Đủ công cụ và điều kiện để bình ổn thị trường

Một trong những yếu tố tích cực hỗ trợ quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN trong lần vừa rồi được nhận định chính là tỷ giá ổn định. Vì sao tỷ giá giữ được ổn định trước những tác động từ diễn biến kinh tế thế giới không thuận lợi?; trong thời gian tới, đâu là yếu tố thuận lợi tiếp tục hỗ trợ ổn định tỷ giá?

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm thị trường quốc tế chứng kiến nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, quá trình Brexit, Fed hạ lãi suất, kéo theo đó là biến động mạnh của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Có thể kể tới việc đồng Nhân dân tệ (CNY) xuyên thủng ngưỡng tâm lý 7,0 đã gây bất ngờ với giới đầu tư, hay việc đồng Euro liên tục giảm sâu về gần mốc 1,10. Trong khu vực châu Á, việc đồng bạc xanh mạnh lên đồng nghĩa với việc một loạt ngoại tệ khác mất giá, như KRW (-6%), CNY (-3.6%), INR (-2%),…

Tuy nhiên, bất chấp những biến động bất thường của thị trường toàn cầu, VND vẫn ổn định so với USD. Tính chung từ đầu năm 2019 tới nay, cặp tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng dường như được neo ở gần mức 23.200 đồng/USD, tương đương với mức giá mua ngoại tệ của NHNN. Việc VND hầu như không mất giá so với USD thời gian qua được đánh giá là khác biệt so với những năm trước, khi tỷ giá chịu nhiều rủi ro từ biến động các ngoại tệ khác, đặc biệt là nhân dân tệ.

Như ông nói thì VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi trong khu vực và cả trên thế giới ổn định so với USD. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?

Đúng là như vậy, nhìn chung từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND trong nước được duy trì ổn định, đặc biệt từ quý II trở lại đây, tỷ giá chỉ dao động trong biên độ hẹp. Nếu tính từ đầu năm tới trung tuần tháng 9, thì VND hầu như không mất giá so với đồng USD, cho thấy sự ổn định của thị trường ngoại hối trong nước.

Có được điều đó một phần cũng nhờ bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2019 vẫn có nhiều khởi sắc, bất chấp nhiều yếu tố mang khuynh hướng bất lợi bên ngoài. GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,76%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đáng chú ý, đến giữa hết tháng 8, cán cân thương mại thặng dư tới 5,38 tỷ USD, trong khi giải ngân vốn FDI ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước…

Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá trung tâm cũng đã tạo điều kiện cho NHNN có dư địa chủ động điều chỉnh linh hoạt hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động mạnh. Qua đó, việc tăng – giảm giá USD mua vào, bán ra được NHNN điều chỉnh theo tín hiệu thị trường và diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế. Thông qua đó, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua linh hoạt và ổn định.

Không những vậy, NHNN đã có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với thực trạng diễn biến cung – cầu ngoại tệ trên thị trường. Trên thị trường tiền tệ, nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối được cải thiện nhiều cũng như thông qua các kênh điều hành khác qua lãi suất, NHNN có đủ công cụ và điều kiện để bình ổn thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế.

Theo ông, trong thời gian tới, đâu là thuận lợi và thách thức trong điều hành tỷ giá?

Kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì đà tăng trưởng tốt cùng với đồng tiền nội tệ ổn định tiếp tục là điều kiện thuận lợi để NHNN chủ động trong quá trình điều hành chính sách, ổn định thị trường. NHNN đã rất thành công trong thời gian qua trong việc giữ ổn định tỷ giá thông qua chính sách điều hành linh hoạt, chủ động. Vì vậy, chúng ta có thể lạc quan về việc tỷ giá được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, tỷ giá trong nước vẫn đứng trước những áp lực nhất định cả trong và ngoài nước khi những diễn biến về cuộc chiến thương mại chưa cho thấy dấu hiệu kết thúc. Những tháng  cuối năm thông thường  nhu cầu ngoại tệ  tăng cao theo yếu tố mùa vụ. Với việc tỷ giá các nước trong khu vực, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá mạnh so với đồng USD cũng là yếu tố gây áp lực với tỷ giá trong nước, khi Trung Quốc là đối tác nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin