Nhu cầu vốn mạnh sẽ níu lãi suất ở mức cao trong tháng 3

Bên cạnh yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu về vốn của NHNN có hiệu lực từ 1/1/2019 thì tháng 3 thường là tháng tăng tốc giải ngân tín dụng để thực hiện mục tiêu quý 1…

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 2 vừa công bố của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho biết, sau giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, NHNN nhanh chóng hút mạnh tiền về thông qua kênh OMO khi chỉ mua kỳ hạn 61.449 tỷ đồng và có tới 195.097 tỷ đồng đáo hạn, lượng hút ròng lên tới 133.648 tỷ đồng, khối lượng OMO lưu hành giảm liên tục từ hơn 150 nghìn tỷ đồng về mức gần 19 nghìn tỷ đồng. Kênh tín phiếu vẫn không phát sinh giao dịch và số dư bằng 0. 

Lượng tiền lưu thông quay trở về hệ thống và việc bán USD cho dự trữ ngoại hối đã gia tăng thanh khoản cho các NHTM. Lãi suất trên liên ngân hàng giảm từ mức 4,9% trước Tết về 4%/năm với kỳ hạn qua đêm và giảm từ 5,05% về 4,3%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Lãi suất USD trên liên ngân hàng cũng giảm nhẹ (-2 điểm cơ bản  -bps) về mức 2,47%/năm, chênh lệch lãi suất VND-USD dao động trong khoảng 1,5%-1,7%/năm, giảm so với mức 1,8%-2,4%/năm của tháng 01/2019.

Theo thông tin từ Bộ tài chính, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN 2 tháng đầu năm 2019 là 16,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,9% kế hoạch do Quốc hội giao. Sau đợt nghỉ lễ dài và việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư cho các dự án đã hoàn tất, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng lên trong thời gian tới, lượng tiền của KBNN gửi tại các NHNN sẽ có xu hướng giảm bớt nên thanh khoản cũng bớt thuận lợi như tháng vừa qua. Thêm vào đó, việc duy trì chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức hợp lý sẽ hạn chế nhu cầu nắm giữ USD nên nhiều khả năng lãi suất trên LNH sẽ dao động trong khoảng 4%/năm với kỳ hạn qua đêm.

Với lãi suất huy động thị trường 1, các kỳ hạn ngắn đã được điều chỉnh giảm ở nhiều ngân hàng, hiện duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có sự điều chỉnh trái chiều khi có ngân hàng giảm nhưng cũng có ngân hàng tăng, phụ thuộc vào nhu cầu cân đối vốn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của từng ngân hàng. Khoảng chênh lệch lãi suất vì thế cũng dãn rộng hơn, kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 5,5-7,5%/năm và 12,13 tháng là 6,4%- 8%/năm.

Theo SSI Retail Research, bên cạnh yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu về vốn của NHNN có hiệu lực từ 1/1/2019 thì tháng 3 thường là tháng tăng tốc giải ngân tín dụng để thực hiện mục tiêu quý 1 nên nhu cầu huy động vốn cao, mặt bằng lãi suất khả năng vẫn được duy trì ổn định ở mức hiện tại.

Ở thị trường ngoại tệ, trong tháng 2 vừa qua, NHNN vẫn tiếp tục mua vào USD dù khối lượng không nhiều như tháng trước. Các NHTM khá tích cực bán USD về NHNN khi tỷ giá mua vào được giữ nguyên ở mức 23.200 – mức cao hơn tỷ giá mua vào của các NHTM 2 tháng gần đây. Tỷ giá giao dịch dao động trong biên độ hẹp trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, kết thúc tháng giảm nhẹ 10 đồng so với cuối tháng trước, ở mức lần lượt là 23.150/23.250 và 23.190/23.210. Tỷ giá trung tâm tiếp tục được nâng lên 47 đồng/USD, tính chung tỷ giá này đã tăng thêm 90 đồng trong 2 tháng đầu năm.

Nhóm phân tích cho rằng, lượng FDI giải ngân 2 tháng đầu năm thông thường sẽ thấp hơn hẳn các tháng sau nhưng trong 2 tháng đầu năm 2019, FDI giải ngân ở Việt Nam đã đạt 2,58 tỷ USD, +9,8% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Đây là dấu hiệu tích cực và dự báo nguồn cung USD tháng 3 sẽ tiếp tục dồi dào nhờ cả nguồn vốn FDI và FII. Nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 2 đã tăng mạnh giá trị mua ròng trên thị trường chứng khoán với dòng tiền mới chỉ tính riêng ở các quỹ ETF là xấp xỉ 2 nghìn tỷ.

Các tác giả dự báo, với cung ngoại tệ tốt, mặt bằng tỷ giá sẽ duy trì ổn định quanh mức 23.200đ/USD. Tuy vậy diễn biến đàm phán thương mại Mỹ – Trung và tỷ giá CNY sẽ vẫn là một ẩn số cần lưu tâm.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin