biết đang làm đơn kiện BBI về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để tìm hiểu về các hình thức lừa đảo đầu tư núp bóng công nghệ, chúng tôi liên hệ với Huân – một người giới thiệu là làm cho dự án có tên là AT Cap… Với lời hứa hẹn siêu lợi nhuận: đầu tư 1, được 5, Huân cam kết đây là hình thức đầu tư tài chính dựa trên đồng tiền kỹ thuật số Ethereum. “Tiền ảo là đồng tiền của tương lai, là cơ hội để những người “đi tiên phong” kiếm lợi nhuận. Sự phát triển của đồng tiền chính là nguồn sinh lợi, không cần làm gì, tiền cũng sẽ “đổ về ầm ầm, đếm mỏi tay”, Huân khẳng định.
Lần theo các đầu mối, chúng tôi liên lạc với bà Bùi Thị B. là một nạn nhân của mô hình này. Bà B. cho biết nghe theo giới thiệu, bà đầu tư vào AT Cap…, cứ bỏ vào 1 E thì AT Cap… bỏ ra 4 E cho lãi trước và trả lãi hàng ngày nhưng mỗi ngày chỉ 0,001 hoặc 0,002 E, cho đến khi hết 5E nói trên.
“Thế nhưng, việc “nhỏ giọt” này khiến cho số tiền tưởng “ngon ăn” trở nên quá bèo bọt, mệt mỏi. Đấy là chưa kể, AT Cap… còn yêu cầu nhà đầu tư phải phát triển được “tuyến dưới”, nghĩa là gọi thêm các nhà đầu tư khác thì mới được trả lãi. Lúc này, bà B muốn rút tiền nhưng hoàn toàn bị kẹt, vì khi tham gia, tất cả chỉ nói miệng, không có hợp đồng, không có cam kết.
Cũng mang danh nghĩa đầu tư trên cơ sở phát triển của đồng tiền tương lai – đồng tiền kỹ thuật số, khi tiếp cận với dự án đầu tư tài chính Emas Fint…, chúng tôi được giới thiệu đây là mô hình giao dịch duy nhất trên thế giới, là dự án tiền ảo kết hợp với tiền tệ, kiếm lợi nhuận bằng cách giao dịch giữa các cặp tiền ảo – hình thức giống như giao dịch các cặp ngoại tệ trên sàn Forex, lợi nhuận 1-3% với mỗi giao dịch và 15-30% mỗi tháng.
Tùy thuộc vào số tiền nhiều hay ít nhà đầu tư tham gia theo các gói mà được hưởng 50, 60, hay 70% lợi nhuận giao dịch. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hưởng 2-3 loại lợi nhuận và hoa hồng chia sẻ khác từ hệ thống… Thế nhưng, tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết hàng trăm nhà đầu tư đang “khóc ròng” vì bị Emas Fint… lừa đảo.
Hay một hình thức đầu tư khác là sàn thương mại điện tử tràn tầng Vite… Theo giới thiệu đây là mạng xã hội giống như Facebook, Twitter, Instagram… Tuy nhiên, khác với các mạng xã hội khác (toàn bộ nguồn tiền thu được từ quảng cáo đều mang về cho các ông chủ), Vita… là mạng xã hội phân quyền, 90% lợi nhuận được chia sẻ cho người tham gia, công ty chỉ lấy 10% thu nhập từ quảng cáo. Người tham gia muốn có thu nhập thì phải đóng tiền mua các gói like tham gia các cây ma trận, sau đó kêu gọi những người khác tham gia theo tầng. Khi các tầng tràn đầy thì người chơi được hưởng hoa hồng.
Tiếp cận với một người bạn có em trong nhóm sáng lập web đầu tư, chúng tôi được giới thiệu với nickname Jesse Nguyen. Trên trang cá nhân của người này, bên cạnh những hình ảnh checkin sang chảnh của cá nhân, là những statut quảng cáo về hình thức đầu tư tiền ảo siêu lợi nhuận, với những lời có cánh và lợi nhuận mê hoặc lòng người. Được biết, chỉ mới 2 tháng “ăn không ngồi rồi”, lên Facebook “chém gió”, Nguyen đã lên đời với hàng hiệu phủ khắp người và mua được chiếc xe hơi giá trị 3 tỷ đồng.
MyAladdinz ứng dụng tiêu dùng hoàn tiền lên tới 80% được lực lượng Công an cảnh báo có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo.
“Tiền kêu gọi được của nhà đầu tư, nhóm Nguyen chia nhau tiêu xài xả láng. Tôi đã nhiều lần khuyên can, sợ em vi phạm pháp luật dính vào vòng lao lý nhưng Nguyen vẫn bỏ ngoài tai. Điều tôi không hiểu là tại sao lại có nhiều người nhẹ dạ tham gia vào web để nộp tiền một cách ngờ nghệch như thế. Rõ ràng tiền thu về không hề được đầu tư kinh doanh mà biến thành quần áo, xe cộ, nhà cửa, thì sớm muộn gì nó cũng sập, lúc đó, chỉ có nhà đầu tư là mất trắng”, người chị họ chia sẻ.
Đừng để lòng tham làm mờ mắt
Số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết tại Việt Nam, người sử dụng tiền ảo ngày càng phát triển, được giao dịch công khai, ước có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch “tiền ảo” với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hàng ngày giữa tiền ảo và tiền VNĐ vào khoảng từ 70-100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300-400 tỷ đồng/ngày.
Theo trang web “www.coin.dance”, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.615 tỷ đồng/tuần, thời kỳ cao điểm khoảng 4.600 tỷ đồng (vào tháng 1-2018). Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex… Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Viber, Facebook…).
“Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng “tiền ảo”. Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo…) và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VNĐ như trước đây.
Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay như: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; Chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; Mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.
Theo đó, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để tạo lòng tin cho nhà đầu tư tham gia như tổ chức các sự kiện hoành tráng, các diễn giả tham gia là những người giàu có, doanh nhân nổi tiếng, các nhân vật có địa vị trong xã hội (các cán bộ từng đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước…); các diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng (vụ việc IFan lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng đã sử dụng hình ảnh của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư…).
Thứ hai là tạo ra nguồn thu nhập thụ động lớn suốt đời với chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhà đầu tư chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại là có thể kiếm được hàng trăm triệu một tháng mà không phải làm gì nên đã thu hút được hàng triệu người tham gia. Thứ ba là sử dụng không gian mạng để quảng cáo, quảng bá sản phẩm trên các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều thành viên tham gia nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Thứ tư là đưa ra một số giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc các giấy chứng nhận của nước ngoài để tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tính hợp pháp của dự án đầu tư.
Thứ năm là có sự cấu kết giữa các đối tượng người nước ngoài và Việt Nam trong tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để gây dựng lòng tin, đánh vào tâm lý sính ngoại của người tham gia để thu hút tiền nộp vào. Vòng đời của một sản phẩm các đối tượng lập ra rất ngắn (khoảng vài tháng) đến khi lôi kéo được số người tham gia lớn với số tiền lớn hoặc khi mất khả năng thanh toán, chi trả cho nhà đầu tư các đối tượng đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.
Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo, đã tiến hành xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
“Tuy nhiên, thực tế hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về “tiền ảo”, “tiền ảo” không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.