Theo lãnh đạo một NHTMCP, gần đây lo ngại dòng vốn khối ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán ít nhiều cũng tác động về mặt tâm lý. Đồng thời, diễn biến tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới khiến tỷ giá trong nước nhích lên.
Vài ba ngày qua, tỷ giá được điều chỉnh tăng, trong đó tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong ngày 27 và hôm nay (28/6) mỗi ngày tăng thêm 15 đồng. Cụ thể, tỷ giá trung tâm VND/USD được NHNN niêm yết ở mức 22.655 VND/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.334 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.976 VND/USD.
Mặc dù tỷ giá trung tâm được NHNN công bố tăng nhưng không phải vì thế mà giá USD trong giao dịch mua và bán tại các NHTM tăng theo. Trái lại, tại Vietcombank, sáng 28/6 đã điều chỉnh giảm 5 đồng/USD mỗi chiều giao dịch. Hiện ngân hàng này đang mua – bán USD ở mức 22.900-22.970 VND/USD; VietinBank cũng đang giao dịch ở mức 22.905-22.975 VND/USD, giảm 11 đồng bán ra, giảm 8 đồng mua vào so với chiều qua.
Nhìn tỷ giá biến động những ngày qua, đã có những câu hỏi và cả đồn đoán về sự căng thẳng của tỷ giá liệu có xảy ra hay không?
Thị trường đồn đoán thì chẳng ai cấm, nhưng nếu nhìn vào các dữ liệu, những phân tích và các con số liên quan đến tỷ giá thì có vẻ đang có sự lo xa với tỷ giá.
Có thể khẳng định, thời điểm giữa năm chưa bao giờ trở thành mùa cao điểm về ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, mà nếu tính cao điểm thì phải từ cuối quý 3, khi đó các doanh nghiệp mới nhập nguyên vật liệu và hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh dịp Tết.
Cho dù những con số thống kê gần đây cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (chỉ tăng khoảng 5,8%), nhưng theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), do tỷ trọng cho vay ngoại tệ còn khá thấp (chiếm khoảng 8%, tương đương hơn 500 nghìn tỷ đồng) nên rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định chung của hệ thống ngân hàng là không lớn. Từ phân tích này thì cầu ngoại tệ cũng không tới mức căng thẳng như lo ngại.
Bên cạnh đó, hiện nay các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp luôn được đáp ứng khi doanh nghiệp và người dân cần. Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho biết, quan sát lượng mua – bán USD mấy ngày qua không có dấu hiệu gì bất thường mà về cơ bản người dân chứng minh được nhu cầu sử dụng đô la đi du học, du lịch, chữa bệnh, công tác nước ngoài hay các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo quy định của NHNN đều được ngân hàng đáp ứng đầy đủ.
Thứ nữa, khó có thể nói rằng, người dân găm giữ ngoại tệ, bởi chính sách lãi suất tiền gửi bằng 0% thực hiện từ khá lâu nên chẳng ai dại gì giữ đô la trong nhà và hầu như nguồn lực ngoại tệ thời gian qua đã chuyển đổi sang VND hoặc được đưa vào các kênh đầu tư trong nước.
Đặc biệt, dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện nay đã ở mức trên 63 tỷ USD thì cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết.
Nói như vậy, nhưng cũng phải tìm nguyên nhân của việc tỷ giá tăng trong mấy ngày gần đây là do đâu? Theo lãnh đạo NHTMCP trên thì có thể gần đây lo ngại dòng vốn khối ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán ít nhiều cũng tác động về mặt tâm lý. Đồng thời, diễn biến tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới đã tác động tới trong nước.
Theo phân tích từ BVSC, đồng USD mạnh lên trong hơn 2 tuần trở lại đây với chỉ số USD Index tăng 1,2% từ mức 93,5 điểm đóng cửa ngày 13/6 lên 94,7 điểm đóng cửa ngày 26/6. Nguyên nhân của diễn biến trên, bên cạnh đến từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng số lần dự báo tăng lãi suất trong năm 2018 từ 3 lần lên 4 lần, còn đến từ tâm lý lo ngại chiến tranh thương mại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng tiền có lợi suất cao.
Bình luận về chính sách điều hành tỷ giá thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính–ngân hàng cho rằng, cơ bản NHNN đã đạt mục tiêu và nguyên tắc thì tỷ giá trong năm nay tăng không quá mức từ 1-2% được xem như mức chấp nhận được và cần thiết để hỗ trợ cho xuất khẩu.
Về phía cơ quan quản lý với mục tiêu điều hành, mới đây ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; tăng quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ, nếu là tác động từ yếu tố tâm lý như từng xảy ra với thị trường ngoại tệ những năm trước thì chỉ cần NHNN đưa ra thông điệp điều hành rõ ràng là thị trường lại ổn trở lại. Và có lẽ NHNN vẫn đang quan sát thị trường và có thể chưa tới mức phải can thiệp cả bằng hành động và phát ngôn trong thời điểm này.