BVSC cho rằng rủi ro VND mất giá trên 5% trong năm 2019 là không lớn.
Những ngày cuối năm 2018 đầu 2019, tỷ giá trên thị trường sụt giảm mạnh. Giá USD ở các ngân hàng đều xuống dưới 23.250 đồng chiều bán ra trong khi mua vào chưa đến 23.200 đồng cho dù Ngân hàng Nhà nước vẫn “miệt mài” điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, tới ngày 5/1 đã lên mức cao kỷ lục mới là 22.829 đồng – tương đương tăng hơn 1,8% so với một năm trước.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng hạ nhiệt liên tục và hiện chỉ giao dịch quanh vùng 23.250 – 23.300 đồng.
Đồng USD giảm giá được cho là theo yếu tố mùa vụ, khi thời điểm cuối năm nguồn USD của doanh nghiệp đổ về ngân hàng nhiều, thanh khoản của các ngân hàng dư thừa. Điều này càng được khẳng định hơn khi Ngân hàng Nhà nước ngay ngày làm việc đầu tiên của năm 2019 đã tăng giá mua USD từ tổ chức tín dụng thêm 500 đồng lên 23.200 đồng – tín hiệu cho thấy cơ quan này đang hút nguồn USD dư thừa trên thị trường về kho dự trữ.
Với diễn biến thị trường như vậy, cộng với triển vọng từ thị trường tài chính toàn cầu sáng hơn năm 2018, với điển hình là Fed sẽ khó tăng lãi suất thêm nữa, nhiều chuyên gia tên tuổi trong nước và các công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo tỷ giá cho cả năm nay. Theo đó, từ SSI, MBS, HSBC cho đến Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cùng tin rằng tỷ giá sẽ biến động không quá mức của năm 2018 và dù có rủi ro cũng khó vượt 3%.
Mới đây, thêm một nhóm chuyên gia nữa đến từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra dự báo lạc quan về tỷ giá. Nhóm phân tích dẫn nguồn thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, năm 2019, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Các điều kiện được đề cập đến bao gồm (i) Khả năng USD sẽ không tăng nhiều thậm chí có thể suy yếu hơn; (ii) Lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Trước đó trong báo cáo chiến lược năm 2019, BVSC cũng đã đề cập đến việc Việt Nam có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kể từ năm 2016 đến nay là đặc điểm khác biệt so với năm 2015 và 2007-2011 (giai đoạn VND mất giá mạnh). Sự thặng dư đến từ cả cán cân vãng lai và cán cân vốn. Dự báo cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư năm 2019 nhờ xuất khẩu vẫn tăng trưởng, Việt Nam hấp dẫn được nhiều vốn FDI và dòng kiều hối ổn định.
Bên cạnh đó, VND luôn được điều chỉnh theo hướng mất giá so với USD trong khi NDT của Trung Quốc thì trồi sụt tùy từng thời kỳ và Chính phủ Trung Quốc thường có động cơ giảm giá NDT khi kinh tế gặp khó khăn. Nhóm phân tích dự báo NDT năm 2019 sẽ tiếp tục giảm giá nhưng chỉ dưới 5% – thấp hơn năm 2018. Do vậy, áp lực giảm giá VND từ diễn biến của đồng NDT trong năm 2019 cũng sẽ thấp hơn năm 2018. Trên cơ sở đó, rủi ro VND giảm giá trên 5% năm nay không lớn và các chuyên gia cho rằng VND sẽ giảm giá dưới 3%.