Nhiều yếu tố đồng thuận, HSC dự báo Vn-Index có thể tăng thêm 15% cho đến cuối năm 2018

Theo HSC, Vn-Index sẽ sớm bứt phá thành công. Nếu không phải ở ngay nỗ lực đầu tiên thì sẽ là trong các nỗ lực sau đó. Trước mắt, HSC kỳ vọng Vn-Index sẽ tăng tiếp từ 10-15% từ nay đến cuối năm.

CTCK HSC vừa đưa ra báo cáo đánh giá về TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm. Theo HSC, TTCK Việt Nam đã liên tiếp phá vỡ các đường kháng cự kỹ thuật là MA 50 ngày, MA 100 ngày và có 2 phiên giữ vững trên mốc 1.000 điểm. Hiện tại, Vn-Index đang tiến đến gần MA 200 ngày (khoảng 1.025 điểm) và có thể test ngưỡng này trong tuần tới.

Theo HSC, Vn-Index sẽ sớm bứt phá thành công. Nếu không phải ở ngay nỗ lực đầu tiên thì sẽ là trong các nỗ lực sau đó. Trước mắt, HSC kỳ vọng Vn-Index sẽ tăng tiếp từ 10-15% từ nay đến cuối năm. Dưới đây là các yếu tố hỗ trợ quan điểm:

Vĩ mô tăng trưởng ổn định, có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

HSC cho rằng thị trường hiện được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô và vi mô tích cực trong khi đó tâm lý thị trường cũng khởi sắc nhờ các thị trường khu vực phục hồi và thị trường Phố Wall vượt mức cao kỷ lục chắc chắn cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng, đồng thời là nhờ đồng đô la yếu và giá dầu tăng.

Điều kiện thuận này đã thúc đẩy NĐTNN quay trở lại thị trường và khối này đã mua ròng 1.067 tỷ đồng trong 9 ngày giao dịch gần đây sau một thời gian dài từ cuối tháng 4 chủ yếu bán ròng. NĐT trong nước cũng cho thấy sự quan tâm trở lại đối với chứng khoán sau một thời gian dài thờ ơ. Vn-Index đã chạm đáy vào ngày 11/7/2017 và đóng cửa tại 893,16 trong khi đó mức cho vay margin quan sát được có vẻ cũng chạm đáy vào ngày 5/7/2018.

HSC dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ dễ dàng đạt 6,7% và trong trường hợp tốt nhất có thể đạt 6,9%. Và lạm phát sẽ vào khoảng 4%, sát mức mục tiêu chính thức và không có nhiều tác động về mặt chính sách. HSC dự báo VND sẽ mất giá khoảng 2,5%-3% so với đồng USD khi đồng USD mạnh lên với chỉ số DXY dao động trong khoảng 95-97. Cán cân thanh toán có vẻ lành mạnh với cán cân thương mại thặng dư và thặng dư tài khoản vãng lai nhờ xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng 16,7% so với cùng kỳ trong khi đó vốn FDI giải ngân tăng khoảng 9,2% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng GDP năm 2019 được HSC dự báo đạt khoảng 6,7% và trong trường hợp tốt nhất là 7%, lạm phát dự báo khoảng 4,5%. Tỷ giá USD/VND dự báo tăng 2% với chỉ số DXY không vượt quá 100. Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại theo xu hướng chung của thương mại toàn cầu, tuy nhiên tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu thế giới sẽ tăng nhờ một số doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

HSC cho rằng tranh chấp thương mại Mỹ Trung sẽ (1) cần thời gian để giải quyết và (2) ảnh hưởng trung tính đến Việt Nam trong ngắn đến trung hạn và (3) là yếu tố tích cực trong trung đến dài hạn. Chủ yếu do một số cơ sở sản xuất đã di dời từ Trung Quốc sang Việt Nam ở các lĩnh vực như công nghệ, may mặc, thủy sản, và nhiều loại hình sản xuất nhẹ. Và quá trình này sẽ cần một vài năm để thể hiện ra con số, tuy nhiên trong khi đó các nhà máy FDI hiện tại và doanh nghiệp nội sẽ được nhận được những lợi ích ngắn hạn hơn.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực

