Không đấu giá ‘băng tần vàng’, Vietnamobile có rời cuộc đua

Vietnamobile cho hay đã không tham gia đấu giá băng tần B1 (2500 MHz – 2600 MHz), cho dù nhà mạng này đủ điều kiện tham gia đấu giá.

22171791 10207842978031395 19900

Điểm bán hàng Vietnammobile. Ảnh: Ngô Minh.

Chiều ngày 8/3, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần B1 (2500 MHz – 2600 MHz). Đây là băng tần được các nhà mạng đánh giá là “băng tần vàng” cho 5G bởi nó có độ phủ rộng và đầu tư ít hơn các băng tần 5G còn lại. Vì vậy, B1 được nhiều nhà mạng quan tâm nhất và mong muốn có được. Không nằm ngoài dự báo, Viettel đã là doanh nghiệp trả giá cao nhất để có được băng tần này.

“Khát” băng tần nhưng không đấu giá

Thế nhưng, điều bất ngờ là Vietnamobile không tham gia đấu giá băng tần B1. “Hai lần đấu giá tới vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo về vấn đề này”, đại diện Vietnamobile nói. Đến hiện tại, Vietnamobile vẫn khá im ắng trước cuộc đấu giá, không có tuyên bố mạnh mẽ như các nhà mạng lớn.

Vietnammobile dau gia 5G anh 1

Vietnamobile không tham gia đấu giá buổi chiều ngày 8/3. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Hiện Vietnamobile là nhà mạng có thị phần đứng thứ 4 tại Việt Nam và đứng trên mạng di động Gtel Mobile. Vietnamobile là nhà mạng do tập đoàn Hutchison đầu tư. Thời gian đầu cung cấp dịch vụ, nhà mạng này sử dụng công nghệ CDMA nhưng sau đó đã phải chuyển sang công nghệ GSM.

Vietnamobile đã từng liên kết thi tuyển giấy phép băng tần 3G với EVN Telecom. Sau khi EVN Telecom “chuyển khẩu” sang Viettel thì Vietnamobile nhận được một nửa băng tần 3G. Thời điểm đó, Vietnamobile cũng đã lên tiếng về việc khó khăn do thiếu băng tần để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đến khi các nhà mạng triển khai 4G thì Vietnamobile cũng không đủ băng tần vì chỉ là tận dụng băng tần cũ để cung cấp dịch vụ.

Vì vậy, lần đấu giá băng tần 5G vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nhà mạng này có đủ băng tần cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nếu so với các nhà mạng như Viettel, VNPT, MobiFone thì Vietnamobile là nhà mạng “khát” băng tần B1 (2500 MHz – 2600 MHz) nhất, bởi băng tần này có thể sử dụng cho cả công nghệ 4G và 5G. 5G có thể vẫn là câu chuyện trong tương lai gần, nhưng 4G là câu chuyện “sinh tử” trước mắt của các nhà mạng, đặc biệt là Vietnamobile, để có thể bước tiếp trên thị trường di động Việt Nam.

“Liệu cơm gắp mắm” hay rời cuộc đua?

Bộ TT&TT đã đem băng tần B1 (2500 MHz – 2600 MHz) – được cho là tốt nhất – ra đấu giá lần đầu có giá khởi điểm gần 4.000 tỷ đồng với thời hạn 15 năm sử dụng. Khác với thi tuyển để lấy tần số như trước đây, lần này các nhà mạng phải bỏ tiền ra để đấu giá.

Vietnamobile chưa lên tiếng chính thức về lý do vắng mặt tại phiên đấu giá “băng tần vàng” cho 5G. Tuy nhiên, nhiều người đồn đoán rằng sức mạnh tài chính có thể là nguyên nhân khiến Vietnamobile không chạy đua được với các nhà mạng lớn khi phải “liệu cơm gắp mắm”.

Vietnammobile dau gia 5G anh 2

Cấp phép sử dụng khối băng tần 2500 MHz -2600 MHz có thời hạn 15 năm. Ảnh: TH.

Dù vắng mặt tại phiên đấu giá “băng tần vàng” cho 5G, nhưng Vietnamobile có thể sẽ tham gia 2 phiên đấu giá tiếp theo để có tần số cho 5G. “Gã nhà giàu” Hutchison có chịu móc hầu bao cho cuộc phiêu lưu 5G của Vietnamobile hay không vẫn còn là một ẩn số.

Thời điểm “gã nhà giàu” Hutchison vào Việt Nam, thị trường di động vẫn còn màu mỡ. Nhưng kiểu đầu tư nhỏ giọt cho hạ tầng đã đẩy Vietnamobile luôn ở thế khó, cho dù bộ máy quản lý và điều hành của nhà mạng này có nhiều điểm vượt trội bộ máy của các nhà mạng thuộc sở hữu Nhà nước. Quản trị tốt và nhiều chương trình marketing khá ấn tượng, nhưng điều đó là không đủ để bù đắp cho những hạn chế về hạ tầng.

Giờ đây, thị trường di động truyền thống đã bão hòa, cơ hội kiếm tiền từ 5G không dễ và “sáng” như ở thời 2G. Rất có thể, những khoản đầu tư ra nhưng chưa có dòng tiền về đã khiến “gã nhà giàu” Hutchison chùn tay, không chi tiếp cho 5G. Trong khi đó, việc đầu tư cho 5G được các nhà mạng ví von “đầu tư chưa chắc đã thành công nhưng không đầu tư thì chết”.

Ở thời điểm hiện tại, Vietnamobile có quá nhiều khó khăn, không đủ tần số để cung cấp dịch vụ, vùng phủ sóng hạn chế, nhiều thuê bao rời sang mạng khác… Vì vậy, thị phần của nhà mạng này cứ mai một dần. Khách hàng không thể lựa chọn và trung thành với một mạng di động mà không thể cung cấp cho họ dịch vụ băng rộng tốc độ cao. Đã từ lâu, Vietnamobile âm thầm chịu đựng như thế, nhưng “gã nhà giàu” Hutchison lại không có bất cứ động thái gì. Điều này có lẽ cũng là nỗi khổ tâm của những người vận hành Vietnamobile khi phải ở thế “sống lay lắt”.

Câu hỏi được đặt ra ở thời điểm này là kịch bản nào cho Vietnamobile? “Gã nhà giàu” Hutchison có “bơm” tiếp hàng tỷ USD cho cuộc chơi 5G để trở thành nhà mạng có hạ tầng rộng lớn hay không? Câu trả lời có lẽ là “Không”.

Nhiều người tin rằng cuộc đua đấu giá 5G sẽ chỉ còn là cuộc chơi của những nhà mạng lớn. Không có 5G cũng có nghĩa là cơ hội đang khép lại với Vietnamobile. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường di động đâu đó sẽ quay về con số 3 “thần thánh”. Tại Việt Nam, nhiều người cũng tin vào kịch bản đó, song có điều nó xảy ra vào lúc nào mà thôi.

Nhà mạng đầu tiên sở hữu ‘băng tần vàng’ cho 5G

Viettel đã giành chiến thắng trong phiên đấu giá ngày 8/3 để nhận về băng tần B1 (2.500 MHz – 2.600 MHz), được nhận định là “băng tần vàng” cho mạng 5G.

Đấu giá băng tần 5G tại VN, giá gần 4.000 tỷ đồng

Ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz.

Nhà mạng không tham gia đấu giá tần số 4G, 5G

Hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá băng tần 4G, 5G, nhưng không có nhà mạng nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin