Ôm tiền bỏ trốn, CEO sàn Bitcoin nhận án tù khó tin sau 1 năm đào tẩu ở khu ổ chuột. Đây là trừng phạt thích đáng cho siêu lừa bậc nhất Thổ Nhĩ Kỳ, hay tất cả chỉ là hiểu lầm?
Faruk Fatih Özer đứng trước nhân viên hải quan kiểm tra hộ chiếu ở sân bay Istanbul với đằng sau là hàng dài khách du lịch đang đợi. Bộ dạng của chàng trai 27 tuổi trông thật xộc xệch – áo nhăn nhúm, balo vắt vẻo lệch vai – cứ như một du khách vội vã “một đi không trở lại”.
Hóa ra, anh là nhà sáng lập của công ty giao dịch tiền mã hóa Thodex và cũng là người ôm hơn 500 triệu USD bỏ trốn. Sau khi tẩu thoát trót lọt từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Albania, anh chứng kiến một đám đông phẫn nộ, khủng bố tài khoản mạng xã hội của mình. Khách hàng sàn Thodex không thể lấy lại tiền, cáo buộc anh biển thủ tiền của họ.
Özer đã đăng một bức thư lên website của công ty và các tài khoản xã hội của mình. “Tôi cảm thấy mình phải ra mặt để phản hồi những cáo buộc này”, anh viết. Nhà sáng lập sàn tiền số nói những lời buộc tội là không đúng sự thật. Thodex – với gần nửa triệu nhà đầu tư và khối lượng giao dịch hàng ngày là 500 triệu USD – đã bị tấn công mạng, gây “biến động bất thường trong tài khoản công ty”.
“Sẽ không có nạn nhân nào cả”, anh hứa hẹn.
Tất nhiên, có thể những lời anh ta nói đều chỉ là giả dối. Viễn cảnh xấu nhất là Özer đang thực hiện vụ cướp lớn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Những mảnh ghép còn thiếu trong màn lừa đảo chấn động Thổ Nhĩ Kỳ
Một ngày sau khi Özer đăng bức thư, các đội cảnh sát đã được điều động khắp Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các công tố viên mở một cuộc điều tra. Cơ quan thực thi pháp luật nước này đã bắt giữ 62 người, bao gồm cả nhân viên Thodex ở mọi vị trí, cùng với anh trai và chị gái của Özer, Güven và Serap.
Faruk Fatih Ozer, CEO ôm 2 tỷ USD tiền số bỏ trốn bị bắt tại Albania. Ảnh: NTV. |
Interpol đã đưa ra thông báo đỏ, yêu cầu cơ quan pháp luật trên toàn thế giới tìm kiếm và “tạm thời bắt giữ” Özer trong khi chờ dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không ai biết chính xác Özer ở đâu.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người quay cuồng. Suốt nhiều năm, lĩnh vực tiền mã hóa đã được xây dựng hình ảnh như một cách thoát khỏi sự biến động kinh tế. Bây giờ, nó dường như chỉ là một chiêu thức khác để đánh bay số tiền tiết kiệm cả đời của họ. Nhưng theo Wired, câu chuyện toàn cảnh đã thiếu đi vài mảnh ghép.
Là con út trong gia đình có 3 người con, Faruk Fatih Özer trưởng thành ở thành phố cảng Kocaeli. Tên của anh có nghĩa là “người phân biệt đúng sai” (Faruk).
Khi Özer ra đời, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng suy thoái. Một hệ thống tài chính yếu ớt, tình trạng vay mượn vô trách nhiệm và tham nhũng chính trị đã gây ra lạm phát. Sự biến động của đồng lira đe dọa đến khoản tiết kiệm của toàn bộ người dân ở đây. Rất nhiều người đã chuyển tài sản trong nước sang tiền gửi bằng ngoại tệ. Đến cuối năm, 50% tiền gửi ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ là bằng ngoại tệ. Năm trước đó, con số này chỉ là 1%.
