Hoạt động khảo sát mặt đất giúp tăng độ chính xác dữ liệu, phục vụ tính năng xem 3D trên các dịch vụ bản đồ.
Xe thu thập dữ liệu cho Apple Maps tại Mỹ. Ảnh: 9to5Mac. |
Ra mắt từ năm 2012, Apple Maps là dịch vụ bản đồ có sẵn trên mọi thiết bị Táo khuyết. Những tính năng cơ bản của ứng dụng gồm thông tin địa điểm, chỉ đường và xem bản đồ 3D tại một số quốc gia.
Trong thời gian đầu, dữ liệu trên Apple Maps phụ thuộc một số đối tác như TomTom hay Yelp. Từ năm 2015, Apple quyết định tự xây dựng cơ sở dữ liệu, trước khi ra mắt Apple Maps phiên bản mới vào 2018.
Một trong các quy trình lập dữ liệu cho Apple Maps gồm chụp ảnh. Để thu thập hình ảnh, Apple sử dụng 2 phương pháp: lấy từ vệ tinh và phương tiện chạy trên mặt đất. Thời gian tới, nhiều xe chụp bản đồ của Apple sẽ được triển khai tại Việt Nam.
Quy trình chụp ảnh trên Apple Maps
Ảnh vệ tinh là một trong những thành phần quan trọng của bản đồ. Theo NNL, Apple mua hình ảnh từ nhiều công ty vệ tinh, sau đó tạo thành bản đồ cơ bản để phủ những dữ liệu khác, ví dụ như tình trạng giao thông, tên địa điểm…
Quá trình lập dữ liệu trên mặt đất phức tạp hơn. Apple sử dụng ôtô hoặc xe máy, gắn những thiết bị đặc biệt như cảm biến LiDAR, camera độ phân giải cao để chụp ảnh và thu thập thông tin khác, bao gồm dữ liệu GPS.
Dữ liệu mặt đất có thể dùng cho nhiều tính năng khác nhau trên Apple Maps. Ảnh: iDownloadBlog. |
Theo Apple, dữ liệu GPS gồm hướng đi của phương tiện, tọa độ và độ cao, hỗ trợ tính năng chỉ đường và phát cảnh báo nếu đường bị cấm hoặc chỉ chạy một chiều.
Cảm biến LiDAR hoạt động bằng cách chiếu các tia laser trên bề mặt rồi đo thời gian phản xạ. Do đó, Apple có thể tạo mô hình 3D chính xác về môi trường xung quanh dựa trên dữ liệu này.
Tiếp theo, các camera sẽ chụp ảnh 2D môi trường xung quanh với độ phân giải cao, ghép lại để tạo ra ảnh 360 độ. Trên Apple Maps, hình ảnh này phục vụ tính năng Look Around hoặc dẫn đường bằng thực tế tăng cường (AR).
Các thông tin như kết cấu tòa nhà, tên đường, tên công ty, biển báo, vạch kẻ làn đường… cũng được ghi nhận chính xác hơn nhờ camera.
Hình ảnh camera và dữ liệu từ cảm biến LiDAR còn phục vụ tính năng Flyover, cho phép người dùng xem tòa nhà, công trình nổi bật từ trên cao trong chế độ 3D. Dù vậy, tính năng này mới hỗ trợ một số thành phố, chủ yếu tại Mỹ và châu Âu.
Xem lịch trình chụp ảnh của Apple
Apple vận hành đội phương tiện để thu thập hình ảnh tại các quốc gia. Năm 2018, Business Insider đưa tin Táo khuyết dùng Subaru Impreza ở Mỹ.
Những chiếc xe này dễ nhận biết bởi có camera và cảm biến nhô lên từ mui, dòng chữ “Apple Maps” được in trên thân.
Lịch trình chạy xe để thu thập dữ liệu bản đồ được cập nhật trên website của Apple. |
Tại một số quốc gia như Malaysia, Apple còn dùng xe máy. Tài xế đeo balo chứa cảm biến trên lưng để thu thập hình ảnh.
Lịch trình thu thập dữ liệu cho Apple Maps được cập nhật trên website của Apple. Người dùng có thể chọn quốc gia để xem khu vực và thời gian chạy phương tiện.
Tại Việt Nam, Apple thu thập dữ liệu tại các tỉnh thành thuộc Đông Nam Bộ từ ngày 16/2-24/7. Những khu vực khác trong cả nước sẽ bắt đầu từ tháng 3, kết thúc trễ nhất vào 24/10.
Ngoài cảm biến lộ ra ngoài, dữ liệu cũng có thể thu thập bằng iPhone, iPad hoặc thiết bị trong xe. Những nơi như phố đi bộ sẽ lập dữ liệu bằng hệ thống di động.
Người đeo balo gắn cảm biến để thu thập dữ liệu cho Apple Maps. Ảnh: MacRumors. |
Apple nhấn mạnh quyền riêng tư khi làm mờ khuôn mặt, biển số xe trong hình ảnh xuất hiện trên Look Around. Phương tiện của hãng cũng tránh chạy vào giờ cao điểm để hạn chế xe cộ, biển số bị chụp lại.
Apple liên tục cập nhật hình ảnh trên bản đồ để đảm bảo dữ liệu luôn chính xác. Một số thay đổi thường xảy ra như tên đường, tòa nhà mới hay điều kiện thời tiết theo mùa. Do đó, tần suất khảo sát dữ liệu có thể khác nhau tùy khu vực.
Đội xe chụp ảnh của Google Maps
Không chỉ Apple Maps, Google Maps cũng triển khai xe chụp ảnh trên mặt đất cho tính năng bản đồ tương tác Street View, ra mắt từ năm 2007.
Công nghệ chụp ảnh trên xe Google được cải thiện theo thời gian. Từ năm 2017, các xe này trang bị 8 camera 20 MP để chụp ảnh tĩnh, bao gồm biển báo và tên công ty gắn với tọa độ GPS.
Xe khảo sát địa hình mặt đất Street View của Google. Ảnh: WETM. |
Bên cạnh đó, xe còn trang bị cảm biến LiDAR để ghi nhận dữ liệu chiều sâu, máy quét laser nhằm đo đạc kích thước và cảm biến đo chất lượng không khí.
Tương tự Apple, các phương tiện thu thập dữ liệu cho Google Maps gồm ôtô, xe máy hoặc xe đẩy, thậm chí là balo đeo trên người đi bộ (Street View Trekker).
Sau khi thu thập, dữ liệu được máy tính xử lý để đưa vào Google Maps. Mặt người và biển số xe được làm mờ để đảm bảo quyền riêng tư. Tại các quốc gia chưa có xe Street View, Google sử dụng ảnh do tình nguyện viên đóng góp.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Sản phẩm AI quan trọng của Apple lộ diệnNhà sản xuất iPhone có kế hoạch ra mắt một công cụ AI với khả năng viết mã trong đầu năm nay, cạnh tranh trực tiếp với GitHub Copilot của Microsoft. |
Sự thật phía sau logo AppleNguồn gốc ra đời logo và tên gọi Apple đơn giản hơn so với các giả thuyết xuất hiện trên Internet. |
Nhà thiết kế lâu năm nhất rời AppleBart Andre, cộng sự thân thiết dưới thời Jony Ive sẽ rời Apple sau hơn 30 năm làm việc. |