Tỷ giá và lãi suất từ đầu năm tới nay biến động khá bất ngờ, trong đó tỷ giá đến đầu tháng 7 rơi xuống mức thấp hơn cả cuối năm 2018 trong khi lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có xu hướng tăng còn lãi suất cho vay thì vẫn “án binh bất động” suốt 3 năm qua ở mức phổ biến 6-9%/năm ngắn hạn và 9 – 11%/năm cho vay trung dài hạn.
Vậy xu hướng tỷ giá và lãi suất 6 tháng còn lại của năm 2019 sẽ biến động thế nào?
TS. Bùi Quang Tín – Trường ĐH Ngân hàng Tp.HCM, Giám đốc trường kinh doanh Bizlight: Áp lực với lãi suất huy động không lớn nhưng với tỷ giá thì lớn, lãi suất cho vay giữ ổn định như hiện nay là đã rất thành công
Ở thời điểm hiện nay, áp lực huy động với các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank…là không lớn. Tuy nhiên vài tháng gần đây các ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất các kỳ hạn trung và dài hạn nhằm chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Các ngân hàng nhỏ cũng phải cạnh tranh với ngân hàng lớn để hút vốn nên lựa chọn biện pháp tăng lãi suất.
Trên liên ngân hàng, lãi suất hiện vẫn dưới 4% cho thấy thanh khoản còn dồi dào, ổn định. Xu hướng của các nước về chính sách tiền tệ là đang nới lỏng, thậm chí như ECB còn có ý định giảm lãi suất xuống dưới 0%, Fed cũng sẽ giảm thêm 0,25%…thì áp lực lãi suất từ nay đến cuối năm của Việt Nam theo tôi là không nhiều.
TS. Bùi Quang Tín
Về lãi suất cho vay, lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có lãi suất đầu vào và áp lực tỷ giá, lạm phát…Có khả năng NHNN sẽ hỗ trợ để duy trì mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cho nên lãi suất cho vay cũng có thêm cơ sở để giữ ổn định.
Có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay đã “bất động” suốt 3 năm qua dù cho Nhà nước muốn giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng đó chỉ là mong muốn, còn việc có làm được hay không còn phụ thuộc vào thị trường. Tôi cho rằng việc giữ ổn định thị trường, ổn định tỷ giá và lãi suất giữ vững như vậy đã thành công lắm rồi.
Còn về tỷ giá, hiện nay tỷ giá đang ở mức ngang bằng cuối năm 2018 là nhờ nguồn cung dồi dào. Nhưng trong vài tháng tới thì vẫn chịu áp lực từ các nước trên thế giới, như Fed, ECB và các nước khác (bao gồm cả nhóm nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm của chúng ta) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
Căng thẳng Mỹ Trung cũng không đơn giản, nhiều nước đã chịu áp lực phá giá đồng bản tệ của họ trong năm vừa qua trong khi Việt Nam mới phá giá tiền đồng chưa đến 2,5%. Nếu thời gian tới chúng ta vẫn giữ tỷ giá ổn định hoặc biến động quanh mức 1% thì sẽ không hỗ trợ cho xuất khẩu. Đó là còn chưa kể áp lực tỷ giá còn đến từ bên trong đó là lạm phát do giá dịch vụ y tế, trường học, xăng dầu…tăng theo. Năm nay nếu tỷ giá kiểm soát ở mức 2-3% cũng là một thành công nữa của NHNN.
GS. Trần Thọ Đạt – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Lãi suất khó giảm, sức ép tỷ giá ngày càng tăng
Lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của các biến số kinh tế vĩ mô khác như tỷ giá, lạm phát, cán cân thanh toán, vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước và rõ ràng chúng ta cũng không thể miễn nhiễm với biến động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế (chẳng hạn FED thay đổi lãi suất).
GS.TS. Trần Thọ Đạt
Với khả năng biến động của lạm phát và tỷ giá dự báo như hiện nay, nếu không có những biến động đặc biệt trên thị trường quốc tế thì lãi suất cơ bản sẽ giữ ổn định và khả năng giảm lãi suất là khó xảy ra.
Có một số nguyên nhân khiến lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức hiện tại, thậm chí có thể tăng nhẹ bao gồm: các kênh huy động vốn cạnh tranh khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh với lãi suất không giảm, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục huy động vốn khi dư địa tăng trưởng tín dụng tổng thể từ nay đến cuối năm còn nhiều, đồng thời ngân hàng cần tiếp tục đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kết quả là nhu cầu huy động vốn vay trung và dài hạn sẽ tăng lên.