Nhưng Özer có tinh thần kinh doanh ngay từ khi còn nhỏ. “Từ bé, tôi đã muốn kinh doanh riêng, bất kể đó là lĩnh vực gì”, anh nói. Vào cuối năm lớp 11, anh quyết định bỏ học vì nghĩ rằng dù học thêm, mình vẫn không chạm được đến ước mơ đó. Đến năm 2013, BtcTurk, sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ (và được cho là sàn thứ 4 trên thế giới), đang chuẩn bị ra mắt.
Cùng lúc đó, thế hệ người trẻ Özer cũng đang chứng kiến các start-up công nghệ phát triển trên khắp thế giới. Faruk bắt đầu phát hành các trò chơi online. “Tôi bán hầu hết mọi sản phẩm mà mình nghĩ có thể kiếm được lợi nhuận trên Internet. Đây là cách tôi bước chân vào thế giới kinh doanh”, anh nói với Wired.
Khởi nguồn của trò lừa tiền số trị giá 2 tỷ USD
Trở thành người đầu tư sớm vào lĩnh vực công nghệ không phải là điều mà người bình thường nào ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể làm được. Khi đó, Faruk Özer đã nhìn ra một tương lai mới: điều hành một sàn giao dịch tiền điện tử. Các sàn giao dịch khi đó thu tiền của người dùng và đầu tư số tiền đó để lấy hoa hồng. Họ dẫn đường cho những người không có thời gian hoặc kỹ năng đầu tư đến với tiền số.
Trước khi ngừng hoạt động, Thodex từng là một trong những sàn tiền số lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Shutterstock. |
“Nói chuyện với bạn bè, tôi nhận ra những thiếu sót trong lĩnh vực giao dịch tiền điện tử ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trường đã mở cửa cho những người chơi mới”, Özer nói. Không có quy định nào về việc điều hành một sàn giao dịch tiền điện tử.
Vì vậy, ở tuổi 23, Özer đã thành lập sàn Thodex với 40.000 lira (11.000 USD) bằng tiền của chính mình. Sử dụng “cẩm nang” từ Thung lũng Silicon, Özer bắt đầu truyền bá tiền số khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, một số sàn giao dịch khác cũng xuất hiện, nhưng Özer đã mang đến cho lĩnh vực này một diện mạo mới, đồng thời hiện diện khắp nơi.
Anh dán biển quảng cáo, lắp đặt máy ATM Bitcoin đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại một trung tâm mua sắm sang trọng, phát sóng các quảng cáo truyền hình quảng bá Thodex. Điều đó đã thu hút sự chú ý của tầng lớp trung lưu và thượng lưu Thổ Nhĩ Kỳ.
Chẳng bao lâu, Özer đã hòa nhập vào tầng lớp thượng lưu ở đây. Anh có một ghế hội đồng quản trị của các tổ chức như Blockchain Turkey, một tổ chức phi lợi nhuận về tiền mã hóa có uy tín ở Istanbul, cùng với các chủ ngân hàng lớn nhất đất nước. Anh tham dự các cuộc họp riêng với các bộ trưởng cấp cao, xuất hiện thường xuyên trên các kênh tin tức và blog công nghệ.
Có thời điểm, Thodex đã bị hack hàng triệu lira (14 triệu USD), được cho là từ một địa chỉ IP ở Trung Quốc. Özer cho biết anh đã tự bỏ tiền túi bồi thường thiệt hại cho khách hàng và báo cáo hành vi trộm cắp cho đơn vị tội phạm mạng của Công tố viên Istanbul.
Khi nỗi thất vọng chế độ chính trị biến thành sự ngạo mạn
Giống với các CEO khác, Özer muốn khách hàng chi tiền cho sản phẩm của mình dễ dàng nhất có thể. Anh đã thành lập Học viện Thodex, nơi cung cấp hướng dẫn giới thiệu về tiền điện tử cho các nhà đầu tư mới.
Họ đưa ra mức hoa hồng rẻ đáng kinh ngạc, đến mức các chuyên gia trong ngành không biết làm thế nào Thodex có thể kiếm được lợi nhuận. Công ty cũng cho phép mọi người mua tiền điện tử qua thẻ tín dụng. Özer cũng có ý định đưa Thodex ra toàn cầu.
