“Bắt mạch” tỷ giá USD/VND cuối năm 2020

Trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ giá USD/VND trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do tương đối ổn định. Vậy tỷ giá cuối năm nay sẽ thế nào?

Tỷ giá USD/VND sau khi biến động mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3/2020 đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý 2 và quý 3. Tính đến ngày 30/9, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và chợ đen lần lượt tăng 0,1%  và 0,3% so với cuối năm ngoái, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,3%. Nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong 9 tháng đầu năm nay.

Nguyên nhân chính giúp tỷ giá USD/VND ổn định trong quý 2 và quý 3 là nhờ xu hướng giảm giá rõ rệt của đồng USD trên thị trường quốc tế. Cụ thể, sau khi tăng vọt hơn 8% trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 20/3, chỉ số USD index hiện đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua do các chính sách nới lỏng tiền tệ của FED và các gói hỗ trợ tài khóa của Mỹ.

Ngoài ra, việc NHNN tích cực mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối trong vòng gần 1 năm qua cũng đã phần nào chặn đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và giúp đồng VND giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu, đặc biệt là với các đồng tiền như CNY, EUR, JPY…

Biểu đồ diễn biến tỷ giá USD/VND.

Theo KBSV, nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong quý 4/2020, khi hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và vốn FDI giải ngân vẫn tương đối tốt. Trong khi đó, lượng kiều hối thường tăng mạnh giai đoạn cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trước Tết Nguyên Đán.

Việc FED khẳng định vẫn duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ ít nhất cho đến 2021 và chính sách tài khóa mở rộng của Mỹ có thể sẽ khiến USD tiếp tục nghiêng về xu hướng giảm trong quý 4/2020. Tuy nhiên, diễn biến của đồng USD sẽ khó lường trong giai đoạn bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Tuy nhiên, Bộ Thương Mại Mỹ đã chính thức điều tra thương mại theo Mục 301, Đạo luật Thương Mại 1974 về việc nhập khẩu, sử dụng gỗ khai thác và hành vi của Việt Nam trong việc định giá thấp VND tác động tiêu cực đến thương mại của Mỹ. Trước đó, trong cuộc điều tra chống trợ cấp lốp xe ô tô hạng nhẹ của Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ xác định rằng Việt Nam đã cố tình định giá thấp VND bằng 4,7% so với USD vào năm 2019 để đạt được lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Theo KBSV, hai điều này là yếu tố bất lợi và là cảnh báo sớm rằng Mỹ có thể coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ .

Tiêu chí của Mỹ về đánh giá thao túng tiền tệ năm 2019 và 2020.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc Mỹ gán cho Việt Nam là nước thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá tháng 10/2020 là rất khó xảy ra vì:

Thứ nhất, Việt Nam đã rất nỗ lực giảm thặng dư thương mại với Mỹ trong thời gian gần đây.

Thứ hai, Chính sách tăng cường dự trữ ngoại tệ của NHNN Việt Nam là cần thiết do dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng 7 chỉ ở mức 86 tỷ USD, tương đương với 4,3 tháng về giá trị nhập khẩu (chỉ cao hơn không đáng kể so với mức tối thiểu 3 tháng mà IMF khuyến nghị và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực là 10,9 tháng).

Thứ ba, thời gian điều tra theo Mục 301, Đạo luật thương mại Mỹ thường sẽ kéo dài hơn 6 tháng (tương tự như trường hợp Trung Quốc vào năm 2017-2018), trong đó sẽ có một buổi điều trần để Việt Nam có thể tận dụng nhằm tránh cáo buộc trên.

Qua những biến động trên, KBSV cho rằng, kịch bản tỷ giá USD/VND cuối năm 2020 sẽ đi ngang nhờ nguồn cung USD dồi dào và xu hướng giảm giá của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin