Báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 3/6 – 7/6/2019 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, lãi suất ổn định trên cả thị trường 1 và thị trường 2…
Theo đó trong tuần qua, NHNN liên tục bơm ròng 14.349 tỷ đồng thông qua tín phiếu đáo hạn, lượng tín phiếu lưu hành giảm về 70.450 tỷ đồng; kênh OMO không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0. Lãi suất liên ngân hàng nhích tăng từ đầu tuần và gần như đi ngang trong tuần, hiện ở mức 3,15%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,28% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND/USD là 0,7%.
Chuyên gia SSI nhận định, trong bối cảnh áp lực tỷ giá từ diễn biến quốc tế đang gia tăng, việc duy trì ổn định lãi suất liên ngân hàng để đảm bảo chênh lệch lãi suất VND/USD thực dương sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn thị trường ngoại hối.
Trong khi đó trên thị trường 1, một số nhà băng tiếp tục đưa ra mức lãi suất huy động khá hấp dẫn (8,6 – 8,7%/năm). Tuy nhiên, để có thể được hưởng mức lãi suất cao khách hàng phải đáp ứng được điều kiện cao như: kỳ hạn gửi từ 24 – 36 tháng hoặc với số tiền gửi khá lớn (500 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân SSI, đối tượng khách hàng đủ điều kiện hưởng mức lãi suất này không nhiều và không mang tính đại diện. Chiếu sang một số nhóm ngân hàng khác, như nhóm Big 4 và Techcombank thì lãi suất huy động cao nhất chỉ dao động quanh mức 7%/năm. NHTMCP tư nhân lớn có mức lãi suất cao hơn một chút khoảng 7,7 – 7,8%/năm. Nhìn chung, lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở mức 4,1% – 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 – 7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 – 7,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Chuyên gia phân tích của SSI cho rằng, lãi suất huy động dù có ghi nhận tăng ở một số ngân hàng nhưng vẫn ở mức khá ổn định trong hiện tại, do các NHTM cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…), và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.
Bởi thế, “việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các NHTM có thể duy trì được mặt bằng lãi suất hiện tại, không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận”, SSI nhận định.
Kế hoạch lợi nhuận 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% – thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018, trong khi số ngân hàng đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các NHTM đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Thay vì tăng lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ tập trung mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả…
Chia sẻ về diễn biến lãi suất thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình về việc lãi suất huy động có tăng nhẹ và có thể tiếp tục tăng trong năm nay. Lãi suất huy động tiền đồng tương đối cao cũng có thể tạo chênh lệch lớn so với lãi suất huy động ngoại tệ, góp phần ổn định thị tường tiền tệ và tỷ giá. Với lãi suất cho vay, chuyên gia này đưa ra nhận định lãi vay khó giảm, song nếu có tăng cũng tăng chậm trong xu hướng ổn định, ít có sự đột biến.
Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng lưu ý rằng mọi diễn biến sẽ còn phụ thuộc vào tình hình tài chính thế giới sắp tới, khi cuối tháng này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng định G20 tại Osaka (Nhật Bản), để giải quyết vấn đề thương mại. Trường hợp nếu hai bên không có sự giải quyết, vẫn kéo dài chiến tranh thương mại sẽ đẩy thị trường tài chính thế giới và thương mại toàn cầu vào tình trạng bất định. Trong trường hợp đó, kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới, lãi suất nhiều khả năng sẽ thay đổi.
“Lãi suất có thể thay đổi theo một trong hai hướng: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, để tạo điều kiện cho DN Chính phủ có thể tìm giải pháp hỗ trợ để giảm lãi suất xuống. Ngược lại, lãi suất cũng có thể bị đẩy lên khi các đồng tiền trên thế giới suy giảm, đặc biệt là CNY so với USD. Nếu vượt ngưỡng 7 CNY/USD, lúc đó có thể có áp lực lớn lên tỷ giá và lãi suất Việt Nam phải giữ ở mức cao để tránh chuyện đầu cơ vào USD”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, trong những tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách, can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường.