BS Nhi khoa chỉ ra 5 điều NÊN và KHÔNG NÊN làm khi con bị sốt co giật, điều thứ 2 bố mẹ thường mắc phải

Bố mẹ nên nắm vững những kiến thức này để có thể xử lý đúng cách khi con bị sốt co giật tại nhà.

TIN MỚI

Sốt cao co giật thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Khi co giật, trẻ có thể có các biểu hiện như: Nôn ói, sùi bọt mép, tím tái…

Trẻ bị co giật do sốt thường kéo dài trong vài phút. Một cơn co giật kèm sốt kéo dài hơn 5 phút được xem là bất thường. Trong trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xác định nguyên nhân gây co giật kèm sốt.

Còn nếu trẻ bị co giật từ vài giây đến dưới 5 phút thì không cần phải nhập viện mà có thể chăm sóc bé tại nhà. Dẫu vậy, trước tình trạng co giật của con, nhiều cha mẹ thường lo lắng, lúng túng không biết xử trí thế nào.

Đế giúp các bậc phụ huynh xử lý đúng cách khi con nhỏ bị sốt co giật, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2, đồng thời cũng là bác sĩ Nhi khoa được nhiều mẹ Việt tin tưởng, yêu mến đã chỉ ra 5 điều mà bố mẹ NÊN và KHÔNG NÊN làm khi con bị sốt co giật.

BS Nhi khoa chỉ ra 5 điều NÊN và KHÔNG NÊN làm khi con bị sốt co giật, điều thứ 2 bố mẹ thường mắc phải - Ảnh 1.

Sốt cao co giật thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. (Ảnh minh họa)

5 điều bố mẹ KHÔNG NÊN làm khi trẻ bị sốt co giật

– Không đè lên người trẻ hoặc cố ôm chặt trẻ với mong muốn cắt cơn co giật. Điều đó sẽ không có tác dụng mà vô tình còn làm tổn thương trẻ.

– Không để bất cứ vật cứng nào vào miệng trẻ, ví dụ như muỗng, đũa,… thậm chí ngón tay của bố mẹ. Thực chất, trong cơn co giật việc cắn lưỡi ở trẻ là rất hiếm khi xảy ra, do đó nếu đưa bất cứ một vật cứng nào vào miệng sẽ dễ dẫn đến trẻ bị ngạt, tổn thương vùng khoang miệng, và còn làm tổn thương ngón tay của bố mẹ nữa.

– Không cho bất kỳ chất lỏng nào vào miệng trẻ, ví dụ: Mật ong, nước chanh vì nó sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc trực tiếp vào trong phổi, rất nguy hiểm cho trẻ.

– Không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ đang lên cơn co giật vì sẽ không có hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ hít sặc ở trẻ.

– Không đưa trẻ vào bồn tắm lúc trẻ đang lên cơn co giật với mục đích nhằm hạ sốt. Bởi vì sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị ngạt và sặc nước.

5 điều bố mẹ NÊN làm khi trẻ sốt co giật

– Có tới trên 80 % số trẻ sốt co giật đơn giản, nghĩa là thời gian co giật rất ngắn. Và không có một cách nào có thể cắt sốt co giật ngay lập tức tại nhà, do đó bố mẹ hãy bình tĩnh chờ cơn co giật đi qua.

– Đưa trẻ đến mặt phẳng an toàn, ví dụ: Sàn nhà, đệm…, nếu ở trên giường nên chú ý nguy cơ té ngã, sau đó xoay lưng trẻ, nghiêng đầu sang một bên và để gối mềm sau đầu.

– Quan sát xung quanh nếu thấy có vật cứng, sắt nhọn, hoặc dễ cháy, dễ gây nguy cơ làm tổn thương trẻ thì hãy thu dọn cẩn thận.

– Ghi nhớ lại đặc điểm co giật: Thời gian co giật bao lâu, co giật tay chân, toàn thân hay nửa người? Gồng người hay trợn mắt? Nếu được hãy quay lại video làm tư liệu đưa cho bác sĩ, việc này sẽ rất hữu ích trong việc chẩn đoán của bác sĩ cho con bạn được chính xác nhất.

– Khi hết cơn co giật, nếu trẻ còn sốt cao, hãy nhét thuốc hạ sốt với liều 10-15mg/kg/lần qua đường hậu môn. Sau đó đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác hơn.

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.

Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.

Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY .

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin