Kiến nghị phá giá VND là “quá vội vàng và thiếu cơ sở”

Tỷ giá ở Việt Nam là vấn đề rất nhạy cảm, kiến nghị phá giá VND là quá vội vàng, thiếu cơ sở…

Tỷ giá ở Việt Nam là vấn đề rất nhạy cảm, kiến nghị phá giá VND là quá vội vàng, thiếu cơ sở, cần xác định điều hành ổn định trong linh hoạt…

Tại hội thảo về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2018 được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 20/7 những bình luận liên quan đến điều hành tỷ giá được nhấn đậm nét.

Theo báo cáo của CIEM, nửa đầu năm nay, xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng được thực hiện thực chất hơn, mặt bằng lãi suất cho vay tương đối ổn định. Vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất, có sự kiểm soát tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi, đồng thời nghiên cứu cách tiếp cận quản lý đối với tiền điện tử, tiền ảo; tăng cường ứng dụng công nghệ trong tài chính .

Phân tích diễn biến tiền tệ, các tác giả báo cáo nhận định, thị trường ngoại hối biến động nhiều hơn trong quý 2. Tỷ giá VND/USD trung tâm chủ yếu giữ xu hướng tăng trong quý: mức tăng tương ứng 0,25%, 0,36% và 0,24% trong các tháng 4, 5, và 6 (so với cuối tháng trước). Tính chung trong quý 2, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 0,85% so với cuối quý 1 và tăng hơn 1,00% so với cuối năm 2017.

Mức tăng tỷ giá trung tâm trong tháng 4 và 5 cao hơn so với tháng 6, trong khi tháng 6 lại chứng kiến tỷ giá biến động nhiều nhất. Bắt đầu từ cuối tháng 5, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá của ngân hàng thương mại tăng gần như liên tục trong tháng 6, thậm chí có những thời điểm đạt tới 210 đồng. Chênh lệch giữa tỷ giá ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm ở mức khá thấp trong quý và còn cách xa mức trần 3%, dù giữ xu hướng tăng trong tháng 5-6.

Như vậy, động thái điều chỉnh tỷ giá trung tâm đã chủ động tạo thêm độ linh hoạt cho diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối – trong bối cảnh đồng USD lên giá. Trong khi đó, cho đến tháng 6, Ngân hàng Nhà nước chưa phải bán ngoại tệ để can thiệp vào tỷ giá, báo cáo nêu nhận định.

Trình bày những nét lớn của báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM nhấn mạnh, biến động của nhiều đồng tiền lớn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc kéo theo không ít kiến nghị về việc phá giá đồng VND.

Kiến nghị này, theo ông Dương là vội vàng và thiếu cơ sở.

Bởi, trong bối cảnh hiện nay, điều hành tỷ giá chỉ nên được coi là một phần trong kết hợp chính sách để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ưu tiên điều hành tỷ giá, do đó, cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng.

Phân tích của các tác giả báo cáo cho thấy, các ý kiến và kiến nghị về tăng tỷ giá VND/USD đều chỉ nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá NDT như một sự kiện riêng biệt, trong khi ít nhiều còn thiếu thực tiễn về hoạt động thương mại cũng như thị trường ngoại hối.

Ông Dương cho rằng, dựa hoàn toàn vào tỷ giá theo cách “phá giá” để ứng phó với những tác động bất lợi đối với thương mại là không phù hợp. Bởi bất định đối với thương mại hiện nay xuất phát từ những vấn đề của kinh tế thực của Mỹ và Trung Quốc, khó có thể xử lý trong ngắn hạn. Trong chừng mực ấy, dùng biện pháp tiền tệ để xử lý vấn đề kinh tế thực khó có thể mang lại hiệu quả bền vững.

Ông Dương cũng lưu ý rằng, tỷ giá, trong hầu hết trường hợp, đều thay đổi quá mức cần thiết trước khi điều chỉnh trở lại. Chính vì vậy, việc có các điều chỉnh chạy theo diễn biến đồng NDT có thể làm tăng độ bất định đối với điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá. Trước bối cảnh ấy, các nhà đầu tư cũng phản ứng quá mức và các tài sản USD được coi là có độ an toàn cao nhất; điều này càng gây thêm áp lực mất giá đối với VND.

Điều chỉnh tỷ giá không phải lúc nào cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, ông Dương củng cố nhận định tại báo cáo.

Nhìn nhận sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện hơn nhiều nhưng Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng vẫn cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa.

Liên quan đến tỷ giá, ông Cung nhấn mạnh doanh nghiệp sợ nhất là phá giá VND. Ở Việt Nam tỷ giá rất nhạy cảm và chuyển vào lạm phát rất nhanh , giá cả sẽ tăng ngay, Viện trưởng CIEM bình luận.

Và theo ông thì Chính phủ đã rút được kinh nghiệm nên có lẽ sẽ không sử dụng cách thức như những kiến nghị không phù hợp nói trên để điều hành tỷ giá.

Định hướng điều hành là không nới lỏng tiền tệ, tỷ giá được điều hành ổn định trong linh hoạt, Viện trưởng CIEM thông tin thêm.

Kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng cần tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá. Truyền thông về các đánh giá, kiến nghị liên quan đến chính sách tỷ giá cần được thực hiện rõ ràng, trung tính hơn. Tránh đề ra các mục tiêu “cứng” đối với công tác điều hành tỷ giá.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin