Tỷ giá USD/VND đã tăng liên tục từ cuối tháng 6 tới nay…
Ngày 01/8, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.669 đồng (tỷ giá trần cho các ngân hàng ở mức 23.349 đồng) còn tỷ giá tại sở giao dịch NHNN là 22.700- 23.299 đồng (mua vào – bán ra). Tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD hôm nay cao nhất đã lên đến 23.345 đồng, chỉ còn cách trần có 4 đồng, giá mua vào cũng lên quanh 23.250 đồng. Ngoài thị trường tự do, giá USD được mua bánh quanh 23.450 đồng.
So với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm hiện đã tăng xấp xỉ 1,1% trong khi giá USD của các ngân hàng thương mại tăng tới 2,6%, giá USD ngoài tự do cũng tăng tương tự.
Tỷ giá tăng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu do tác động của đồng USD tăng giá trên khắp thế giới, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh và một phần bởi yếu tố tâm lý. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sự tăng giá của USD là phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế.
Tỷ giá ở xu hướng tăng liên tục từ giữa tháng 6 tới nay (trong đồ thị là diễn biến tỷ giá mua vào của các ngân hàng từ 1/6 – 1/8/2018)
Trước đó, khi tỷ giá tăng mạnh hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7, nhiều chuyên gia và các tổ chức tài chính uy tín dự báo tỷ giá sẽ tăng nhưng không nhiều, chẳng hạn chứng khoán MB – MBS và chứng khoán HSC dự báo tăng 1-2%; chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo tăng 1-3% (hồi đầu năm ông dự báo 1-2% nhưng trong tháng 6 đã điều chỉnh dự báo lên 3%). Hồi đầu năm cũng có nhiều dự báo về tỷ giá, như Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thì dự báo tăng 1,5-2%; HSBC dự báo tỷ giá lên 23.000 đồng…
Các dự báo đều dựa trên cơ sở rằng NHNN sẽ can thiệp để bình ổn tỷ giá khi nguồn dự trữ ngoại hối ở mức dồi dào, tăng liên tục và cao kỷ lục như hiện nay. Ngoài ra, chính sách tỷ giá cũng sẽ hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, với diễn biến tỷ giá đã tăng hơn 2% từ tháng 6 tới nay và tăng tổng cộng 2,6% kể từ đầu năm thì tỷ giá đã và đang đi xa hơn so với dự báo.
Dù tỷ giá tăng mạnh nhưng hiện nay vẫn có hai luồng quan điểm trái ngược nhau đối với sự điều chỉnh này. Một nhóm các chuyên gia thì cho rằng cứ để tỷ giá biến động theo thị trường bởi không thể cứ can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá, mà hãy tìm cách sống chung với đồng USD mạnh; còn một luồng ý kiến khác lại cho rằng phá giá tiền đồng phải hết sức cẩn trọng bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới kinh tế.