Vietcombank tiếp tục là ngân hàng bán USD với giá đắt nhất trên thị trường.
Sau khi điều chỉnh tăng 10 – 30 đồng đầu giờ sáng nay, đến cuối buổi sáng một số ngân hàng tiếp tục tăng mạnh tỷ giá, với giá bán ra cao nhất lên đến gần 23.500 đồng.
Cụ thể, tỷ giá tại Vietcombank – ngân hàng giao dịch ngoại tệ nhiều nhất trong hệ thống – đã lên tới 23.375 – 23.495 (mua vào – bán ra), tăng 25 đồng ở cả hai chiều so với buổi sáng và đã tăng tổng cộng 45 đồng so với cuối tuần trước. Trên thị trường, Vietcombank đang là ngân hàng niêm yết giá bán USD đắt nhất.
Ngân hàng Sacombank cũng điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 17 đồng vào cuối buổi sáng, sau khi đã tăng 10 đồng lúc đầu giờ, tức tổng cộng là 27 đồng. Hiện tại giá mua vào bán ra bằng tiền mặt tại 23.322 – 23.477 đồng, trong khi đó mua chuyển khoản ở ngân hàng này là 23.362 đồng và bán chuyển khoản ở mức 23.467 đồng.
Tỷ giá tại ACB tăng tổng cộng 40 đồng trong buổi sáng nay lên 23.370 – 23.470 đồng/USD, nhưng đến đầu giờ chiều lại giảm nhẹ 10 đồng về còn 23.360 – 23.460 đồng, tức còn cao hơn cuối tuần trước 30 đồng. BIDV sáng nay đẩy giá bán USD lên đến 23.470 đồng, tức cao hơn cuối phiên trước 20 đồng, song đến hiện tại còn 23.460 đồng.
Trong khi giá USD ngân hàng tăng mạnh thì thị trường tự do lại khá ổn định, phổ biến mua vào quanh 23.380 đồng và bán ra quanh 23.420 đồng, tức giá mua vào tương đương ngân hàng nhưng bán ra lại rẻ hơn rất nhiều.
Tỷ giá từ sau kỳ nghỉ lễ đến nay đã biến động rất mạnh, trong đó có những phiên như ngày 17/5 tăng tới 80 – 85 đồng. Nếu tính từ đầu tháng 5 tới nay thì giá USD của các ngân hàng đã tăng tổng cộng tới 185 đồng, tương đương tăng 0,8%, trong khi tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước cũng tăng thêm 41 đồng.
Còn nếu so với đầu năm, tỷ giá của các ngân hàng đã tăng tới 250 đồng tương đương 1,07% còn tỷ giá trung tâm cũng tăng 244 đồng, tức cũng hơn 1%.
Giá USD trong nước gần đây tăng theo xu hướng chung của thế giới trong đó có 8 đồng tiền trong rổ tính tỷ giá tham chiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Theo TS. Phan Minh Ngọc, sự biến động trái chiều của 8 đồng tiền tham chiếu kết hợp với hành động linh hoạt của NHNN cùng nguồn dự trữ ngoại hối tăng thêm hơn 8 tỷ USD sẽ giúp tỷ giá dù có biến động mạnh cũng sẽ nhanh chóng đảo chiều, song xu hướng này chỉ kéo dài được khoảng 1-2 tháng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn leo thang. Xét về dài hạn hơn, chẳng hạn đến cuối năm, thì tỷ giá sẽ vẫn tăng ở một mức độ vừa phải.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng tỷ giá năm nay có nhiều áp lực tăng, với mức dự báo phổ biến là khoảng 2%.