Môi trường vi mô nhìn chung cũng lành mạnh, dù vậy cũng cần lưu ý một số tác động nhỏ từ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm ngoái (dự báo sẽ đạt khoảng 16% vào cuối năm so với mức tăng trưởng 18,24% trong năm 2017). Tuy nhiên, với hiệu quả cho vay tốt hơn hiện nay khi phần lớn tín dụng được cấp cho các doanh nghiệp sản xuất tư nhân và DNNVV, HSC cho rằng tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ không kéo theo bất kỳ tác động vĩ mô tiêu cực nào trong năm nay.

HSC dự báo EPS của top 70 mã có vốn hóa lớn sẽ tăng trưởng 20,20%. Cổ phiếu hầu hết các ngành sẽ có sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, dẫn đầu là cổ phiếu ngành tài chính, BĐS và tài nguyên. Ngành BĐS và hàng tiêu cùng nói chung cũng sẽ tăng trưởng khá. Một số doanh nghiệp hàng tiêu dùng như VNM và KDC có lẽ sẽ gặp khó khăn một chút. Ngoài ra bức tranh triển vọng lợi nhuận nói chung là rất sáng sủa.

Triển vọng lợi nhuận tích cực nói trên nhiều khả năng sẽ tái diễn trong năm sau. Chủ yếu là vì môi trường vĩ mô sẽ không có nhiều thay đổi trong 12 tháng tới. Ở hầu hết các ngành, hoạt động kinh doanh (1) không phục thuộc chu kỳ hoặc (2) có phụ thuộc chu kỳ nhưng hiện vẫn đang là thời điểm giữa của chu kỳ. Sẽ có những ngành trong đó lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm trước áp lực cạnh tranh tăng và nhu cầu yếu đi. Tuy nhiên nói chung, hầu hết các ngành chính sẽ tiếp tục gặp thuận lợi và do đó sẽ tiếp tục tăng trưởng khá ít nhất là trong năm sau.

Câu chuyện nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ hỗ trợ cho thị trường

Việt Nam là ứng cử viên ngày càng sáng giá cho vị thế thị trường mới nổi trong tương lai. Theo đó, thị trường Việt Nam hiện tại sẽ có sự liên hệ chặt chẽ với thị trường mới nổi và thị trường khu vực châu Á nói chung. Điều này trước hết có nghĩa là đồng USD và giá dầu sẽ trở thành những nhân tố rất quan trọng cần xem xét khi nhìn vào thị trường Việt Nam. Kế đến và cũng rất quan trọng là xu hướng dòng vốn tại các thị trường mới nổi.

Trong 6 tháng tới, chỉ số đô la ICE tính dựa trên giỏ các đồng tiền theo tỷ trọng thương mại sẽ dao động trong khoảng 94-97, thậm chí sẽ ở cận dưới của biên độ trên trong một thời gian nhất định. Cơ sở cho nhận định trên của HSC là 2 đợt nâng lãi suất nữa của Fed trong năm nay đã phản ánh tác động vào đồng USD. Trong khi đó một số chuyên gia đang cho rằng Fed có lẽ sẽ tỏ ra thận trọng hơn đối với chính sách lãi suất trong năm sau.

HSC giả định giá dầu WTI sẽ chạm 75 USD/thùng và dầu Brent chạm 85 USD/thùng vào Q4. Trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung do xuất khẩu dầu của Iran sẽ dần giảm xuống trước khi nước này bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 11.

HSC kỳ vọng dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tích cực trong bối cảnh NĐT nhận thấy mặt bằng định giá thấp. Và dòng vốn vào thị trường mới nổi cũng đã có sự phân hóa giữa thị trường mới nổi gặp vấn đề về cơ cấu và thị trường mới nổi không gặp vấn đề cơ cấu. Điều này khiến cho dòng vốn sẽ chảy đến những thị trường chẳng hạn như Việt Nam (có triển vọng trung dài hạn rất tích cực dưới sự tác động nhiều hơn của những nhân tố cơ cấu không phụ thuộc chu kỳ so với các nhân tố có tính chu kỳ).

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin