Ông Lee vô tội trước cáo buộc thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán vào năm 2015, theo phán quyết của Tòa án Cấp cao Seoul ngày 5/2.
Phán quyết trắng án xóa bỏ mối đe dọa ngồi tù đã đeo bám ông Lee Jae-yong trong hơn một thập kỷ. Ảnh: AP. |
Công tố viên đã yêu cầu mức án 5 năm tù vào tháng 11/2023. Ông Lee Jae-yong bị nghi ngờ liên quan đến vụ sáp nhập giữa Cheil Industries – hãng thời trang mà Lee nắm nhiều cổ phần nhất – với công ty xây dựng Samsung C&T.
Công tố viên cho rằng các điều khoản sáp nhập, bao gồm giá cổ phiếu của Cheil cao gấp 3 lần Samsung C&T, đã bị thao túng để Lee dễ dàng kiểm soát C&T, sau đó là đế chế Samsung.
Tuy nhiên, vị chủ tịch phủ nhận mọi cáo buộc. Lee Jae-yong khẳng định rằng việc sáp nhập là một phần của “hoạt động kinh doanh bình thường”. Ông và các giám đốc điều hành khác hành động như vậy vì tin rằng việc sáp nhập sẽ mang lại lợi ích cho các cổ đông.
“Tôi chưa bao giờ ưu tiên lợi ích cá nhân của mình trong quá trình sáp nhập Samsung C&T và Cheil Industries”, ông nói.
Phán quyết đầy bất ngờ của tòa án vẫn có thể bị công tố viên kháng cáo. Bloomberg nhận định ông Lee đã giành được chiến thắng quan trọng trước tòa án, đồng thời xóa bỏ mối đe dọa ngồi tù đã đeo bám người thừa kế tập đoàn Samsung trong hơn một thập kỷ.
Trước đó, Lee Jae-yong từng bị kết án vào năm 2017 về tội hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Công tố viên truy tố ông với tội danh hối lộ và tham nhũng cùng bản án 5 năm tù. Đơn kiện cáo buộc vị chủ tịch biển thủ công quỹ 7,4 triệu USD để hối lộ bà Park Geun-hye, đổi lại chính quyền Seoul ủng hộ ông củng cố quyền kiểm soát Samsung.
2 năm tiếp theo là thời điểm vụ án liên tục nhận đơn kháng cáo và tái thẩm của hệ thống tòa án trên cả nước. Khi Tòa án tối cao Seoul giảm án và trả tự do cho Lee Jae-yong vào năm 2018, Tòa án tối cao quốc gia lại ra lệnh xét xử lại vào năm 2019.
Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong tại Tòa án Cấp cao Seoul sáng ngày 5/2. Ảnh: AP. |
Trong khi chờ xét xử lại vào năm 2020, ông Lee lại tiếp tục bị truy tố về tội thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán. Nhưng công tố viên không thể bắt giữ ông vì tòa án từ chối ban hành lệnh bắt giữ.
Trong phiên tái thẩm về tội nhận hối lộ năm 2021, Tòa án cấp cao Seoul đã kết án ông Lee 2,5 tù giam, xác định số tiền hối lộ lên tới 8,6 tỷ won. “Thật đáng tiếc khi Samsung, một công ty hàng đầu đất nước và là nhà đổi mới toàn cầu đáng tự hào, lại liên tục dính líu đến tội ác mỗi khi có sự thay đổi quyền lực chính trị”, tòa án tuyên bố vào thời điểm kết án ông.
Cuối cùng, ông thụ án 18 tháng trong bản án 30 tháng, sau đó ra tù sớm vì nằm trong danh sách 810 người được trả tự do nhân Ngày Quốc khánh của Hàn Quốc. Vào thời điểm được trả tự do vào năm 2021, Lee vẫn bị cấm điều hành Samsung trong 5 năm. Điều đó đã được dỡ bỏ vào năm 2022 khi có lệnh ân xá từ Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Đây cũng là thời điểm Lee Jae-yong chính thức nắm quyền lãnh đạo tập đoàn do ông nội sáng thành lập vào năm 1938. Nguyên nhân ông Lee được ân xá chủ yếu xuất phát từ hy vọng ông có thể dẫn dắt tập đoàn này đóng góp tích cực cho kinh tế Hàn Quốc.
Ngoài ra, việc ông Lee trắng án đã giảm bớt gánh nặng cho Samsung – nhà sản xuất chip nhớ và màn hình lớn nhất thế giới. Hãng vốn đang phải vật lộn với suy thoái toàn cầu và thách thức gay gắt từ Apple trong lĩnh vực smartphone và SK Hynix trong lĩnh vực AI non trẻ.
Phán quyết vô tội được xem là biện pháp khích lệ cho một tập đoàn khổng lồ, đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi tình trạng sụt giảm chip nhớ và smartphone toàn cầu. Tình trạng này đã nhấn chìm những tên tuổi đình đám nhất trong ngành trong hơn một năm qua. Vào tháng 1, Samsung đã công bố lợi nhuận sụt giảm trong quý thứ 4 liên tiếp, cho thấy mức độ suy yếu của hãng cùng với sự sụt giảm nhu cầu và kinh tế vĩ mô.
Lee Kun Hee – Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.