Càng ngày, nhu cầu sử dụng máy giặt kết hợp với máy sấy, hoặc các thiết bị riêng biệt trong các gia đình càng tăng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.
Trong mỗi gia đình, máy giặt được coi là một trong những thiết bị hỗ trợ công việc dọn dẹp không thể thiếu. Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh máy giặt còn có một thiết bị nữa mang tên máy sấy quần áo.
Bộ đôi này giúp giải phóng sức lao động cho con người, quần áo không chỉ được giặt nhanh hơn, sạch hơn mà còn được sấy khô và tiệt trùng đáng kể, tiết kiệm thời gian phơi hay là, ủi quần áo.
Hiện nay trên thị trường phổ biến có 2 dạng, đó là máy giặt sấy quần áo tích hợp 2 tính năng trong 1 thiết bị, và các loại máy giặt, sấy riêng biệt. Chính bởi điều đó mà nhiều người dùng vẫn còn băn khoăn, liệu sử dụng thiết bị 2 trong 1 hay các loại máy riêng biệt thì sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Trên các diễn đàn hay hội nhóm về đồ gia dụng gia đình, vấn đề này cũng thường xuyên được bàn tán sôi nổi và nhận về 2 luồng ý kiến theo 2 phe rõ ràng.
Nên lựa chọn máy giặt sấy 2 trong 1 hay các thiết bị riêng biệt là câu hỏi nhiều người dùng băn khoăn (Ảnh minh họa)
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều chuyên gia cũng như chuyên trang đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát để đưa ra lời khuyên hữu ích nhất cho người dùng. CoolBlue, một công ty thương mại điện tử với chuỗi cửa hàng rộng khắp ở nhiều quốc gia như Hà Lan, Bỉ và Đức cho biết, họ đã tiến hành làm một bảng so sánh và nhận xét từng thiết bị, dựa trên 3 tiêu chí cụ thể.
1. Tiết kiệm diện tích
Yếu tố đầu tiên được đưa ra là độ tiết kiệm diện tích. Bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy, máy giặt kết hợp với máy sấy giúp tiết kiệm không gian phòng tốt hơn. Bởi nó chỉ là một chiếc máy duy nhất. Còn đối với máy giặt và máy sấy riêng từng thiết bị thì ngược lại. Cũng bởi do là thiết bị tách rời, nên nếu gia đình bạn sở hữu cả 2, sẽ phải cân đối không gian sao cho để vừa cả 2 thiết bị và tốt hơn hết chúng nên được đặt gần nhau. Nếu muốn đặt máy sấy và máy giặt chồng lên nhau thì chiều cao của trần phải đáp ứng đủ.
Cần gấp đôi không gian để đặt máy giặt và máy sấy quần áo riêng biệt (Ảnh minh họa)
2. Tiêu thụ năng lượng
Các chuyên gia nhận xét, máy giặt sấy 2 trong 1 tiêu thụ lượng điện năng lớn hơn, so với máy sấy, máy giặt riêng biệt. Con số được CoolBlue đưa ra là, máy giặt sấy 2 trong 1, với khối lượng giặt 8kg và khối lượng sấy 5kg có thể tiêu thụ trung bình khoảng 512kWh/năm; máy giặt và máy sấy riêng biệt, khối lượng đều là 8kg, số điện tiêu thụ là khoảng 305kWh/năm. Tuy nhiên trên thực tế, con số này vẫn có thể thay đổi dựa trên công suất và khối lượng của từng thiết bị. Song vẫn có thể nhìn thấy rõ sự chênh lệch lượng điện giữa máy giặt sấy 2 trong 1 và những thiết bị riêng biệt.
Nguyên nhân máy giặt sấy thường tốn nhiều điện hơn là do nguyên lý hoạt động của nó. Trusted Reviews giải thích rằng: Hầu hết các máy giặt sấy đều sử dụng công nghệ ngưng tụ, đây là hệ thống sấy ít tiết kiệm năng lượng nhất. Ngoài ra, máy giặt sấy kết hợp sẽ mất nhiều thời gian hơn để khô đồ sau khi giặt xong với máy. Thời gian xử lý lâu hơn cũng đồng nghĩa với việc tiêu tốn nhiều điện năng hơn, chuyên gia của CoolBlue nói thêm.
