Mặc dù chưa xuất hiện các dấu hiệu của chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm, tuy nhiên theo các chuyên gia của BIDV, thế giới đang xuất hiện 4 rủi ro lớn và Việt Nam cũng đang đối mặt với 6 thách thức, tồn tại.
Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá khả năng không xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 – 2019.
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, các chuyên gia nhận định, các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế tài chính đã biểu hiện khá rõ nét ở dạng này hay dạng khác ở Việt Nam trong mỗi chu kỳ 10 năm 1988-1989, 1998-1999, 2008-2009; tuy nhiên lại không rõ nét trong giai đoạn 2018-2019.
Cụ thể, có 6 sự khác biệt trong từng dấu hiệu của giai đoạn hiện nay so với các giai đoạn trước đó là: (1) Tăng trưởng tín dụng hợp lý hơn; và giá tài sản có tăng cao ở một số phân khúc nhưng chưa phải là hiện tượng bong bóng; (2) Hệ thống tài chính-ngân hàng được củng cố, lành mạnh hóa, an toàn và thanh khoản ổn định hơn; lãi suất ở mức hợp lý đã và đang hỗ trợ tăng trưởng; (3) Các cân đối vĩ mô có cải thiện và lành mạnh hơn: cơ cấu thu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, cơ cấu tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh, hạn chế vào các ngành có rủi ro cao; cán cân thương mại, cán cân thanh toán và cán cân vãng lai có sự cải thiện tích cực; (4) Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục; (5) Các thị trường bất động sản, chứng khoán có bước chuyển biến tích cực, được điều chỉnh và hướng đến bền vững hơn; và (6) Các quyết sách về môi trường đầu tư – kinh doanh từng bước được cải thiện; niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tăng lên.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia của BIDV, dù kinh tế Việt Nam chưa xuất hiện các dấu hiệu của chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm; tuy nhiên, thế giới đang xuất hiện 4 rủi ro, thách thức lớn trong năm 2018-2019 đó là: (i) căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang và còn diễn biến phức tạp, khó lường; (ii) Ngân hàng Trung ương các nước lớn (gồm cả Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ – Fed) tiếp tục thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất và bán tài sản xấu đã mua) khiến lãi suất tăng và mức độ thanh khoản thị trường tài chính giảm đi; (iii) Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại (từ mức tăng 6,9% năm 2017 xuống dự kiến khoảng 6,6% năm 2018 và 6,4% năm 2019 hoặc thấp hơn; trong khi Trung Quốc hiện nay đóng góp khoảng 35% vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu); và (iv) rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu còn diễn biến khó lường.
Trong khi đó, cũng không thể phủ nhận nội tại nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tồn tại có thể cản trở sự tăng trưởng cao và bền vững. Một số thách thức, tồn tại chính, theo các chuyên gia của BIDV là bao gồm:
Một là, áp lực lạm phát và biến động tỷ giá gia tăng: hết 8 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân đã tăng 3,52% so với cùng kỳ (so với mức 3,84% và 1,91% cùng kỳ năm 2017 và 2016); theo đó, lạm phát chịu áp lực tăng chủ yếu do giá dầu và hàng hóa thế giới tăng, lộ trình tăng lương, tăng giá một số dịch vụ do Nhà nước quản lý (có thể gồm cả tăng thuế bảo vệ môi trường như dự kiến), giá lương thực, thực phẩm tăng do thời tiết bất lợi và áp lực tỷ giá căng hơn; vì thế, nếu không phối hợp chính sách tốt, lạm phát có thể vượt 4% trong năm 2018 và 2019. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND giao dịch tính đến hết ngày 31/8/2018 đã tăng 2,66% so với đầu năm (là tốc độ tăng cao gấp 3 lần so với đà tăng của cùng kỳ 3 năm qua), chủ yếu do đồng USD tăng giá mạnh (2,8% từ đầu năm) và các nước khu vực điều chỉnh giảm giá nội tệ. Với việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ cùng với đà tăng lãi suất, đồng USD dự báo còn tăng giá và một số đồng nội tệ khu vực còn mất giá (với tốc độ giảm dần) vẫn là áp lực đáng kể đối với tỷ giá USD/VND.
Hai là, năng suất lao động còn thấp: NSLĐ Việt Nam bình quân giai đoạn 1991-2017 chỉ cao hơn Bangladesh và Campuchia, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Đến cuối năm 2017, NSLĐ của Việt Nam (tính theo PPP 2011) thấp hơn từ 6,9 đến 14 lần NSLĐ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; thấp hơn Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ 2,6-5,4 lần. Báo cáo tháng 3/2018 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra rằng tốc độ tăng NSLĐ bình quân của Việt Nam giai đoạn 1991-2017 là 4,8%/năm (tương đương mức tăng bình quân của ASEAN), nhưng thấp nếu xét về giá trị, trong đó khu vực nông nghiệp và công nghiệp-xây dựng tăng khá thấp (lần lượt 3,5% và 2,68% trong giai đoạn này).
Ba là, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Với Việt Nam, ICOR trung bình 2011-2017 ở mức 5,3 lần, vẫn cao hơn so với mức 3-4 lần của các nước đang phát triển ở mức cùng trình độ (theo Ngân hàng Thế giới); đóng góp của TFP trong tăng trưởng vẫn ở mức trung bình thấp (31%) trong giai đoạn này, cách xa mức trung bình khu vực (khoảng 45-55%) và thấp hơn nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Phillippines, Malaysia (từ 50-70%). Bên cạnh đó, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF năm 2017 đã chỉ ra trong 10 năm qua, mặc dù Việt Nam có nhiều tiến bộ về nhóm yếu tố cơ bản (kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, và y tế, giáo dục phổ thông), nhưng cải thiện không đáng kể đối với nhóm yếu tố thúc đẩy hiệu suất (nhất là về giáo dục – đào tạo bậc đại học và sau đại học, tính sẵn sàng về công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động) và hầu như không tăng, thậm chí còn kém đi ở nhóm yếu tố thúc đẩy sáng tạo và kinh doanh (chủ yếu về đổi mới, sáng tạo và mức độ tinh vi, hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh).
Bốn là, hoạt động của khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn (tốc độ thành lập doanh nghiệp mới chậm lại. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký chỉ tăng lần lượt 2,4% và 6,9% so cùng kỳ năm 2017 (so với các mức 16,3% và 44,8% cùng kỳ của năm 2017 và 19,7% và 51% cùng kỳ năm 2016); trong khi số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 45,9% so cùng kỳ năm 2017 (so với tốc độ tăng 11,8% và 17% cùng kỳ năm 2017 và 2016). Báo cáo tổng điều tra kinh tế năm 2017 của TCTK cho thấy hiệu quả kinh doanh (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản) bình quân năm 2016 của khối doanh nghiệp chỉ đạt 2,7%; trong đó khu vực doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời cao nhất (6,9%); tiếp đến là khu vực DNNN (2,6%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,4%, cao hơn không đáng kể mức 1,2% năm 2011).
Nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của DN ngoài Nhà nước chưa cao, theo các chuyên gia của BIDV, có thể do hạn chế về qui mô, công nghệ, quản trị điều hành của bản thân DN; nhưng môi trường kinh doanh vẫn là một trở ngại (như chưa thực sự bình đẳng, chi phí không chính thức còn cao…v.v.). “Phải chăng Chính phủ rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, song khâu thực thi tại các cấp, các địa phương còn nhiều điều phải bàn hoặc kết quả mới chỉ là ban đầu?” – các chuyên gia đặt câu hỏi.
Năm là, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến về chất: Đối với tái cơ cấu DNNN, điểm tích cực là số tiền thu về từ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn gần đây có xu hướng tăng mạnh. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, Nhà nước đã thu về 198.000 tỷ đồng từ CPH và thoái vốn tại DNNN, gấp 2,5 lần số tiền thu về trong giai đoạn 2011-2015; đồng thời, tổng số tiền thu về từ các đợt bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) của DNNN trong 6 tháng đầu năm 2018 gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vậy, tiến độ cổ phần hóa DNNN còn chậm. Cụ thể, năm 2016, chỉ có 56 DNNN được phê duyệt phương án CPH (bằng một nửa so với mức bình quân 118 doanh nghiệp CPH giai đoạn 2011-2015); năm 2017 còn 21 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch CPH; hết 6 tháng đầu năm 2018 mới CPH được 19/85 DNNN theo kế hoạch năm (theo Ban chỉ đạo và đổi mới DN, Bộ Tài chính).
Trong khi đó, tái cơ cấu các TCTD vẫn còn nhiều thách thức, nhất là áp lực tăng vốn chủ sở hữu cho các NHTM (tỷ lệ an toàn vốn – CAR của các NHTM hiện nay theo chuẩn của NHNN vẫn đạt yêu cầu là trên 9%, nhưng nếu áp theo chuẩn Basel 2 thì tỷ lệ này chưa đạt yêu cầu (dưới 8%) trong bối cảnh tín dụng tăng khoảng 14,3% giai đoạn 2011-2017 và có thể cao hơn trong giai đoạn 2018-2019; nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao (tỷ lệ 6,7% cuối tháng 6/2018 – theo NHNN) và tái cơ cấu các TCTD yếu kém nếu không quyết liệt sẽ chậm tiến độ, có thể gây điểm nghẽn về thanh khoản và tăng trưởng kinh tế như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013.
Tái cơ cấu đầu tư công kết quả chưa rõ nét, hệ số ICOR còn cao (đã nêu trên), cân đối NSNN còn nhiều khó khăn khiến dư địa tài khóa thu hẹp (với tỷ lệ chi thường xuyên còn ở mức cao – 63% giai đoạn 2015-2017 cao hơn nhiều so với mức 21-22% của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương hay 32% của ASEAN-4; nút thắt giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một trong những điểm nghẽn, khiến toàn bộ dự án bị chậm trong khi vẫn phải trả lãi phát hành trái phiếu Chính phủ…v.v.
Cuối cùng, một số rủi ro còn tiềm ẩn đối với một số cán cân vĩ mô trong khi khả năng kháng cự với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế còn mỏng: nợ công, nợ nước ngoài còn ở mức cao (cuối năm 2017, nợ công ở mức 61,3% GDP so với mức 50% GDP của ASEAN, nợ nước ngoài bằng 49% GDP (chỉ thấp hơn 1% so với mức trần); dự trữ ngoại hối tuy tăng mạnh song còn khá mỏng (3,5 tháng so với mức 5-6 tháng nhập khẩu của Thái Lan, Malaysia); tỷ lệ tín dụng so với GDP đang ở mức cao (tín dụng đã tăng liên tục trong gần 3 thập kỷ, đến cuối năm 2017 ở mức tương đương 130% GDP, gấp gần 6 lần năm 1992, vượt mức trung bình ASEAN-5 (93%) và cao hơn mức khuyến cáo của IMF (80%), dẫn đến quan ngại dòng vốn có thể chảy vào các khu vực kém hiệu quả và rủi ro cao, chèn lấn tín dụng dành cho khu vực tư, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tương lai…v.v…