Cà phê là thức uống khá phổ biến trên toàn thế giới. Cà phê có chứa caffeine giúp cho con người trở lên tỉnh táo hơn làm việc hiệu quả hơn.
Uống cà phê bao nhiêu thì tốt
Cà phê là thứ nước uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng cà phê có gây hại cho sức khoẻ hay không là câu hỏi vẫn rất nhiều người thắc mắc.
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, cà phê có chứa caffeine có tác dụng kích thích tim và hệ hô hấp. Caffeine là chất kích thích thần kinh giúp cho người trở lên tỉnh táo, làm việc hiệu quả hơn.
Caffeine có trong cà phê không xếp vào nhóm các chất gây nghiện. Cho tới nay vẫn chưa có chứng minh rõ ràng và đủ sức nặng về caffeine nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả những trường hợp dùng caffeine thường xuyên trong thời gian dài.
Caffeine có trong cà phê không xếp vào nhóm các chất gây nghiện, ảnh minh hoạ.
Bác sĩ Niên cho hay: “Đối với người lớn một ngày không nên uống quá 400mg caffeine (tương đương tách nhỏ). Trẻ nhỏ không nên uống các loại nước có chứa caffeine vì có chứa chất kích thích. Phụ nữ mang thai, cho con bú khi uống cà phê nên hỏi ý khiến của bác sĩ, bởi chất caffein sẽ thông qua máu và ngấm vào sữa”.
Ngoài ra, một số đối tượng sau cần lưu ý khi uống cà phê như: người cường giáp, rối loạn dây truyền thần kinh giao cảm, người đã bị viêm loét dạ dày, người bị rối loạn tâm thần…
Cà phê giúp thải độc
Ngoài là thức uống giúp cho con người tỉnh táo cà phê còn được biết biết với tác dụng nhuận tràng. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính nhuận tràng của cà phê.
Cà phê có thể được coi là một chất nhuận tràng dễ kiếm, để giúp những người bị táo bón hoặc mất nhu động ruột tạm thời. Nhiều người đã tin rằng việc uống thật nhiều cà phê là cách đơn giản để thải độc cho đại tràng.
ThS.BS Lê Châu Hoàng Quốc Chương, Phó trưởng khoa Hậu môn – Trực tràng, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM cho hay, chưa có nghiên cứu khẳng định dùng cà phê có thể giúp thải độc (detox), loại bỏ độc tố ra khỏi đường ruột.
Bác sĩ Chương khuyến cáo, trên mạng hiện nay đang lan truyền thông tin dùng cà phê để thụt tháo, rửa ruột, thải độc… người dân nếu áp dụng theo sẽ rất nguy hiểm. Việc thụt tháo nhiều lần có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn điện giải sẽ rất nguy hiểm đối với người có bệnh lý tim mạch và bệnh lý thận.
Còn theo TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó chủ tịch Hội hậu môn trực tràng học Việt Nam cho hay, cà phê có tác động lên đại tràng thông qua cơ chế dạ dày, ruột non. Vì vậy, mà một số người khi uống cà phê sẽ có cảm giác buồn đi đại tiện.
Tuy nhiên, cảm giác muốn đi đại tiện sau khi uống cà phê, sẽ tuỳ thuộc vào từng người. Như vậy có nghĩa rằng, không phải bất cứ ai uống cà phê đều nhuận tràng.
Nói thêm về phương pháp thải độc đường tiêu hoá bằng cà phê bác sĩ Cường cho rằng, không có bằng chứng thuyết phục. Người dân khi gặp các vấn đề về đại trực tràng thì nên đi khám sớm thay vì áp dụng những phương pháp tin đồn làm mất đi cơ hội điều trị bệnh.
Để giúp cho đại tràng khoẻ mạnh (thải độc) việc nên làm ăn thực phẩm có chứa ngũ cốc nguyên cám, rau xnah, hoa quả tươi; Uống trên 2 lít nước ngày giúp nhuận tràng, đẩy chất thải ra ngoài dễ dàng hơn.