Các nhà phân tích cũng cho rằng đang có nhiều yếu tố cùng xuất hiện khiến thanh khoản NHTM sụt giảm như yếu tố mùa vụ, mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu thị trường và giải ngân vốn ngân sách gia tăng, các ngân hàng phải chuẩn bị vốn theo yêu cầu mới…
Bộ phận phân tích SSI Retail Research của công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ tháng 11/2018.
Xuất hiện nhiều yếu tố hỗ trợ từ thị trường thế giới
Tháng 11 diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng mà cả thế giới trông đợi. Đầu tiên là kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ ngày 7/11/2018 đúng như kỳ vọng khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện trong khi Đảng Cộng hòa của tổng thống Trump giữ quyền kiểm soát Thượng viện. Ở châu Âu, vấn đề Brexit sau một thời gian dài bế tắc đã có bước ngoặt khi Anh và EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ. Italy cũng lên kế hoạch cắt giảm mức ngân sách mục tiêu từ 2,4% GDP xuống 2,0-2,1% trước những phản ứng cứng rắn của EU. Quan trọng nhất, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tạm lắng khi hai bên đã đạt được một số thỏa thuận tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Những diễn biến tích cực kể trên đã hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường tiền tệ toàn cầu trong tháng 11. Chỉ số DXY dao động trong vùng 96-97 trong đó đồng GPB tiếp tục mất giá 0,13% so với USD do sự chia rẽ sâu sắc trong Chính phủ và nội bộ nước Anh liên quan đến vấn đề Brexit, đồng EUR không đổi trong khi đồng JPY tăng giá 0,56% so với USD. Đà mất giá của đồng CNY được hãm lại, tỷ giá USD/CNY trong tháng duy trì ở mức 6,90-6,96.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ trong tuần đầu tháng sau đó giảm liên tục, về mức 3,03%/năm, giảm 11 điểm cơ bản (bps) so với cuối tháng trước.
Một điểm rất đáng lưu ý là đường cong lợi tức trái phiếu của Mỹ ngày càng phẳng, chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn thu hẹp về mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Lần gần nhất đường cong lãi suất phẳng như hiện nay là giai đoạn 2006-2007. Tuy nhiên, khác với khối bong bóng tài sản được tạo ra cách đây một thập kỷ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, các yếu tố nền tảng của bản thân nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu giai đoạn hiện nay đã vững vàng hơn nhiều. Điểm chung duy nhất là việc FED liên tục nâng lãi suất làm gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư vào mặt bằng lãi suất cao trong ngắn hạn nên mất giá trái phiếu kỳ hạn ngắn khiến cho đường cong lãi suất bị làm phẳng.
Lãi suất vẫn… “nóng”
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi tăng mạnh vào cuối tháng 10 đã duy trì mặt bằng cao trong suốt tháng 11. Kỳ hạn qua đêm dao động trong vùng 4,7-4,9%/năm, có lúc đạt tới 4,96%/năm- mức đỉnh trong vòng 5 năm gần đây; kỳ hạn 3 tháng đã vượt và duy trì ở mức trên 5%/năm trong suốt cả tháng, hiện ở mức 5,2%/năm – chỉ còn cách lãi suất trần huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng 30bps.
Lãi suất trên thị trường 1 cũng tăng ở tất cả các kỳ hạn, mạnh nhất là ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, mức độ tăng lãi suất ở từng ngân hàng khác nhau nên chênh lệch lãi suất huy động giữa các NHTM là khá lớn. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết đã đẩy lên mức trần 5,5%/năm trong khi kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng dao động 5,7%-7,6%, kỳ hạn 12-13 tháng dao động từ 6,8-8,0% tùy vào từng ngân hàng.
Trong tháng 11, NHNN đã bơm ròng 1.885 tỷ đồng. Trong đó, kênh tín phiếu có 2.100 tỷ đồng đáo hạn trong khi không có bất kỳ đợt phát hành nào. Trái lại, kênh mua bán kỳ hạn hoạt động mạnh với bình quân gần 11.000 tỷ đồng/ngày cho mỗi chiều bơm/hút. Tính chung lại, NHNN hút ròng qua kênh này 215 tỷ đồng. Khối lượng OMO lưu hành duy trì ở mức cao gấp 1.6-2 lần khối lượng tín phiếu.
Nhiều yếu tố cùng xuất hiện khiến thanh khoản NHTM sụt giảm như yếu tố mùa vụ (tín dụng tăng trong khi huy động thường giảm vào những tháng cuối năm), mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu thị trường và giải ngân vốn ngân sách tăng làm giảm lượng tiền gửi của KBNN. Thêm vào đó, các NHTM cũng cần chuẩn bị cho yêu cầu giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ 1/1/2019. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn sẽ đứng ở mức cao.
Nhìn dài hơn, có một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định lãi suất. Chỉ số CPI tháng 11 của Việt Nam đã giảm 0,29% so với tháng trước, ở mức 3,46% so với cùng kỳ năm trước – thấp hơn khá nhiều mức mục tiêu là 4%, giá dầu sụt giảm mạnh trong suốt 2 tháng qua cũng giải tỏa bớt áp lực với lạm phát, chủ tịch FED có những phát biểu mềm dịu hơn đối với kế hoạch tăng lãi suất như đã đề cập ở trên. Mặc dù vậy, những biến số này có thể thay đổi rất nhanh chóng nên khó có thể đưa ra nhận định về lãi suất trong trung và dài hạn vào thời điểm này.
Tỷ giá được “kìm” nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ
Trong tháng 11, NHNN đã nâng tỷ giá trung tâm thêm 24 đồng/USD – gấp đôi so với mức nâng trong tháng 10, và cuối tháng ở mức 22.750 đ/USD. Tuy nhiên, tỷ giá chính thức giảm 25 đồng/USD về mức 23.275 – 23.365 và tỷ giá tự do giảm 60-65 đồng/USD về mức 23.405 – 23.420 đồng, thu hẹp chênh lệch giữa 2 tỷ giá này.
Bên cạnh yếu tố hỗ trợ từ cuộc gặp Mỹ -Trung và chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức cao (trên 2%/năm), việc NHNN triển khai bán kỳ hạn ngoại tệ được hủy ngang vào 2 ngày 23 và 26/11 đã có tác động khá lớn về mặt tâm lý, giảm bớt nhu cầu nắm giữ ngoại tệ cũng như tài trợ thanh khoản VND cho các NHTM. Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai lấy ý kiến với dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 24/2015/TT-NHNN theo hướng thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trên cơ sở làm chi tiết thêm về kỳ hạn và mục đích vay. Nhờ đó, tỷ giá USD/VND duy trì ổn định và giảm nhẹ về cuối tháng.
Cũng theo các nhà phân tích, việc giữ tỷ giá USD/VND ổn định trong bối cảnh USD lên giá mạnh đã khiến cho VND lên giá trong tương quan với các đồng tiền khác. Chỉ xét từ tháng 6 đến nay, VND đã tăng giá với đồng tiền của các nước đối tác quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU; mức tăng giá lần lượt là 5,6%, 2%, 1,2% và 0,4%.