Trong khi tỷ giá VND/USD tương đối ổn định thì các cặp tỷ giá giữa VND với nhiều ngoại tệ khác lại giảm giá rất mạnh…
Gần đây thị trường ngoại hối chứng kiến những diễn biến trái chiều của các cặp tỷ giá VND với các ngoại tệ chính.
Chẳng hạn, tính đến ngày 5/2/2018, trong khi VND khá ổn định (chỉ mất giá không đáng kể 0,6%, chủ yếu trong mấy ngày gần đây) so với USD so với đúng 1 năm trước thì VND lại mất giá ở mức lớn hơn rất nhiều so với các ngoại tệ khác.
Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là USD cũng suy yếu đáng kể so với hầu hết các ngoại tệ khác, trong khi VND lại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “neo” khá chặt vào USD, dẫn đến VND mất giá đáng kể nếu so với các ngoại tệ khác.
Nhưng có một điều đáng chú ý từ các diễn biến trên là mức độ mất giá của VND so với các ngoại tệ khác lớn hơn nhiều so với mức độ mất giá của USD so với cùng các ngoại tệ đó. Chẳng hạn, trong khi USD mất giá 13,4% so với EUR thì VND lại suy yếu tới 16,1% so với EUR. Kể cả nếu tính thêm cả mức mất giá 0,6% của VND so với USD thì vẫn có thể thấy rõ rằng VND đã mất giá so với EUR mạnh hơn nhiều so với sự suy yếu của tỷ giá USD/EUR.
Biến động của các cặp tỷ giá trong một năm qua
Có một số lý do có thể giải thích sự suy yếu mạnh của VND so với các ngoại tệ khác ngoài USD.
Thứ nhất, cặp tỷ giá không chỉ NHNN chú trọng mà còn thu hút sự tập trung của cả xã hội là cặp tỷ giá VND/USD như là một chỉ dấu cho thấy sự ổn định của VND. Vì vậy, ngoài những cơ sở kinh tế nền tảng thông thường chi phối diễn biến tỷ giá của một đồng tiền so với một đồng tiền khác, gần như có một nhiệm vụ chính trị khác là phải giữ tương đối ổn định tỷ giá VND/USD, cho dù USD có biến động mạnh so với các ngoại tệ khác.
Bởi vậy, mặc dù trong cơ chế tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố có sử dụng cả yếu tố biến động của rổ 8 đồng tiền tại các nước có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam (so với USD) và do đó khi những đồng tiền này lên giá so với USD thì sẽ tạo áp lực VND lên giá so với USD, nhưng dường như những yếu tố này đã bị lấn át bởi nhu cầu giữ ổn định tỷ giá danh nghĩa VND/USD.
Thứ hai, thông thường khi có sự chênh lệch giữa các cặp tỷ giá tại các thị trường cởi mở khác thì nhà đầu tư/đầu cơ sẽ lập tức tiến hành các hoạt động hoán chuyển mua đi bán lại lẫn nhau giữa một vài ngoại tệ, dẫn đến thu hẹp và làm biến mất các chênh lệch này để đảm bảo tỷ giá tính chéo giữa các ngoại tệ luôn được đảm bảo (không có sự chênh lệch lớn như ở Việt Nam).
Nhưng ở Việt Nam thì tìm kiếm cơ hội lợi nhuận từ kinh doanh chênh lệch giữa các cặp tỷ giá là hoàn toàn không dễ dàng, trước hết bởi giãn cách giữa giá mua và giá bán của USD là nhỏ hơn đáng kể so với các ngoại tệ khác. Ví dụ, trong khi giãn cách tính trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán USD tiền mặt theo công bố của Vietcombank ngày 5/2/2018 trên website của họ là 0,31% thì chênh lệch tương ứng cho đồng yen Nhật (JPY) lên tới 1,91%. Như vậy, nếu nhà đầu tư hoán chuyển vốn nắm giữ bằng USD ra VND rồi mua JPY tại thời điểm hiện tại rồi bán đi và mua lại USD trong một thời điểm tương lai thì đòi hỏi JPY phải lên giá trên 2,22% so với VND thì mới mong có lãi (tính theo USD). Mức độ chênh lệch để bảo đảm điểm hòa vốn như vậy là có lớn, quá rủi ro cho nhà đầu tư kinh doanh chênh lệch tỷ giá.
Thứ ba, quan trọng hơn và cũng liên quan đến yếu tố bên trên, khi muốn mua một ngoại tệ nào đó tại Việt Nam, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về quản lý ngoại hối do NHNN ban hành để có thể được các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ đó cho mình. Do đó, dù có thể nhìn thấy “mười mươi” cơ hội kiếm lãi từ chênh lệch tỷ giá giữa các ngoại tệ tại Việt Nam nhưng nhà đầu tư không có mấy khả năng hiện thực hóa các cơ hội này.
Từ những khía cạnh trên, việc NHNN để tỷ giá VND với các ngoại tệ khác biến động mạnh hơn so với tỷ giá VND/USD cũng sẽ không làm ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định tương đối của tỷ giá VND/USD.
Ngoài ra, việc để VND suy yếu mạnh so với các ngoại tệ khác ngoài USD còn có thể là một chủ ý của NHNN bởi sự suy yếu này sẽ có tác động tích cực tới cán cân thương mại của Việt Nam theo hướng thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Tóm lại, có thể nói là việc duy trì một chế độ tỷ giá trong đó tỷ giá VND/USD được giữ tương đối ổn định, còn tỷ giá của VND với các ngoại tệ khác thì tăng lên mạnh (VND mất giá so với các ngoại tệ này) là một hành động đạt được nhiều mục đích cùng lúc.