“Không có tấm ảnh nào trên đời là thật”, sếp Samsung giải thích trước chỉ trích về AI trên smartphone tạo ảnh giả, thêm thắt những chi tiết không có thật để đánh lừa người dùng.
Đại diện Samsung đặt câu hỏi liệu khoảnh khắc được ghi lại có thật không nếu người dùng sử dụng tính năng zoom, lấy nét tự động, chỉnh màu… Ảnh: Phương Lâm. |
Làm thế nào để Samsung bảo vệ mình trước tranh cãi rằng camera AI của họ tạo ra những bức ảnh giả mạo, mà điển hình nhất là tấm ảnh zoom Mặt trăng? Câu trả lời của hãng là nói rằng mọi bức ảnh đều chỉ là giả mạo.
Samsung tự tin tính năng chỉnh sửa ảnh bằng AI của họ không hề đi trái đạo đức, thậm chí là cải tiến được mong được và rất cần thiết trong thế giới đầy thông tin sai lệch ngày nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với TechRadar, Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng của Samsung – Patrick Chomet – đã bảo vệ quan điểm của công ty về AI trong nhiếp ảnh.
Đầu tiên, ông nhắc đến tấm ảnh Mặt trăng trên S23 từng gây tranh cãi vì có sự can thiệp lộ liễu của AI. “Mọi người đều phản ứng kiểu: ‘Có phải là giả không?’, ‘Không phải là giả sao?’”. Từ đó, một cuộc tranh luận về việc thế nào là tấm ảnh thực thụ đã nổ ra.
“Trên thực tế, không tấm ảnh nào là ảnh thật cả”, Patrick Chomet khẳng định. Theo vị giám đốc, ngay khi dùng camera để chụp bất cứ thứ gì, người dùng thật ra chỉ đang tái tạo những gì họ thấy. Vậy nên nó chẳng có ý nghĩa gì cả. “Không có hình ảnh thực sự nào được chụp lại”, ông nói.
Tấm ảnh chụp Mặt trăng bằng Galaxy S23 từng gây tranh cãi. Ảnh: MKBHD. |
Đương nhiên, người dùng có thể cố gắng chứng minh đây là bức ảnh thật và nói “Tôi đã chụp bức ảnh đó”. Nhưng nếu đã sử dụng AI để zoom, tự động lấy nét, họ nên tự đặt câu hỏi liệu khoảnh khắc được ghi lại có thật không? Hay là tất cả chỉ là bộ lọc ảnh?
“Tóm lại là, chẳng có ảnh thật gì ở đây cả”, Patrick Chomet nhấn mạnh lần 3.
Tuy vậy, ông thừa nhận các câu hỏi xung quanh tính chân thực của các bức ảnh vẫn rất quan trọng. Samsung nhận ra 2 nhu cầu khác nhau của người dùng.
Một là họ muốn ghi lại khoảnh khắc, chụp một bức ảnh chính xác và đầy đủ nhất có thể. Để làm điều đó, Samsung sử dụng rất nhiều tính năng lọc, sửa đổi và tối ưu hóa AI để xóa bóng, phản chiếu… “Nhưng chúng tôi vẫn làm đúng theo yêu cầu của người dùng: ghi lại khoảnh khắc đó”, Patrick nói.
Trong khi đó, thay vì tái tạo thực tế, một nhu cầu khác là tạo ra những điều mới trong tấm ảnh. Bằng chứng là nhiều người dùng Instagram thêm một loạt bộ lọc màu từ đen trắng đến rực rỡ, thêm sticker, chỉnh sửa chi tiết.
Vì vậy, Generative AI không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Các công cụ AI tạo ra sẽ đẩy nhanh nhu cầu này theo cấp số nhân trong vài năm tới.
Generative Edit là tính năng chỉnh sửa ảnh bằng AI lần đầu xuất hiện trên S24. Ảnh: Phương Lâm. |
Chiến lược của Samsung là mang đến cho người dùng cả 2 thứ mà họ muốn. Vị giám đốc cho rằng cả 2 nhu cầu này đều sử dụng trí tuệ nhân tạo. Nhưng AI của Samsung sẽ khác biệt vì thêm watermark và chỉnh sửa dữ liệu để đảm bảo người người dùng có thể nhận ra sự khác biệt thật – giả.
Cụ thể, Generative Edit trên Galaxy S24 sẽ cho phép người dùng xóa, sắp xếp lại và chỉnh sửa các chi tiết hình ảnh bằng tay nhằm chạm đến sự hoàn hảo. Theo Patrick, công nghệ của Samsung có thể được sử dụng theo nhiều cách, cả tốt và xấu. Về việc Generative Edit sẽ được sử dụng như thế nào trên Galaxy S24, chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Thay vì tiếp tay cho việc giả mạo ảnh hàng loạt, có lẽ tính năng này chỉ đơn giản là giúp người dùng smartphone phổ thông có những bức ảnh họ muốn.
Lee Kun Hee – Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.