Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng phát đi thông điệp, giá USD tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Đồng thời, nhà quản lý khẳng định cơ quan này sẵn sàng bán USD để can thiệp. Tỷ giá theo đó bớt tăng nóng và duy trì ổn định trong những ngày qua.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hoặc doanh nghiệp có vay vốn ngoại tệ, những diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua thật sự là một sức ép đối với họ.
Anh Nguyễn Ninh, Giám đốc Cty Kiến Ninh chuyên nhập khẩu một số nguyên liệu cho ngành nhựa ở quận Tân Bình, cho biết, trong những ngày qua, việc tỷ giá biến động tăng ít nhiều ảnh hưởng đến các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu của công ty. Điều này khiến doanh nghiệp khó trở tay vì đơn giá bán ra chưa thể điều chỉnh. Tính đến hiện tại, công ty có khả năng thiệt hại hơn 200 triệu đồng (tiền chênh lệch do tỷ giá tăng) cho một đơn hàng trị giá một triệu USD ký kết đầu tháng 6.
Hiệu ứng dây chuyền cũng đang tác động tới các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Một số doanh nghiệp lĩnh vực thép cho biết, giá USD tăng cao gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp thời gian tới, nhất là trong bối cảnh sức mua tại thị trường nội địa không cao như hiện nay.
Đại diện của Công ty Cổ phần Thép Việt – Ý cho biết, hiện mỗi tháng, công ty xuất khẩu 10.000 tấn thép nhưng phải nhập khẩu tới 30.000 tấn phế liệu, quặng. Vì vậy, trường hợp USD tăng giá mạnh, doanh nghiệp phải tính tới phương án tăng giá thép.
Tương tự, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc cũng đang than thở với việc doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước dựa vào việc USD tăng để “té nước theo mưa” tăng giá nguyên liệu cao hơn tốc độ tăng tỷ giá. Trong khi đó, khoản lợi từ việc xuất khẩu sản phẩm khó có thể bù nổi khoản thiệt hại từ việc tăng giá của nguyên liệu đầu vào.
Tỷ giá biến động tăng khoảng 2% đang khiến cho doanh nghiệp vay ngoại tệ đau đầu. Mới đây, theo ước tính từ PVN, tỷ giá biến động tăng khoảng 2% sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp trong ngành hơn 1.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, với nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh rất lớn, các doanh nghiệp dầu khí đều gặp khó khăn trong việc thu xếp ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ. Trong khi đó, khả năng thu xếp của một số ngân hàng thương mại trong nước còn hạn chế.
Báo cáo của Ngân hàng HSBC về rủi ro tỷ giá mới đây cho thấy, biến động tỉ giá không phải là cảnh báo, mà thiệt hại về doanh thu là bức tranh hiện thực với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Tính chung, tiền đồng đã mất giá tổng cộng 1,4% tính từ đầu năm, trái ngược với mức giảm khoảng 0,2% trong năm 2017, qua đó làm dấy lên một số lo ngại về xu hướng của tỉ giá.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế – TS Trương Huy Mai (RMIT), việc tăng tỉ giá có thể kéo dài, vì vậy doanh nghiệp cần có các giải pháp ứng phó phù hợp. Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỉ giá, rủi ro lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.