Bị cáo Trương Mỹ Lan chấp nhận bán rẻ các tòa nhà “đất vàng”, siêu dự án để khắc phục hậu quả vụ án, nếu còn dư thì sẽ mang đi góp phần xây trường học.
Sáng 24/9, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Tại phiên toà, luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đặt câu hỏi bị cáo có nắm được thực trạng tài chính của SCB cuối năm 2017 – tháng 8/2018 hay không?
Trả lời, báo cáo tài chính hàng năm của SCB bị cáo Lan không biết, không đọc, điển hình lúc cơ quan điều tra khám xét nhà bị cáo thì không có báo cáo nào liên quan đến báo cáo tài chính của SCB.
” Bị cáo không điều hành, ngày nào cũng đóng tài sản vào SCB, không hiểu vì sao để dính vào ngân hàng này. Vạn Thịnh Phát đủ điều kiện để phát hành trái phiếu nhưng không phát hành, không niêm yết gì cả. Trước khi bị bắt không hề biết gì về trái phiếu, bị cáo rất hối hận vì ngày đó cho mượn Công ty An Đông và các công ty khác để phát hành trái phiếu nên ảnh hưởng đến bao nhiêu bị hại “, Trương Mỹ Lan trình bày.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi nếu như các nhân sự báo cáo xin chủ trương mà bị cáo không cho mượn Công ty An Đông thì SCB như thế nào và quyền lợi của bị cáo sẽ như thế nào?
Trả lời, bị cáo Lan cho rằng, thời điểm đó, bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) nói nếu không cho mượn để phát hành trái phiếu thì SCB sẽ sụp đổ nếu như bị cáo không cho mượn thì công sức của bị cáo, gia đình, dòng tộc và bạn bè sẽ mất hết nên bị cáo cho mượn.
Theo bà Lan, trong kết luận điều tra giai đoạn 2 thể hiện rõ, trong 1,5 năm, SCB đã sử dụng chi phí lên tới 61.000 tỷ. Tuy nhiên sử dụng tiền từ việc phát hành trái phiếu chỉ 11.000 tỷ, chênh lệch tới 50.000 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch này vay từ các cá nhân, tổ chức, bị cáo Lan và bạn bè bị cáo.
LS Phan Trung Hoài nói đề nghị bà Lan xác nhận số liệu quan trọng để bị cáo và gia đình có ý kiến liên quan việc khắc phục, CQĐT xác định số tiền đã khắc phục có phải 356 tỷ đồng không? Bị cáo Lan xác nhận đúng.
“ Ngoài 356 tỷ đồng thì bản thân bị cáo và các bị cáo khác đã khắc phục thêm bao nhiêu tiền”, luật sư Hoài hỏi. Tuy nhiên, bị cáo Lan nói “ bị cáo không nhớ hết, vì số nhỏ quá, bị cáo chỉ nhớ số tiền to thôi’.
Vừa qua, từ trại tạm giam, bị cáo Lan đã có đơn trình bày, nếu đi theo dòng tiền của cơ quan điều tra thì 1 số tổ chức tín dụng sử dụng dòng tiền phát hành trái phiếu của SCB là 17.320 tỷ đồng. Nếu đây là dòng tiền phạm tội mà có thì đề nghị HĐXX thu hồi lại số tiền này để trả cho các trái chủ.
“Nếu như số tiền đó mà SCB và các đơn vị có tranh chấp thì bị cáo sẽ đứng ra chịu trách nhiệm”, bị cáo Lan nói và cho rằng trong 2 năm qua, gia đình bị cáo dù trong hoàn cảnh bi thương tan nát nhưng vẫn cố gắng tích góp từng đồng để lo lắng khắc phục hậu quả. Những tài sản của bị cáo, gia đình bị cáo đang bị kê biên thì xin HĐXX xem xét giải toả để lấy nguồn tiền đó khắc phục hậu quả. Ngoài ra, bị cáo còn mong HĐXX trả lại những tài sản của các bị cáo khác trong vụ án.
Theo bị cáo Lan, dự án tòa nhà Capital Palace (số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) lúc mua khoảng 600 triệu USD, toà nhà này hiện vay của ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD.
” Đáng lẽ toà nhà này có giá 1 tỷ USD, nhưng hiện khách hàng chỉ trả 350 triệu USD, nếu trả nợ ngân hàng 250 triệu USD xong còn khoảng 2.000 tỷ đồng nên tôi chưa đồng ý bán và bạn bè đang tìm 1 đơn vị khác với giá cao hơn để khắc phục hậu quả. Bị cáo cam kết nếu bán được, sẽ trả tiền cho ngân hàng nước ngoài”, Trương Mỹ Lan khẳng định.
Còn với dự án 6A Bình Chánh, bị cáo Lan nói không đảm bảo cho bất cứ nghĩa vụ nào tại SCB. Dự án 26ha, nằm ở khu Trung Sơn, Bình Chánh thuộc pháp nhân Vạn Thịnh Phát đã đền bù 20 năm nay. Trước khi bị cáo Lan bị bắt, nhiều người trả giá từ 30.000 – 40.000 tỷ đồng nhưng bị cáo chưa hợp tác.
” Bị cáo cũng suy nghĩ nguồn tiền khắc phục đủ hơn 40.000 tỷ đồng rồi nhưng tiền chưa đến tay, bị cáo không muốn người dân lo lắng nên đã hy sinh dự án này”, Trương Mỹ Lan trình bày và nói cháu bị cáo tìm lại đối tác cũ, dù 20.000 – 30.000 tỷ đồng cũng chấp nhận để khắc phục cho các trái chủ.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: “ Bị cáo nói rằng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang có siêu dự án Amigo lớn hơn 3 lần tòa nhà Time Square, hiện giờ dự án này như thế nào?
Bị cáo Lan nói đây là dự án này thuộc pháp nhân của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã đền bù hơn 20 năm, chỉ còn ít phần trăm chưa đền bù. Dự án chậm do phải đấu giá. Trước khi bị cáo bị bắt, dự án đã được Chính phủ cho khởi động lại.
Dự án này ở khu đất tứ giác Nguyễn Huệ – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế sẽ mang lại nhiều giá trị lao động, kinh tế. Nếu như tiền khắc phục ở giai đoạn 1 còn dư thì gia tộc không cần đến, sẽ mang đi góp phần xây dựng trường học ở Việt Nam.