Còn với máy sấy riêng biệt, thiết bị sẽ làm khô quần áo bằng hệ thống thông gió hoặc bơm nhiệt. Vì vậy không tiêu tốn quá nhiều năng lượng và giúp sấy quần áo trong một thời gian nhanh chóng.
Máy sấy quần áo được đánh giá là tiết kiệm năng lượng hơn (Ảnh minh họa)
3. Hiệu quả làm khô quần áo
Rõ ràng, nghe từ cái tên của thiết bị, người dùng có thể dễ dàng hình dung về hiệu quả làm khô quần áo của từng loại. Chiếc máy sấy độc lập được thiết kế riêng để làm khô quần áo một cách chuyên biệt, hiệu quả và trong thời gian nhanh nhất. Tương tự với như vậy với máy giặt. Khi mỗi thiết bị tập trung vào 1 tính năng, hiệu quả nó mang lại lúc nào cũng sẽ hoàn hảo hơn.
Còn đối với máy giặt sấy 2 trong 1, cũng bởi đảm nhiệm cùng lúc 2 tính năng trong 1 thiết bị nên hiệu quả hoạt động của chúng, đặc biệt là hiệu quả làm khô trang phục sẽ không tốt bằng thiết bị độc lập. Thông thường, các loại máy 2 trong 1 sẽ có công suất sấy ít hơn công suất giặt. Vì vậy quần áo của bạn kể khi được sấy với máy vẫn sẽ không hoàn toàn được khô. Điều này dẫn đến việc bạn vẫn phải phơi quần áo ra ngoài không khí hoặc ánh nắng.
Không những thế làm khô quần áo hiệu quả, máy sấy độc lập còn thực hiện điều này trong thời gian ngắn hơn hẳn so với máy 2 trong 1. Thông thường, thời gian sấy có thể được người dùng chủ động lập trình, trung bình chỉ khoảng 30 phút. Người dùng có thể luân phiên giặt 1 mẻ quần áo và sấy 1 mẻ quần áo khác song song, cùng lúc. Còn đối với máy giặt sấy 2 trong 1, chu trình cả giặt và cả sấy quần áo sẽ mất khoảng 3 giờ đồng hồ và người dùng chỉ có thể xử lý 1 mẻ đồ trong từng ý thời gian.
Máy sấy giúp sấy quần áo khô triệt để, không cần phơi thêm (Ảnh minh họa)
Khi nào nên mua máy 2 trong 1, khi nào nên mua máy riêng biệt?
Nhìn vào những ưu/nhược điểm riêng của từng loại thiết bị, người dùng có thể cân đối với điều kiện và nhu cầu của gia đình mình để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Reviewed – chuyên trang về các đồ gia dụng, thiết bị điện tử gia đình thuộc tờ USA Today đưa ra lời khuyên, nếu gia đình bạn đang sở hữu một không gian hạn chế, không quá rộng thì hãy lựa chọn máy giặt sấy 2 trong 1.
Wirecutter – chuyên trang thuộc tờ NY Times cũng nói thêm, máy giặt sấy 2 trong 1 sẽ giúp bạn tiết kiệm được phần nào chi phí mua thiết bị ban đầu, và sẽ phù hợp nếu như gia đình bạn không có quá nhiều quần áo cần sấy khô tức thì, trong thời gian nhanh chóng và một cách tuyệt đối.
Máy giặt và máy sấy có thể đặc chồng lên nhau (Ảnh minh họa)
Còn để đem lại hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng và làm khô quần áo, đặc biệt với số lượng lớn một cách tốt nhất, đa phần hầu hết mọi chuyên gia đều khuyên lựa chọn máy sấy riêng biệt. Hiện nay, nhiều loại máy giặt sấy có thể đặt chồng lên nhau, vì vậy nỗi lo về thiếu diện tích không còn quá nghiêm trọng. Tuy nhiên trần nhà bạn phải đủ cao. Ngoài ra, giá thành của các loại máy sấy riêng biệt chất lượng cũng khá cao.
Bài viết tham khảo thông tin từ CoolBlue, Trusted Reviews, Reviewed – USA Today, Wirecutter – NY Times