Tham gia đóng các phim ngắn về viện dưỡng lão trên mạng xã hội, những ông cụ, bà lão U70, 80 trở thành hiện tượng mạng, được cư dân mạng Trung Quốc yêu thích.
Loạt video thu hút hàng triệu người xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Ding Rui. |
Sau vài chục năm nghỉ hưu, nhà giáo Yu Youfang (90 tuổi) lại tiếp tục sự nghiệp “gõ đầu trẻ” của mình. Nhưng lần này, lớp học của bà lại được tổ chức tại một canteen viện dưỡng lão ở miền bắc Trung Quốc. Các buổi học của bà nghiêng về hài kịch hơn là hóa học.
Với độ tuổi trung bình là 75, những “học trò” tinh nghịch của bà đang dò dẫm thực hiện các cuộc thí nghiệm hóa học, gây ra phản ứng nổ, giải phóng khí độc. Mỗi khi kết thúc lớp học, lại có thêm một học sinh được khiêng cáng đến bệnh viện hoặc báo tin “đã lên thiên đường”.
Thật ra, mớ hỗn độn này đều đã được lên kịch bản từ trước.
Nội dung độc lạ dành cho người cao tuổi
Nhà giáo Yu và lớp học là một phần của loạt phim ngắn có tựa đề “Hài kịch tại viện dưỡng lão” trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc. Với hơn 200 video, loạt phim giới thiệu cuộc sống của người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Jingya ở thành phố Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc, thu hút hàng triệu người xem trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nói với Sixth Tone, viện trưởng Jingya Chen Yuan (53 tuổi) cho biết loạt video ban đầu chỉ đơn thuần là một hoạt động vui vẻ, mang tính tự nguyện dành cho người già. Đây cũng là một cách để quảng bá viện dưỡng lão trong khi xã hội mang nhiều định kiến về các cơ sở chăm sóc người lớn tuổi như vậy.
Tài khoản Douyin của loạt video “Phim hài tại viện dưỡng lão”. Ảnh: Douyin. |
“Việc gửi người già vào viện dưỡng lão từng bị coi là thiếu tôn trọng. Nhưng tôi muốn thay đổi nhận thức này. Viện dưỡng lão không đáng sợ như mọi người nghĩ. Ngày nay, người già có thể sống đủ đầy và vui vẻ tại các viện dưỡng lão”, Chen Yuan nói.
Trên Douyin, Jingya chỉ là một trong hơn 1.000 tài khoản làm nội dung về cuộc sống ở các viện dưỡng lão. Mỗi tài khoản đều muốn định hình lại nhận thức về chăm sóc người cao tuổi khi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng.
Theo báo cáo chính phủ, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ 9,4% (năm 2012) lên 14,9% (năm 2022). Sự gia tăng này khiến chính phủ ưu tiên phát triển “nền kinh tế tóc bạc”, nhằm tăng cường nguồn cung sản phẩm và dịch vụ cho người già. sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ có 3% người cao tuổi chọn cư trú tại các viện dưỡng lão. Một phần là do sự kỳ thị của xã hội kéo dài suốt bao năm.
Viện trưởng Chen tin rằng các nền tảng video ngắn như Douyin rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa viện dưỡng lão và thế giới bên ngoài. Ông giải thích: “Các video ngắn giúp mọi người ở thế giới bên ngoài có thể xem các viện dưỡng lão trông như thế nào”, ông nói.
Những người già “không sợ chết, nhưng sợ bị lãng quên”
Theo Sixth Tone, các video của Viện Jingya đã thu hút hàng triệu người xem bằng những biểu cảm đáng yêu và những tình huống hài hước của người lớn tuổi. Sau đó, chính loạt phim về lớp học hóa học đã giúp họ vụt lên thành hiện tượng trên mạng.
Pha trộn sự hài hước với các chủ đề nghiêm túc hơn như sự sống và cái chết, những video này gây được tiếng vang lớn với khán giả trẻ Trung Quốc, truyền cảm hứng để họ có cái nhìn nhẹ nhàng về cái chết.
“Trong văn hóa Trung Quốc, nói về cái chết thường là điều cấm kỵ đối với người già. Tuy nhiên, các ông bà lão ở Jingya xử lý chủ đề này một cách hài hước và sáng tạo. Họ thực sự trở thành hình mẫu cho mọi người”, một bình luận viết.
Theo Feng Yang – đạo diễn của đoàn phim, cứ mỗi 1-2 ngày, Jingya lại chia sẻ nội dung mới trên Douyin. Trung bình mỗi video thường thu hút hơn 5.000 lượt thích. Nguồn cảm hứng của họ thường đến từ các chủ đề và meme nổi tiếng trên mạng xã hội và các thông điệp, trích dẫn trong sách.
Feng Yan (áo xám) thảo luận về kịch bản với cư dân Viện dưỡng lão Jingya. Ảnh: Ding Rui. |
Quy trình quay các loạt phim ngắn khá nhanh nhưng vẫn chuẩn bị rất kỹ càng. Đoàn làm phim thường mất khoảng một giờ để hoàn thành một video dài dưới một phút, từ khâu quay phim đến dựng. Nhưng khó khăn lớn nhất là các diễn viên khó ghi nhớ đầy đủ lời thoại nên mỗi video phải quay theo từng câu thoại một.
“Người lớn tuổi rất coi trọng việc quay phim. Ví dụ, khi ông nội Xu (một cụ già 87 tuổi ở viện) lên hình, đôi khi ông sẽ nói ‘Ồ, tôi quên thoại mất rồi, làm lại nhé'”, Feng kể lại. Nhưng điểm tốt là quá trình này giúp các cụ già rèn luyện trí nhớ.
Nhiệt tình là vậy, nhưng hầu hết người cao tuổi ở đây không dùng smartphone và có phần tách rời khỏi thế giới video ngắn ở Trung Quốc – một lĩnh vực đã vượt quá một tỷ người dùng. “Lúc mới bắt đầu, chúng tôi còn không hiểu khái niệm quay một video ngắn là thế nào. Chúng tôi chỉ làm điều đó cho vui”, một cụ già tên Wang Mingxun (80 tuổi) nói với Sixth Tone.
Một cư dân khác sống ở viện tên Wang Li cho rằng khi người cao tuổi dần tách rời xã hội, tầm nhìn của họ đột nhiên trở nên hạn hẹp hơn do ít tham gia vào các hoạt động xã hội. “Nhưng quay video cùng nhau, ít nhất chúng tôi có thể học hỏi và mở rộng tầm nhìn của mình một chút”, ông nói.
Một bức ảnh ghép về cụ ông trong viện dưỡng lão với nhân vật hoạt hình. Ảnh: Douyin. |
Nhưng đối với Jingya, sự phổ biến trên mạng xã hội cũng gây ra không ít thiệt hại. Thay vì thu hút nhiều cư dân mới, các “ngôi sao Douyin” hàng đầu của viện – những “sinh viên” đóng vai chính trong bộ phim ngắn – đã rời đi vào tháng trước.
Hồi tháng 4, cả 4 người đều bị lôi kéo đến một viện dưỡng lão lớn hơn ở Thiên Tân, nơi họ có thể đóng vai chính và tạo video Douyin của riêng mình. Điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi do sức ảnh hưởng của mạng xã hội.
Nhưng Feng Yang vẫn rất lạc quan. “Trọng tâm chính của chúng tôi là tạo ra một ngôi nhà chung, hơn là làm nổi bật một ai đó. Chúng tôi chỉ làm video cho người già, chứ không biến họ thành ngôi sao”, anh nói.
Nói với Sixth Tone, nhiều người cao tuổi sống ở Viện Jingya nói rằng quay video ngắn đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Ngoài giờ đóng phim, họ vẫn phải đối mặt với câu chuyện lão hóa và bệnh tật.
“Họ không sợ chết, nhưng họ sợ bị lãng quên và bỏ rơi”, Feng nói. Các video ngắn được yêu thích bởi chúng giúp ghi lại cuộc sống của nhóm người lớn tuổi vào những ngày cuối đời.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.