Lãi suất cho vay cũng sẽ tương đối ổn định ở mức như hiện nay vì các ngân hàng thương mại sẽ phải cân đối giữa nhu cầu vay, đặc biệt là nhu cầu cho vay cá nhân tăng lên với việc đáp ứng và duy trì chuẩn Basel II.
Còn tỷ giá, cùng với độ mở ngày càng tăng của nền kinh tế và những biến động khó lường của thị trường tài chính tiền tệ gần đây, đặc biệt là biến động của USD và CNY và tỷ giá của cặp tiền tệ này, sức ép đến tỷ giá VND sẽ ngày càng tăng. Từ nay đến cuối năm, dự báo là cán cân vãng lai nếu có thâm hụt thì ở mức nhẹ, luồng vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì đà tăng cao, dự trữ ngoại tệ đang khá dồi dào là những đảm bảo cho việc tỷ giá biến động trong phạm vi kiểm soát được. Việc tăng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh hiện nay là điều khó tránh, tuy nhiên cách thức điều hành tỷ giá trung tâm một cách chủ động và linh hoạt, có lên có xuống trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc tạo lập tâm lý ổn định và niềm tin của thị trường.
TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Áp lực huy động vốn trung và dài hạn tiếp tục tăng; tỷ giá biến động 2-3% là mức chấp nhận được
TS. Cấn Văn Lực
Do định hướng chỉ đạo về ổn định mặt bằng lãi suất của Chính phủ và NHNN nên về cơ bản lãi suất được dự báo duy trì ở mức tương đối ổn định, cũng có thời điểm “nhấp nhô sóng” nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới ổn định, đặc biệt trong bối cảnh Fed công bố không tăng lãi suất, thậm chí dự kiến giảm lãi suất 1-2 lần trong năm 2019, cho nên áp lực tăng lãi suất từ bên ngoài khá thấp so với năm ngoái.
Hiện nay về thanh khoản vẫn rất tốt, không có áp lực gì khiến các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên không ít ngân hàng sẽ bị áp lực huy động vốn ở kỳ hạn trung và dài hạn vẫn tiếp tục tăng lên bởi hai lý do. Một là hệ thống đang phải theo lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, và hai là để tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn basel II.
Về tỷ giá, với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, với việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định; tỷ giá USD/VND trong tầm kiểm soát và tăng 2-3% trong năm 2019 là mức chấp nhận được.
Một khuyến nghị với cơ quan quản lý từ nay đến cuối năm đó là cần theo dõi chặt chẽ diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, chính sách tài khóa-tiền tệ của các nước lớn nhằm kiểm soát dòng vốn, có biện pháp cụ thể nhằm cân bằng hơn thương mại với Mỹ; đồng thời, chủ động bám sát, phối hợp để trao đổi với Bộ tài chính Mỹ để có đánh giá khách quan, đúng và tích cực hơn về chính sách tiền tệ-thương mại của Việt Nam (trong kỳ đánh giá kết thúc tháng 9/2019).
TS. Nguyễn Đức Độ – Viện Kinh tế tài chính: Khả năng tăng lãi suất không nhiều, áp lực với tỷ giá đang giảm đi
Biến động của tỷ giá trong thời gian tới sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung ngoại tệ. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn nhiều và tăng trưởng tốt, hỗ trợ cho tỷ giá.
TS. Nguyễn Đức Độ
Bên cạnh đó, cách đây 1 tháng, Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối với các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” và đã đưa ra danh sách 9 quốc gia cần giám sát, trong đó có Việt Nam. Do đó, mọi người cũng sẽ không kỳ vọng là tỷ giá sẽ tăng mạnh, họ sẽ không mua đô la nữa mà bán đi.
Thêm nữa, bản thân NHNN trong thời gian tới sẽ ổn định tỷ giá và không để tỷ giá tăng mạnh. Nếu FED quyết định cắt giảm lãi suất thì áp lực lên tỷ giá càng giảm hơn nữa.
Đối với đường đi của lãi suất, lạm phát hiện nay tương đối thấp, nên áp lực của lạm phát tác động lên lãi suất là không có. Áp lực chủ yếu là nhu cầu vốn trung và dài hạn của các ngân hàng. Các TCTD phải chuẩn bị vốn trung và dài hạn thì phải nâng lãi suất lên một chút. Tuy nhiên, tôi nghĩ khả năng lãi suất tăng không nhiều.
Phía NHNN sẽ phải tìm cách kìm chế vì tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang có dấu hiệu chậm lại. Nếu để lãi suất tăng thì cũng sẽ không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay. Kinh tế có dấu hiệu chậm lại nên cầu tín dụng cũng không lớn, các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán đều đang ở mức “lừng khừng”.