Theo quan điểm của chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư không quá lo ngại với tình huống này, khi nhìn vào lịch sử của bản danh sách và thực tiễn Việt Nam.
Tình huống đặt ra
Ngày 9 và 10/5, một số hãng tin quốc tế dẫn thông tin từ Bloomberg đề cập đến tình huống Mỹ mở rộng danh sách các quốc gia mà Mỹ cho là “thao túng tiền tệ”, mà qua đó có thể bao gồm Việt Nam.
Cụ thể, tình huống đặt ra, Mỹ có thể mở rộng danh sách này từ 12 nước (theo phạm vi số lượng công bố hồi tháng 10/2018) lên 20 nước tới đây.
Điểm được chú ý, bên cạnh tình huống mở rộng số lượng các quốc gia, tiêu chí đánh giá có thể cũng điều chỉnh theo hướng mở rộng diện xem xét.
Trong tình huống đó, Việt Nam thuộc phạm vi xem xét lần này, cùng với một số quốc gia khác có thể cũng trong diện tương tự, như Nga, Ireland, Thái Lan, Indonesia, Malaysia – những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Mỹ định ra ba tiêu chí để đánh giá và xem xét, mà qua đó cho là “thao túng tiền tệ”, gồm: thứ nhất, thặng dư tài khoản vãng lai của quốc gia đó lớn hơn 3% GDP; thứ hai, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD; thứ ba, can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Như trên, tiêu chí đánh giá tới đây Bộ Tài chính Mỹ có thể điều chỉnh, như một số hãng tin quốc tế đề cập: giảm giới hạn thặng dư tài khoản vãng lai từ 3% xuống 2%. Điều chỉnh này có thể dẫn đến danh sách được cho là mở rộng nói trên dự kiến bao gồm Việt Nam.
Trả lời BizLIVE, đại diện một số đầu mối chức năng cho rằng, hiện chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về bản danh sách mới của Mỹ cho là các quốc gia “thao túng tiền tệ”, cũng như việc chính thức mở rộng số lượng từ 12 lên 20 quốc gia được công bố; việc một số hãng tin quốc tế đề cập là tình huống.
Khi chưa có danh sách chính thức mà Mỹ thông qua và công bố, các đầu mối trên từ chối đưa ra ý kiến và quan điểm, dù cho rằng đây là nội dung đang được quan tâm, khi Việt Nam nằm trong diện đánh giá theo các hãng tin đề cập ở tình huống trên.
Lịch sử danh sách và thực tiễn Việt Nam
“Nhìn vào lịch sử thay đổi của bản danh sách mà Mỹ cho là “thao túng tiền tệ”, thì nếu một nước nào đó đạt một trong các tiêu chí mà họ định ra thì bị đưa vào báo cáo. Từ đây để có những giám sát nâng cao sau đó”, chuyên gia trên cho biết.
“Thế nhưng, cũng theo lịch sử của bản danh sách này, từ năm 1994 đến nay chưa có kết luận cụ thể nào với một quốc gia nào về cái được cho là “thao túng tiền tệ”, ngay cả với Trung Quốc – quốc gia có quan hệ thương mại căng thẳng với Mỹ nổi bật năm qua cho đến nay”, chuyên gia trên nói thêm.
Ông cho rằng, đây là một sự kiện cần tiếp tục theo dõi, chờ đợi thông tin chính thức và cuối cùng.
Với doanh nghiệp và nhà đầu tư, chuyên gia này nêu quan điểm, vấn đề cũng không quá lo ngại, vì thực tế quan hệ thương mại, kinh tế nội tại của những quốc gia hiện đang trong danh sách trên vẫn tốt, không hẳn sẽ chịu những tác động bất lợi nổi bật sau đó.
Mặt khác, với Việt Nam, thực tiễn có những điểm đáng xem xét trong việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua khi nhìn vào tình huống trên.
Trước hết, về ngoại hối, tại Việt Nam sự can thiệp không phải là một chiều, mà cả hai chiều.
Hoạt động mua ròng ngoại tệ những năm gần đây ghi nhận rõ nét, nhưng cũng nhiều lần Việt Nam bán ròng can thiệp lớn để ổn định tỷ giá (hay nói cách khác là để tránh phá giá đồng nội tệ), điển hình như cuối 2018 một số tổ chức đầu tư từng tính toán quy mô bán ra lên tới khoảng 5 tỷ USD.
Thực tiễn năm 2018, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, với các lần tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhiều đồng tiền mất giá mạnh, nhưng đồng Việt Nam được giữ ổn định hàng đầu trong khu vực.
Và nhìn lại, lượng ngoại tệ mua ròng gia tăng dự trữ ngoại hối có đóng góp từ hoạt động chuyển đổi nguồn lực tích lũy, găm giữ trong nền kinh tế trước đây, phản ánh niềm tin vào giá trị ổn định của đồng Việt Nam và chính sách điều hành, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… Điều này được so sánh ở mức độ mua ròng cao hơn nhiều so với thặng dư cán cân tổng thể.
Dù vậy, theo chuyên gia trên, mua ròng lượng lớn ngoại tệ và dự trữ ngoại hối của Việt Nam lập kỷ lục mới, nhưng thực tế quy mô vẫn còn nhỏ so với nhiều quốc gia khác, cũng như so với tiêu chuẩn cần có trong cân đối với kim ngạch xuất nhập khẩu.
“Tôi cho rằng, nếu mở rộng danh sách và điều chỉnh tiêu chí, trước khi có kết luận cuối cùng, phía Mỹ sẽ xem xét, đánh giá cụ thể những đặc điểm đó của riêng Việt Nam”, chuyên gia trên nhận định.