Là CEO sàn Thodex, Özer (ngoài cùng bên phải) đã hòa nhập vào tầng lớp thượng lưu, gặp gỡ chính khách Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Faruk Fatih Özer. |
Song, tháng 4/ 2021, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố lệnh cấm sử dụng tiền điện tử để mua hàng hoặc dịch vụ. Điều này đã gây ra một cơn chấn động trên thị trường tiền điện tử toàn cầu. Toàn bộ đế chế của Özer bị đe dọa. Sụp đổ chỉ là chuyện tất yếu.
Ngày 22/4/2021, nhiều người dùng Thodex bất ngờ khi không thể truy cập sàn giao dịch này. Trên website chính thức, Thodex thông báo dừng mọi giao dịch. Vài ngày sau, Özer biến mất. Theo báo Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ, thiệt hại của những người chơi sàn này có thể lên đến 2 tỷ USD. Một luật sư bảo vệ người bị hại cho rằng món tiền đầu tư của hơn 390.000 người chơi trên sàn gần như không thể lấy lại.
Mãi đến một đêm cuối tháng 8/2022, vài ngày trước khi các bị cáo liên quan đến Thodex ở Istanbul nhận án, Özer bị bắt. Tại đồn cảnh sát ở Tirana, Özer nói với cảnh sát rằng anh ta đã “trốn trên đường phố của các khu ổ chuột” và đi lại bằng xe buýt.
Trong gần một năm, Özer ngồi tù ở Albania, kháng cáo lệnh dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. “Nếu tôi bị dẫn độ, tôi không có cơ hội được xét xử công bằng”, anh nói với Wired. Anh gọi phiên tòa này là “một tấn bi kịch”. Kháng cáo của anh đã không thành công.
Tháng 6/2023, anh đến Tòa Thượng thẩm Istanbul. Người sáng lập công nghệ nổi tiếng một thời giờ đây đang nhìn chằm chằm vào một bản án tù có thể mang lại 43.000 năm đầy khó tin. Đứng trước tòa, các thẩm phán cho phép Özer kể câu chuyện của mình. Chớp lấy cơ hội, anh đã tạo ra một bài thuyết trình Powerpoint đầy hình ảnh và đồ họa dài 60 trang.
CEO sàn tiền số nhận án tù hơn 11.000 năm. Ảnh: NTV. |
“Tôi không lừa gạt ai, tôi không buôn lậu tiền ra nước ngoài, tôi không thành lập hay quản lý tổ chức tội phạm”, anh nói với tất cả sự thất vọng và chân thành. Khi đề cập đến việc sử dụng tài khoản của người khác để giao dịch tiền điện tử – tâm điểm của vụ lừa đảo – anh nhấn mạnh rằng mình không có thẩm quyền trong công ty và không có quyền truy cập vào các tài khoản này.
“Không có tình trạng vô luật pháp hay bất thường nào cả. Hơn nữa, tôi không phải là người đầu tiên, người cuối cùng hay người duy nhất kinh doanh bằng chênh lệch giá trên thị trường tiền điện tử”, anh khẳng định.
Gần cuối bài phát biểu, nỗi thất vọng của Özer chuyển thành sự cay đắng và ngạo mạn. Anh ta đối mặt với các thẩm phán và nói rằng “thật vô lý khi nghĩ rằng mức IQ của một người lên kế hoạch trốn thoát ngu ngốc” lại ngang bằng với một kẻ chủ mưu tội phạm, đánh lừa các cơ quan quản lý tài chính Thổ Nhĩ Kỳ suốt 4 năm. “Tôi đủ thông minh để lãnh đạo bất kỳ tổ chức nào trên Trái đất”, Özer nói.
Cuối cùng, chánh ánh tuyên Özer và đồng phạm mức án như nhau – 11.196 năm tù – vì tội thành lập và quản lý một tổ chức tội phạm và rửa tài sản. Đây là bản án dài nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Faruk Fatih Özer trở thành biểu tượng của tội phạm tiền điện tử, nhưng đồng thời cũng là một sản phẩm không may của các chính sách kinh tế sai lầm. Hình phạt nghiêm khắc không chỉ là để trừng phạt cho một tội phạm, mà còn vì soi sáng những thất bại đầy xấu hổ của Thổ Nhĩ Kỳ suốt nhiều thập kỷ, Wired kết luận.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.